Hiệu quả rõ rệt
Giữa cái nắng chói chang, trên cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt của xã Hồng Phong, những chiếc máy gặt đập liên hợp hối hả làm việc. Bà con nông dân chỉ cần đứng chờ ở đầu bờ và chở lúa về nhà trong niềm vui được mùa. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hồng Phong Vương Toàn Nguyên cho biết, nhờ áp dụng cơ giới hóa (CGH) đồng bộ nên không chỉ nâng cao hiệu quả canh tác mà còn giảm chi phí, sức lao động cho bà con nông dân. Hiện tại, HTX làm dịch vụ máy cấy mạ khay cho nông dân với mức 180.000 đồng/sào, máy gặt đập liên hợp 100.000 đồng/sào. “Vụ Xuân 2017, toàn xã có 180ha cấy lúa, qua đánh giá sơ bộ năng suất lúa đạt 70 tạ/sào” – ông Nguyên nói.
Ngoài xã Hồng Phong, năm 2017, huyện Chương Mỹ còn hỗ trợ xây dựng mô hình CGH đồng bộ tại xã Hợp Đồng với diện tích 100ha, trong đó vận động thành lập một HTX dịch vụ nông nghiệp kiểu mới để thực hiện các khâu dịch vụ cho nông dân. Đến nay, HTX đã được trang bị 3 máy cấy với công suất cấy mỗi vụ đạt 200ha. Ngoài sản xuất lúa, trên địa bàn huyện còn một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, CGH trong chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Tiêu biểu là mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong thâm canh bưởi Diễn tại xã Nam Phương Tiến do UBND huyện phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai cho thu nhập trên 800 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, Chương Mỹ là địa phương tiên phong của TP trong việc ứng dụng hệ thống quan trắc thời tiết vào sản xuất rau an toàn. Có mặt tại khu sản xuất rau an toàn thị trấn Chúc Sơn, nhiều người khá bất ngờ với sự xuất hiện của Trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành. Hệ thống này cho phép cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khảm cho biết, HTX có diện tích rau 5ha được sản xuất theo quy trình an toàn và hữu cơ với sản lượng 6 tấn rau/ngày. Hiện, HTX đã bước đầu hình thành liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Tăng chuyển đổi, cơ giới hóa
Tính đến nay, toàn huyện Chương Mỹ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được hơn 1.300ha, chủ yếu là phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, sản xuất lúa hàng hóa, trồng cây ăn quả, rau an toàn… Nhờ tích cực chuyển đổi sản xuất, nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến cả về năng suất, chất lượng. Đáng chú ý, ngoài chính sách ưu đãi chung của Nhà nước và TP, huyện còn có cơ chế đặc thù khuyến khích chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp thông qua các mô hình khuyến nông, khuyến công. Trong đó chú trọng đào tạo nông dân kỹ năng vận hành máy móc nông nghiệp, hỗ trợ công tác phối hợp với các nhà khoa học để triển khai sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP…
Mặc dù vậy, theo ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, huyện có diện tích lớn, dân số đông, tỷ lệ người dân làm nông nghiệp nhiều nhưng đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Bên cạnh đó, sau chuyển đổi mô hình hoạt động HTX theo Luật HTX 2012, một số lãnh đạo HTX nông nghiệp vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên, chưa chủ động đưa các ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mối liên kết 4 nhà giữa nông dân – nhà khoa học – Nhà nước và DN cũng thiếu bền chặt nên hiệu quả sản xuất chưa cao.
Ông Hùng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh CGH nông nghiệp ở tất cả các khâu sản xuất. Đối với chăn nuôi, phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi giá trị. Đồng thời, đa dạng hóa các loại con giống có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất.
Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các HTX nông nghiệp xây dựng, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng các chuỗi liên kết gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Ông Đinh Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ |