Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 1

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ: Năm 1964, trong lần về thăm Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, Bác Hồ đã có lời căn dặn “Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”, đã trở thành kim chỉ nam cho định hướng phát triển của Trường. Nhìn lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của trường ĐH sư phạm đầu ngành, cái nôi của nền giáo dục Việt Nam đã bám sát quan điểm: “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục”.

Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 2
Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 3

Nhìn lại chặng đường 70 phát triển của nhà trường trong thời gian qua, theo thầy những yếu tố nào thể hiện sự đầu tầu, tiên phong trong đổi mới của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên của cả nước?

- Trong lịch sử phát triển của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhà trường là nơi khởi đầu của nhiều mô hình, hoạt động giáo dục và đào tạo trong cả nước. Ví dụ, Trường là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của cả nước được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ thực hiện đào tạo trình độ trên đại học (sau đại học) từ năm 1976; là cơ sở đầu tiên đào tạo giáo viên mầm non trình độ đại học và đào tạo giáo viên Tiểu học có trình độ đại học; là cơ sở đầu tiên đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật trình độ đại học (năm 1993)…

Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 4

Gần đây khi đất nước hội nhập càng ngày càng sâu rộng với khu vực, đặc biệt khi chính sách Cộng đồng ASEAN ra đời và có hiệu lực, nhà trường nhận thức được cơ hội việc làm cho sinh viên được mở rộng hơn. Không chỉ làm việc trong nước, nếu các em có đủ năng lực hoàn toàn xin việc sang các nước trong cùng cộng đồng ASEAN. Xuất phát từ đây, nhà trường là đơn vị đầu tiên xây dựng các ngành đào tạo giáo viên dạy các môn cơ bản bằng tiếng Anh. Đó là môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, CNTT dạy bằng tiếng Anh; ngành ghép Mầm non – Tiếng Anh, Tiểu học – Tiếng Anh cũng đang được nhà trường triển khai.

Chính là đơn vị đi đầu trong đào tạo giáo viên dạy các môn học bằng tiếng Anh cho nên sinh viên ra trường có nhiều cơ hội tìm việc (vì chưa có nhiều đơn vị đào tạo các mã ngành này). Thậm chí, khi sinh viên chưa ra trường đã được nhiều trường cơ sở giáo dục phổ thông đến tuyển chọn.

Nếu trước đây, thường có câu nói nôm: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua Sư phạm…”, trong xu hướng hội nhập quốc tế học sinh càng có nhiều lựa chọn ngành nghề. Tuy nhiên, qua theo dõi điểm tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong vài năm gần đây cho thấy, điểm xét tuyển đầu vào nhiều ngành tăng rất cao, PGS lý giải gì về thực tế ngược với suy nghĩ của nhiều người?

Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 5

- Nhìn chung điểm đầu vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội luôn luôn cao và mấy năm gần đây còn cao hơn, nhất là những ngành đào tạo như dạy Toán học bằng tiếng Anh. Tôi nhận thấy có ba sức hút chính đối với công tác tuyển sinh của Nhà trường. Trước hết là chính sách của Nhà nước về miễn học phí dành cho sinh viên sư phạm, đây là chính sách đúng đắn, đã góp phần thu hút được nhiều học sinh giỏi vào trường. Trong năm học này, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực tiếp tục có tác động tích cực đối với lựa chọn nghề sư phạm của nhiều học sinh. Thứ hai, trường ĐH Sư phạm Hà Nội có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm rất cao (trên 90%) nên các em có nhu cầu muốn được học tại trường để gia tăng cơ hội công việc. Thứ ba, chất lượng đào tạo của nhà trường đã tạo thành danh tiếng và được xã hội thừa nhận lâu nay. Cho nên, các em có bằng tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội rất tự tin trong quá trình công tác của mình; tạo thành nền tảng, sức bật sau này.

Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 6

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội làm gì để thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước, cũng như để giữ giữ vững vị trí đầu tàu của các trường sư phạm trong sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ?

- Đầu tiên, khi nhìn ở góc độ đảm bảo chất lượng, một trường ĐH cần được quản trị trên nhiều thành tố như: Đảm bảo chất lượng về chiến lược (sứ mạng, tầm nhìn; các chính sách quản lý; hoạt động quản lý các nguồn lực; các mạng lưới và quan hệ đối ngoại); đảm bảo chất lượng về hệ thống (đảm bảo chất lượng bên trong; tự đánh giá và đánh giá ngoài); đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng (tuyển sinh, tổ chức đào tạo; nghiên cứu khoa học; kết nối và phục vụ cộng đồng) và kết quả hoạt động. Chất lượng đào tạo của một trường ĐH cũng có thể được nhìn nhận như là kết quả tác động đồng hướng của nhiều yếu tố như: Chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, cơ chế và chính sách, hợp tác và nghiên cứu khoa học,… Do đó, tiếp cận đảm bảo chất lượng của nhà trường phải là quá trình được thực hiện thường xuyên và liên tục; chứ không phải một bước làm được ngay, mà nó là quá trình tích lũy được từ nhiều năm. Nhà trường luôn hiểu là đơn vị lớn giống con tàu lớn khi mình bẻ lái thì phải từ từ;  không phải một cách đột ngột và sẽ không hiệu quả.

Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 7

Hiện nay, nhà trường cũng nhận thức được là chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, vì vậy, định hướng phát triển thành trường ĐH Sư phạm thông minh đã trở thành trọng tâm của nhà trường trong thời gian tới. Trong đó, tính chất “thông minh” của nhà trường được hiểu là quá trình hoạt động và ra quyết định sẽ năng suất hơn và chính xác hơn nhờ nền tảng công nghệ thông minh được tích hợp vào mọi mặt hoạt động của Nhà trường. Nói một cách khác, các hoạt động điển hình của trường ĐH (giảng dạy,  nghiên cứu, cung cấp dịch vụ - chuyển giao công nghệ) sẽ được trợ lực và đổi mới bởi công nghệ thông minh, làm cho các hoạt động này nâng cao về chất, làm gia tăng hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm, dịch vụ và làm gia tăng giá trị cho nhà trường.

Là trường ĐH sư phạm thông minh sẽ giúp chương trình đào tạo được đổi mới thường xuyên theo hướng đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Bởi công nghệ thông minh sẽ giúp cho nhà trường có các dữ liệu “sống” và có tính kết nối cao. Các nhu cầu của cộng đồng, của xã hội và khu vực sẽ được kịp thời phản ánh vào trong tiến trình đào tạo của nhà trường. Trường sư phạm thông minh sẽ thúc đẩy các tiếp cận, các phương pháp dạy học tích cực như: Học tập kết hợp, học tập đảo ngược, học tập thích ứng, học tập hợp tác, học tập dựa trên bối cảnh,… từ đó tạo điều kiện cho sinh viên sớm thành thạo các phương pháp dạy học tích cực và nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong dạy học, bởi giáo viên sẽ dạy theo cách mà họ đã được học. Công nghệ cũng sẽ giúp nhà trường kết nối hiệu quả tới các đối tượng người học, từ đó giúp nuôi dưỡng và mở rộng đối tượng phục vụ của nhà trường, nhất là trong công tác bồi dưỡng, phát triển thường xuyên chuyên môn cho đội ngũ giáo viên (cũng chính là đối tượng cựu người học của nhà trường).

Bên cạnh đó, mô hình quản trị theo hướng ứng dụng công nghệ thông minh cũng giúp nhà trường tiếp tục phát triển môi trường học thuật minh bạch và ngày càng chuyên nghiệp; hỗ trợ giảng viên nghiên cứu khoa học để sinh viên được hưởng lợi.

Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 8

Trước xu hướng tự chủ ĐH, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có mong được tự chủ để thu hút các nhà đầu tư; về phía Nhà nước sẽ đặt hàng nhà trường đào tạo để chất lượng nhân lực sẽ được tăng lên?

- Tự chủ ĐH là xu thế, chủ trương đúng, cần khuyến khích phát triển. Riêng khối các trường sư phạm hiện nay thì ngân sách Nhà nước tài trợ học phí cho sinh viên. Do đó, cơ chế tự chủ về kinh phí thường xuyên và chi đầu tư của các trường sư phạm cũng cần được tính toán và cân nhắc trong bối cảnh các chính sách liên quan được đồng bộ cũng như duy trì được nhưng ưu việt trong chính sách hiện có đối với đào tạo sư phạm. Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ là một ví dụ khi từng bước đặt yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, đáp ứng thực chất nhu cầu của các địa phương.

Ngoài ra, công tác quy hoạch mạng lưới các trường đại học nói chung, các trường sư phạm nói riêng là hết sức quan trọng. Bởi khi có quy hoạch thì đầu tư của Nhà nước cho các trường sư phạm sẽ có tính trọng điểm hơn, tránh bị dàn trải. Khi đó, các trường sư phạm sẽ có cơ hội để nâng cấp toàn diện, đồng bộ về cơ sở vật chất, có điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.

Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 9
Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 10

Thưa PGS, người thầy bây giờ không chỉ dạy một môn học, đứng trên bục giảng viết bài và giảng giải cho học sinh; mà phải biết dạy tích hợp nhiều môn, dạy trực tuyến. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã triển khai đào tạo theo xu hướng này từ bao giờ và mang đến kết quả ra sao để nâng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, thưa thầy?

- Có thể thấy rằng, quan điểm dạy học tích hợp đã được hình thành khá sớm trong khoa học giáo dục. Xu thế này đã được cụ thể hóa vào trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tích hợp ở lớp dưới và phân hóa mạnh ở lớp trên. Trong chương trình đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nội dung về tổ chức dạy học tích hợp cũng đã được giới thiệu từ lâu và trong hầu hết các môn học. Cho nên, có thể khẳng định, sinh viên tốt nghiệp từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có đủ năng lực để tổ chức dạy học tích hợp.

Chúng tôi bám sát quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục” - Ảnh 11

Dịch Covid-19 là tác động ngoại cảnh nhưng nó lại thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục diễn ra nhanh chóng. Rõ ràng trước đây chúng ta nhìn nhận ứng dụng CNTT trong dạy học như một cách dạy hiện đại (định hướng phát triển đến), thì nay đã trở thành chuyện hiển nhiên (cứu cánh cho hoạt động của các nhà trường). Trong chương trình đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, những học phần hướng dẫn dẫn sinh viên về ứng dụng CNTT trong dạy học từ cơ bản cho đến nâng cao cũng đã được triển khai từ khá sớm. Sinh viên phải có năng lực CNTT trong dạy học là yêu cầu đầu ra của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Và, hiện nay sinh viên cũng đang được học trong môi trường trực tuyến, trong điều kiện như vậy, năng lực CNTT của các em cũng được phát triển một cách rất tự nhiên.

Chắc chắn, tới đây, khi chúng ta vượt qua được đại dịch Covid-19, trong công tác tổ chức đào tạo của nhà trường vẫn sẽ duy trì những nội dung đào tạo kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Hơn nữa, thông tư của Bộ GD&ĐT đã cho phép tối đa 30% trong tổng khối lượng chương trình được học qua mạng, đây chính là điều kiện giúp cho  người học có thêm nhiều trải nghiệm để có được năng lực ứng dụng CNTT tốt vào trong quá trình dạy học cho học sinh sau này.

Không ít giáo viên cho rằng bị căng thẳng, áp lực khi mỗi giờ dạy trực tuyến của họ thường có quản lý, phụ huynh dự giờ bất cứ lúc nào. Nhà trường có cách gì để đào tạo ra những nhà giáo có đạo đức, tâm huyết và bản lĩnh với nghề?

- Đúng là trong bối cảnh hiện nay, hiện tượng phụ huynh “dự giờ” cùng con là tình huống mới, khá thú vị nhưng cũng ít nhiều gây “áp lực” tới giáo viên khi dạy học. Tuy nhiên, cá nhân tôi nhận đây cũng chính là đặc tính của công nghệ, giúp minh bạch hóa quá trình thực hiện nghiệp vụ. Quá trình dạy học trực tuyến thầy cô, phụ huynh, học sinh đều ghi âm, ghi hình được bài giảng, các hoạt động này được lưu vết khách quan điều này cũng có những tác động tích cực đối với phong cách ứng xử của giáo viên, mang lại hiệu quả tốt đối với quá trình dạy học và giáo dục. 

Đối với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhà trường luôn quán triệt quan điểm “Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục”. Sinh viên sư phạm không chỉ là người giỏi chuyên môn mà trước hết phải là một nhà giáo dục, có khả năng thấu hiểu, ứng xử với học sinh, phụ huynh và các bên liên quan một cách tinh tế, chuẩn mực. Do đó, quan điểm giáo dục của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là giáo dục người học bằng chính tấm gương của từng cán bộ, giảng viên. Chính từng giảng viên phải là tấm gương thật tốt thì mới giáo dục được sinh viên. Theo đó, đạo đức nghề nghiệp sẽ được ngấm vào người học một cách rất tự nhiên. Có thể tự hào để khẳng định, truyền thống giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên thông qua hình ảnh của người thầy, người cô ân cần, tâm huyết, trách nhiệm và công tâm ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã trở thành mạch chảy hình thành nên truyền thống giáo dục của nhà trường. Thế hệ sau noi gương thế hệ trước, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội luôn có đặc trưng rất riêng, những con người có chuyên môn tốt, có đạo đức tốt.

Xin cảm ơn PGS!

Trần Oanh (thực hiện)
Ảnh: Ngọc Tú và nhà Trường cung cấp
Thiết kế: Ngọc Minh

19:55 20/11/2021