Chuỗi sản xuất – tiêu thụ rau hữu cơ: Hướng tới sự phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/12, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tổ chức nghiệm thu, tổng kết công tác xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ tại phường Cự Khối, quận Long Biên.

Sau gần một năm triển khai, mô hình này đang mang lại hiệu quả rõ rệt và nhiều triển vọng phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Hiệu quả trông thấy

Mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ rau hữu cơ được thí điểm tại nông trại hữu cơ Tuệ Viên, phường Cự Khối. Đây là một trong những trang trại tiêu biểu, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn TP. Triển khai mô hình này, Trung tâm Xúc tiến thương mại  (XTTM) nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ tập huấn cho 50 học viên là những nông dân và các hộ sản xuất ổi, rau an toàn của phường Cự Khối về kỹ năng liên kết nhóm. Qua lớp học, bà con nông dân nắm bắt được tầm quan trọng của liên kết nhóm, đồng thời biết cách tiếp cận thông tin và sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh kiến thức được truyền tải qua các buổi tập huấn, bà con còn được đi tham quan học tập mô hình liên kết nhóm tại trang trại thanh long ruột đỏ, trang trại chanh đào ở Ba Vì. Đây là cơ sở để hình thành các tổ, nhóm sản xuất hạt nhân tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết với các DN tiêu thụ sản phẩm.
Tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ tại nông trại Tuệ Viên, phường Cự Khối, quận Long Biên.
Tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ tại nông trại Tuệ Viên, phường Cự Khối, quận Long Biên.
Bên cạnh đó, nắm bắt được những khó khăn trong quá trình bảo quản, tiêu thụ rau cũng như khâu bao gói, dán nhãn phục vụ nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ 50% kinh phí mua một số thiết bị như máy làm sạch không khí, máy sục ozon, tem nhãn, bao bì… Từ việc hỗ trợ các thiết bị, sản phẩm rau của trang trại Tuệ Viên sau khi thu hoạch được rửa và sơ chế, bảo quản trong điều kiện tối ưu trước khi chuyển ra cung cấp cho người tiêu dùng. Không những thế, sản phẩm được đóng gói, có bao túi, dán nhãn mác cung cấp đầy đủ thông tin về đơn vị sản xuất, từ đó giúp người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm và yên tâm hơn khi sử dụng.

Đặc biệt, để tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm, Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội còn kết nối Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên và một số DN có kênh phân phối nông sản an toàn tại Hà Nội hợp tác, tiêu thụ toàn bộ rau hữu cơ cho nông trại Tuệ Viên. Hiện nay, sản phẩm rau hữu cơ Tuệ Viên đã được phân phối, tiêu thụ trên hệ thống của Công ty Việt Liên và siêu thị Fivimart. Chị Nguyễn Thị Phương Liên – chủ nông trại hữu cơ Tuệ Viên vui mừng chia sẻ, dù sản phẩm rau hữu cơ đã có mặt trên thị trường Hà Nội từ khá lâu nhưng người tiêu dùng chưa hiểu hết giá trị của mặt hàng này. Hơn nữa, do giá bán sản phẩm đắt hơn nên một số người tiêu dùng sử dụng một thời gian rồi chuyển sang sản phẩm khác. Do đó, nông trại thường xuyên phải tìm khách hàng mới. Tuy nhiên, từ khi được Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ thực hiện mô hình chuỗi liên kết, việc tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ đã thuận lợi hơn, ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm và đầu ra đã ổn định.

Theo đánh giá của Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội, việc liên kết chuỗi, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến đã tạo ra những sản phẩm rau hữu cơ theo định hướng thị trường. Năng suất rau ổn định, chất lượng đạt tiêu chuẩn nên giá bán cao. Bên cạnh đó, việc liên kết chặt chẽ giữa nơi sản xuất và các DN tiêu thụ đã giúp cho đầu ra sản phẩm được ổn định, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất từ 15 – 20% so với trước đây.

Đi vào chiều sâu

Đến thăm nông trại hữu cơ Tuệ Viên hiện nay, ai cũng ngỡ ngàng trước một “khu rừng sinh thái” với hàng trăm loại cây, hoa, rau màu xanh mướt. Nhiều loại rau hữu cơ được trồng xen canh nhau như cải bắp, su hào, cà chua, xà lách, bầu bí… Ưu thế của phương thức sản xuất hữu cơ là không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học nên chất lượng sản phẩm tuyệt đối an toàn. Không chỉ giúp tăng hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất hữu cơ còn góp phần đáng kể vào việc làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây cũng là hướng đi được nhiều địa phương quan tâm phát triển trong gần chục năm qua. Hiện nay, toàn TP có trên 30ha rau hữu cơ, tập trung ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), Yên Bình (huyện Thạch Thất) và phường Cự Khối (Long Biên). Tuy được áp dụng quy trình sản xuất an toàn, song mô hình sản xuất hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn trong khâu bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, thành công của chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ rau hữu cơ tại nông trại Tuệ Viên, phường Cự Khối là cơ sở để ngành nông nghiệp Thủ đô nhân ra diện rộng trong thời gian tới.

Ông Ngô Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND phường Cự Khối cho biết, dù là địa phương có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, song sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng và là thế mạnh trong kinh tế của địa phương. Theo dự báo đến năm 2020, phường Cự Khối vẫn còn khoảng trên 100ha sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, Cự Khối có thế mạnh là sở hữu trên 100ha ổi đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Do đó, lãnh đạo phường Cự Khối đề nghị, Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ đối với cả sản phẩm rau và ổi của địa phương, nhất là đảm bảo đầu ra gắn với phát triển mô hình du lịch sinh thái bền vững.

Mở rộng quy mô sản xuất

Từ những thành công ban đầu, hiện nay, nông trại Tuệ Viên và Công ty Liên Việt đang xúc tiến mở rộng hơn nữa diện tích sản xuất rau hữu cơ, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, tập trung thí điểm xây dựng mô hình trồng ổi hữu cơ với diện tích khoảng 10ha, trong đó chú trọng phát triển mạnh theo chiều sâu chuỗi giá trị, tức là chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng nhằm nâng cao giá trị và thu hút khách du lịch. Hiện nay, các đơn vị này đã phát triển một số sản phẩm từ cây ổi như chè lá ổi, giấm ổi, nước rửa chén chiết xuất từ thân và lá ổi… Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là quy mô triển khai còn nhỏ, số cơ sở đủ điều kiện tham gia kết nối chưa nhiều, cơ sở vật chất hạ tầng của các DN tham gia kết nối chuỗi còn hạn chế. Bên cạnh đó, TP lại chưa có chính sách đặc thù hỗ trợ cho mô hình liên kết chuỗi nên việc nhân rộng gặp trở ngại. Đặc biệt, việc chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn đang còn bị bỏ ngỏ, ảnh hưởng tới tâm lý của người sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Ông Đỗ Hoàng Thạch – Phó Giám đốc Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội cho biết, trên cơ sở kết quả của mô hình thí điểm, trong năm 2016, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân về liên kết nhóm hộ một cách bài bản. Đồng thời, thử nghiệm mô hình minh bạch thông tin sản phẩm bằng thiết bị điện tử, giúp cho người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, Trung tâm sẽ tổ chức các tuần lễ nông sản an toàn của TP và các tỉnh, thành khác, tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhận diện các sản phẩm an toàn, trong đó có nông sản hữu cơ. Ông Thạch cũng đề nghị Sở NN&PTNT quan tâm đến việc hướng dẫn và chứng nhận chất lượng đối với các sản phẩm chất lượng tốt, làm cơ sở để đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị trên địa bàn TP. Đồng thời, UBND TP, Sở NN&PTNT cần sớm ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ cho các DN liên kết chuỗi giá trị nhằm nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác.