Chuỗi liên kết phát huy lợi thế trong thời dịch Covid-19

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều nông sản gặp khó khăn ở cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ vì dịch bệnh Covid-19, thì mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trên địa bàn Hà Nội lại tiêu thụ rất hiệu quả. Đó là nhờ vào sự minh bạch về nguồn gốc và gắn chặt trách nhiệm với người sản xuất.

Sản xuất ổn định, đầu ra thông suốt
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay đã khiến không ít mặt hàng nông sản đứng trước tình cảnh “được mùa, mất giá”. Đặc biệt mấy ngày gần đây, dịch Covid-19 xuất hiện ở một số chợ dân sinh, chợ đầu mối nông sản và TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khiến việc tiêu thụ nông sản của những người sản xuất nhỏ lẻ càng khó khăn hơn. Thế nhưng, hoạt động tại các chuỗi liên kết vẫn diễn ra ổn định, cụm từ “giải cứu” gần như không xuất hiện ở những đơn vị này.
Chăn nuôi lợn ở Hợp tác xã Hoàng Long. Ảnh chụp trước thời điểm 27/4/2021
Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, toàn xã có hơn 200ha rau an toàn, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, nông dân vừa sản xuất, vừa thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Thời điểm hiện tại, rau không bị sâu bệnh, sinh trưởng, phát triển bình thường. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp 6 - 7 tấn rau cho các siêu thị trên địa bàn TP và hơn 30 tấn rau các loại cho chợ đầu mối  với giá không biến động.
Tương tự, mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và liên kết với DN bao tiêu sản phẩm của ông Nguyễn Đình Tường ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển ổn định giữa thời dịch Covid-19. Hiện nay, tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các sản phẩm thịt sạch, đặc biệt là các sản phẩm thịt lợn chế biến gắn 4 sao OCOP của gia đình ông được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP; doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận thu 3 - 4 tỷ đồng/năm.
“Có được kết quả như hôm nay là nhờ vào tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi theo quy trình khép kín từ khâu chọn con giống, chăm sóc, cho ăn, phòng bệnh theo từng giai đoạn đến khi xuất bán, giết mổ, đóng gói đưa đến người tiêu dùng” – ông Nguyễn Đình Tường chia sẻ.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, từ năm 2015, UBND huyện đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập chuỗi liên kết trong sản xuất, chăn nuôi. Theo đó, huyện hỗ trợ các mô hình về thủ tục thuê đất, xây dựng đề án bảo vệ môi trường, tập huấn kỹ thuật, bảo lãnh vay vốn ưu đãi, kết nối DN bao tiêu sản phẩm… Nhờ vậy đến nay huyện Quốc Oai đã phát triển được hàng chục mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng được thương hiệu một số nông sản trên địa bàn huyện như nhãn chín muộn Đại Thành, rau an toàn Nghĩa Hương, Tân Phú; cá VietGAP, trứng gà sạch, thịt lợn sinh học Cấn Hữu… “Chỉ có sản xuất theo chuỗi mới giải quyết hiệu quả bài toán “được mùa, mất giá”, đem lại nguồn thu ổn định cho các hộ dân” – ông Nguyễn Quang Thắm khẳng định.
Khẳng định hướng phát triển tất yếu
Ông Nguyễn Văn Chữ - Chủ tịch HĐQT Chuỗi thực phẩm Organic Green chia sẻ, hiện nay Organic Green đang liên kết với hơn 100 cơ sở sản xuất và có 90 cửa hàng phân phối sản phẩm. Khi dịch Covid-19 bùng phát, khách hàng có xu hướng chuyển sang sử dụng thực phẩm có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, sản lượng hàng bán ra của chuỗi cũng tăng lên gấp đôi so với trước đây. Để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch, công ty đang có chương trình khuyến mại giảm giá 15% tất cả các mặt hàng, và hỗ trợ giao hàng miễn phí tận nơi với đơn hàng từ 800.000 đồng trở lên.
 Chuỗi thực phẩm Organic Green
Theo ông Nguyễn Văn Chữ, để có thể tiêu thụ thực phẩm trong giai đoạn hiện nay, phần lớn các trang trại đã sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn và có liên kết với DN từ trước. Nông sản muốn vào chuỗi thì phải sản xuất sạch, có hồ sơ truy xuất nguồn gốc; sản xuất nhỏ lẻ trong hoàn cảnh dịch bệnh rất khó để xoay sở đầu ra. “Qua đó cho thấy, trong những lúc nghịch cảnh như hiện nay, mô hình chuỗi liên kết đã bộc lộ ra những ưu điểm và là xu hướng tất yếu trong tương lai” – ông Nguyễn Văn Chữ khẳng định.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để hỗ trợ cho các chuỗi hoạt động thông suốt trong đợt giãn cách xã hội, Sở đã chỉ đạo tổ kiểm soát liên ngành chống dịch Covid-19 tại cửa ngõ Thủ đô, ưu tiên giải quyết nhanh gọn thủ tục, điều kiện để các xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm và vật tư nông nghiệp vận chuyển đến những đơn vị phân phối trong Hà Nội. Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng ưu tiên “luồng xanh” cho xe vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn.  
Ông Tạ Văn Tường cho rằng, chỉ khi nào nông dân liên kết theo chuỗi với DN thì mới hạn chế được rủi ro. Tuy nhiên, tỷ trọng sản lượng nông lâm thủy sản được kiểm soát theo chuỗi ở Hà Nội vẫn còn thấp. Kết quả phát triển các chuỗi và số lượng sản phẩm rau, thịt được tiêu thụ trên địa bàn TP còn chưa đồng đều giữa các địa phương do việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất ở một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển chuỗi rau, thịt, chuỗi liên kết trên địa bàn, dẫn đến sản phẩm nông sản sản xuất ra không có nhãn mác, thương hiệu, không tiêu thụ được tại các kênh phân phối lớn. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường tiếp cận các DN có khả năng đầu tư lâu dài trong nông nghiệp, sẵn sàng chia sẻ lợi ích với nông dân để xây dựng các chuỗi liên kết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần