6 phiên đấu giá mới thành công
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Đấu giá tài sản Nguyễn Huy Hoàng, có 5 bộ hồ sơ tham gia đấu giá nhưng chỉ có 2 người đặt cọc tiền (14 tỷ đồng/người). Do đó, buổi đấu giá ngày 27/4 chỉ có 2 khách hàng được quyền tham gia phiên đấu giá.
Hình thức đấu giá là bỏ phiếu gián tiếp, tức là khi người tham gia mua hồ sơ đấu giá sẽ được Trung tâm Đấu giá tài sản phát cho một phiếu trả giá. Giá khởi điểm cho toàn bộ số lô gỗ sưa được chặt hạ từ 2 cây sưa đỏ là 72 tỷ đồng.
Người mua trả giá tiến lên, với bước giá là 500.000.000 đồng/lần. Trong phiên đấu giá ngày 27/4, cả 2 khách hàng tham gia phiên đấu giá đều trả giá để mua lô gỗ sưa là 73 tỷ đồng, cao hơn 1 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Qua đó, Trung tâm Đấu giá tài sản tiến hành bước tiếp theo là bốc thăm để tìm ra vị khách hàng may mắn trúng đấu giá. Kết quả, bà Trương Thị Quỳnh Nga đến từ huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) là người đã thắng cuộc trong phiên đấu giá.
Theo quy định, sau 5 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá, bà Nga và cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính sẽ làm hợp đồng mua bán. Và sau 7 ngày kể từ khi thực hiện ký hợp đồng, bên mua sẽ phải thanh toán tiền theo thỏa thuận cho bên bán.
Tiếp tục, 7 ngày sau thanh toán, bên bán phải bàn giao toàn bộ số gỗ sưa cho bên mua. Như vậy, sau hơn 4 năm chặt hạ và qua 6 lần đấu giá, toàn bộ lô gỗ sưa chặt hạ từ 2 cây sưa đỏ ở trong chùa Phụ Chính, xã Hòa Chính đã bán thành công.
73 tỷ đồng xây công trình phúc lợi
Trưởng thôn Phụ Chính Đinh Văn Lai cho biết: Kể từ khi chặt hạ 2 cây gỗ sưa đỏ rồi cưa ra thành từng khúc để phân loại, cán bộ cũng như người dân địa phương đã nhiều lần chứng kiến việc chính người dân cẩu số gỗ sưa ra cho thương lái vào xem hàng.
Trong đó, có cả khách trong nước và nước ngoài đến xem hỏi mua lô gỗ sưa đỏ. Mỗi lần đưa số gỗ ra khỏi thùng cho khách xem tốn rất nhiều chi phí, nhưng xem xong vẫn chẳng thấy ai đặt tiền mua. Và phải đến phiên thứ 6 đấu giá ngày 27/4/2023 mới có kết quả.
Theo nhiều người chuyên buôn gỗ của địa phương đánh giá, việc lô gỗ sưa đỏ hơn 4 năm qua chưa bán được là do phụ thuộc vào thị trường và thương lái ở bên Trung Quốc. Ở Việt Nam, rất ít người có nhu cầu mua gỗ sưa.
Bên cạnh đó, hơn 2 năm qua là thời điểm xảy ra dịch bệnh kéo dài với diễn biến phức tạp, thị trường Trung Quốc không còn thu mua gỗ sưa ồ ạt như trước nữa dẫn đến việc gỗ sưa khó bán.
Việc tổ chức đấu giá 2 cây sửa đỏ được chặt hạ thời gian qua kèm theo 5 phiên đấu giá bất thành. Phải đến phiên đấu giá ngày 27/4 mới thành công với giá 73 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính sử dụng đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương để phục vụ người dân nơi đây.
Trước đó, trong khuôn viên chùa Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ có 2 cây sưa đỏ quý hiếm. Một cây khoảng 130 năm tuổi, có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.
Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho 1 cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng và các công trình phúc lợi khác.
Đến tháng 10/2018, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.
Qua đó, ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính tiến hành chặt hạ 2 cây sưa đỏ theo như hướng dẫn và chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550kg đến hơn 2.000kg.