Chung tay hướng về vùng lũ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt mưa lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc kéo dài từ ngày 1/8 đến nay đã cơ bản chấm dứt.

Tuy nhiên, hậu quả mà trận mưa lũ lịch sử gây ra cho các địa phương, trọng tâm là Sơn La, Yên Bái và Điện Biên là hết sức nặng nề.
Tan hoang sau trận lũ lịch sử
Hơn 70 năm qua, người dân thị trấn Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) mới lại phải hứng chịu trận mưa lũ lớn đến như vậy. Hàng chục ngôi nhà với hàng trăm đồng bào nơi đây đã rơi vào cảnh trắng tay. Cuộc sống của nhiều hộ dân đã nghèo, nay sẽ càng thêm phần khốn khó.
Tại Trung tâm Dạy nghề và giáo dục thường xuyên và Viện KSND huyện Mù Cang Chải, hàng chục hộ dân đã phải tá túc trong nhiều ngày qua. Đây là những hộ phải di tản sau khi trận lũ quét, lũ ống kinh hoàng ập đến vào sáng 3/8. Gần như toàn bộ đồ đạc, tài sản của họ đều đã bị dòng nước cuốn trôi. Cách thị trấn Mù Cang Chải khoảng 5km, nằm cheo leo trên đỉnh núi, nhưng bản Kháo Giống (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải) cũng bị ảnh hưởng nặng nề của trận lũ sáng 3/8. Hiện, nhiều gia đình bị mất nhà cửa đang phải tạm trú tại trường THCS Kim Nọi. Cuộc sống không nhà cửa khiến nhiều người gặp khó khăn, chăn màn, quần áo cũng phải đi mượn...

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thăm hỏi, động viên học sinh vùng lũ tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT), đợt mưa lũ không chỉ khiến 228 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn, làm hàng trăm hộ dân (chủ yếu tại Yên Bái, Sơn La) rơi vào cảnh mất nhà cửa, mà còn gây thương vong lớn về người. Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La Hà Quyết Nghị cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, Sơn La là địa phương có số người chết nhiều nhất với 12 người, 5 người khác hiện vẫn còn đang mất tích. Tỉnh Yên Bái cũng có tới 5 người chết, 10 người mất tích. Đến nay, mưa lũ diễn ra từ ngày 1/8 tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến 26 người chết và 16 người còn đang mất tích. Một loạt tuyến đường bị sạt lở như QL12, QL279B, QL279C, QL4H, QL32; hiện mới chỉ có QL32 thông tuyến. 144 công trình thủy lợi bị hư hỏng... Thống kê thiệt hại ban đầu khoảng 720 tỷ đồng.
Tập trung khắc phục hậu quả
Ngay sau khi trận mưa lũ kinh hoàng đi qua, T.Ư, các bộ ngành, địa phương đã huy động mọi nguồn lực, tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Tỉnh Yên Bái và Sơn La đã triển khai hỗ trợ đối với các hộ có người bị chết và mất tích 10 triệu đồng/gia đình, và mỗi người bị thương 2,5 triệu đồng. Hỗ trợ các gia đình có nhà bị cuốn trôi 25 triệu đồng, có nhà bị sạt lở 10 triệu đồng. Những hộ có nhà bị cuốn trôi cũng được hỗ trợ 15kg gạo/tháng trong 6 tháng tới.
Cuối tuần qua, đoàn công tác của Bộ TN&MT đã đến thăm hỏi một số hộ gia đình có người thân bị chết, mất tích. Tại 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La, lãnh đạo Bộ đã trao số tiền 1,3 tỷ đồng từ Quỹ Bảo vệ môi trường để các địa phương xử lý vấn đề môi trường. Đồng thời, trao 200 triệu đồng ủng hộ trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và 55 triệu đồng tiền quyên góp hỗ trợ tỉnh Sơn La khắc phục hậu quả mưa lũ. T.Ư Hội Chữ thập đỏ cũng đã cử 2 đoàn lên tỉnh Sơn La, thăm hỏi, hỗ trợ người dân địa phương 500 triệu đồng và 180 thùng hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Số tiền 600 triệu đồng cũng đã được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam hỗ trợ các đối tượng chịu thiệt hại do mưa lũ. Trong 2 ngày 5 - 6/8, đoàn công tác của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tới thăm, tặng quà cho cư dân vùng lũ tại thị trấn Mù Cang Chải. Tại đây, đoàn đã thăm hỏi, tặng quà cho một số hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lũ mỗi hộ 3 triệu đồng. Đồng thời trao cho trường Tiểu học và THCS Mù Cang Chải và trường Mầm non Hoa Lan mỗi trường 20 triệu đồng để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ... Cùng với hỗ trợ của các bộ ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, DN, cá nhân cũng đã phát động nhiều chương trình hỗ trợ với mong muốn chung tay cùng cư dân vùng lũ đi qua những ngày khó khăn trước mắt...  
Ngay sau khi cơn lũ xảy ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tới thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là khẩn trương tìm kiếm số người hiện vẫn còn đang mất tích. Đồng thời, triển khai hỗ trợ khẩn cấp, bảo đảm kịp thời cho người dân về chỗ ở, thuốc men, đồ ăn, nước uống. Tuyệt đối không để bất cứ người dân nào bị thiếu đói, bệnh tật. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tập trung khắc phục hư hỏng về hạ tầng sản xuất, nhà ở. Đặc biệt là các trường học nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho các em bước vào năm học mới.
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, hiện nay, mực nước 4 hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang ở mức cao. Số liệu cập nhật lúc 7 giờ sáng 6/8 cho thấy, mực nước hồ Hòa Bình đang cao hơn ngưỡng cho phép tới 9,15m. Mực nước hồ chứa thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà hiện cũng đang cao hơn ngưỡng cho phép lần lượt là 5,29m, 3,09m và 0,51m. Trước diễn biến trên, để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du, 5/6 đơn vị tư vấn chuyên ngành đề xuất phương án mở 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình. Ngoài ra, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đề xuất mở thêm 1 cửa xả đáy hồ Sơn La.

Cùng với huy động lực lượng, tập trung trợ giúp người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, các địa phương cần sớm thành lập bộ phận tiếp nhận dân chủ, công khai, để mọi hỗ trợ đến được với đồng bào vùng lũ công bằng, hiệu quả...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT
Nguyễn Xuân Cường