Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung tay xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch đẹp

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được phát động từ tháng 4/2022, cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố, xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp” chào mừng SEA Games 31 đã nhận được sự hưởng ứng của chính quyền, Nhân dân Thủ đô, góp phần nâng cao ý thức tự giác, tạo bộ mặt cảnh quan TP văn minh, trật tự, an toàn.

Nhiều cách làm sáng tạo

Từ ngày 22/9 đến 24/10, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra, chấm điểm cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp” tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Ngày 27/9, qua kiểm tra thực tế các tuyến đường thôn, xã trên địa bàn huyện Hoài Đức, Đan Phượng cho thấy, việc giữ gìn trật tự vệ sinh môi trường, cảnh quan đẹp đã dần trở thành thói quen và nét đẹp văn hóa của người dân.

Đoàn kiểm tra thực tế trên địa bàn huyện Hoài Đức. 
Đoàn kiểm tra thực tế trên địa bàn huyện Hoài Đức. 

Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên KT&ĐT tại tuyến đường thôn 5, xã Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội cảnh quan làng, xóm có nhiều không gian xanh mát, đường làng, ngõ xóm phong quang, tường bao, tường rào được sơn, sửa trang trí tranh bích họa.

Công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo sạch sẽ, trước mỗi nhà dân đều trang bị thùng rác có nắp đậy; cống rãnh, hố ga được khơi thông đảm bảo vệ sinh; cây dại, bủi cỏ tại đường giao thông, nơi công cộng, khu đất trống được phát quang dọn dẹp.

Người dân Hoài Đức đi bộ tại khu vực đường đê thôn 5, xã Yên Sở.
Người dân Hoài Đức đi bộ tại khu vực đường đê thôn 5, xã Yên Sở.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trọng Thuận cho biết: Việc tổ chức triển khai 2 cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố, xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp” chào mừng SEA Games 31 của TP và cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” trên địa bàn huyện Hoài Đức đã tạo chuyển biến tích cực tại nhiều thôn, tổ dân phố tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn trong giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo, phát triển điều kiện sống nơi mình cư trú, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng huyện thành quận, xã thành phường, là nơi đáng sống, niềm tự hào của người dân trên dịa bàn”.

Cũng với những cách làm sáng tạo, huyện Đan Phượng đã huy động được sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và Nhân dân. Tại Thôn Ích Vịnh (xã Phượng Đình) có cách làm, đổi mới trong công tác thông tin tuyên truyền, tích cực vận động Nhân dân xây dựng mô hình “thôn thông minh” của xã.

 

“Tôi cho rằng, xã hội hoá trong triển khai, thực hiện giữ gìn ngõ phố, xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp không cần phải đao to búa lớn, mỗi nhà góp một chậu hoa hay một đoạn bích hoạ cũng góp phần cho bức tranh nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp. Khi dân tự giác, tự nguyện thì chính bàn tay của họ sẽ vun đắp cảnh quan. Xã hội hoá phải chạm được tới lòng dân”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng

Thôn Địch Trong, Cổ hạ, La Thạch (xã Phương Đình) làm tốt công tác xã hội hoá hàng tỷ đồng chỉnh trang, đặc biệt thôn Địch Trong vận động hộ gia đình hiên 35 mét vuông đất làm đường.

Tại buổi kiểm tra, theo ghi nhận của phóng viên KT&ĐT tại tuyến đê kiểu mẫu trên địa bàn xã Song Phượng, khu vực này rực rỡ hơn bởi không chỉ có nền cỏ lạc màu xanh mà mái đê còn được tô điểm bằng những khóm hoa, lá nhiều màu sắc của hoa hồng, mẫu đơn, trạng nguyên, gấm đỏ, thu hải đường được trồng theo kiểu hình quả trám, trái tim, ngôi sao, ô van tạo nên bức tranh sinh động.

Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Anh Tùng cho biết, tuyến đê trên địa bàn xã Song Phượng là bộ phận của tuyến đê tả sông Đáy, có chiều dài khoảng 1,8km, đi qua 3 thôn: Thống Nhất, Thuận Thượng, Tháp Thượng. Những năm gần đây, mặc dù tuyến đê được quản lý, phát quang, vệ sinh theo định kỳ nhưng vẫn bị cỏ mọc um tùm, đôi chỗ, một số người thiếu ý thức còn vứt rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng khiến vừa mất an toàn, vừa chưa bảo đảm mỹ quan.

Trước tình hình đó, để thay đổi diện mạo, cảnh quan, Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Anh Tùng cho biết: Chính quyền và Nhân dân xã Song Phượng đã lên thiết kế toàn bộ tuyến đê và thuê máy san gạt, tạo độ phẳng cho mái đê, dọn sạch phế thải, gạch đá, cỏ rác. Khi có mặt bằng, xã huy động cán bộ, đảng viên, Nhân dân tham gia đóng góp ngày công trồng cây, hoa. Những ngày đó, mỗi ngày, xã thường xuyên huy động hơn 100 người tham gia. Sự tham gia nhiệt tình của người dân đã giúp đẩy nhanh tiến độ. Ban đầu, xã dự tính thực hiện trong khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, quá trình triển khai, cán bộ và Nhân dân hào hứng tham gia nên chỉ sau 20 ngày, tuyến đê kiểu mẫu dài 1,8km cơ bản hoàn thành.

Duy trì, nâng cao ý thức Nhân dân

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của TP, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết: Thời gian qua, cả hệ thống chính trị và tầng lớp Nhân dân Đan Phượng đã tích cực vào cuộc, triển khai, thực hiện cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố, xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp” bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lồng ghép vào các hoạt động của từng xã, thôn, tổ chức, đoàn thể. Qua đó, cảnh quan nông thôn mới ở Đan Phượng ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp. Đặc biệt, huyện đã huy động được 27 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hoá. Điều này cho thấy rõ nét phương châm Nhà nước và Nhân đân cùng làm”.

Đoàn Kiểm tra thị sát tại huyện Đan Phượng. 
Đoàn Kiểm tra thị sát tại huyện Đan Phượng. 

Qua công tác kiểm tra thực địa tại các tuyến đường và ngõ phố trên địa bàn 2 huyện Hoài Đức và Đan Phượng, thay mặt Đoàn kiểm tra của Sở VH&TT Hà Nội, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP Nguyễn Sỹ Trường đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà 2 huyện đã đạt được.

Đường phố xanh, sạch, đẹp tại Đan Phượng.
Đường phố xanh, sạch, đẹp tại Đan Phượng.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra của Sở VH&TT Hà Nội lưu ý các đơn vị cần quan tâm hơn nữa tới việc tháo dỡ một số biển quảng cáo rao vặt còn tồn tại ở Hoài Đức; điều chỉnh hình thức treo cờ Tổ quốc theo đúng quy định tại một số hộ dân tại Đan Phượng. Đồng thời, 2 huyện tiếp tục vận động Nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn trật tự đô thị và vệ sinh môi trường để trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ, thể hiện tốt trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, hình thành nét văn hóa đẹp của người dân Thủ đô.