Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình giáo dục phổ thông sẽ có một số môn học mới

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo, báo cáo thẩm tra về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cũng trong chiều 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã báo cáo thẩm tra sơ bộ đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đề xuất thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và không tổ chức biên soạn một bộ sách sử dụng NSNN
Thừa ủy của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 (Nghị quyết 51), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các đề án có liên quan bảo đảm chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất thực hiện đổi mới.
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, giao những nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương để triển khai. Hằng năm, căn cứ vào lộ trình, kế hoạch xây dựng chương trình, SGK mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 15 Thông tư quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc ban hành chương trình, tổ chức thẩm định SGK, lựa chọn SGK, tiêu chuẩn, chức danh nhà giáo, bồi dưỡng giáo viên và quy định về cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ đổi mới chương trình, SGK. Các chương trình, đề án đang được tổ chức triển khai theo lộ trình.
Việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao trong Nghị quyết số 88/2014/QH13, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết về việc biên soạn một bộ SGK sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch biên soạn một bộ SGK (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện) gồm 137 đầu SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới (26/12/2018), Bộ đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả. Ngày 26/02/2020, Bộ đã tiếp tục tổ chức đấu thầu (lần 2) để tuyển chọn tác giả SGK với số ứng viên nộp hồ sơ đăng ký tham gia đã đáp ứng yêu cầu về số lượng chủ biên, tác giả, biên tập viên cần tuyển chọn để tổ chức biên soạn SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Tuy nhiên, khi Bộ tổ chức thương thảo để ký hợp đồng, các tác giả đã đưa ra nhiều yêu cầu về nhuận bút lâu dài sau khi biên soạn mà theo quy định thì Bộ không đáp ứng được. Vì vậy, các ứng viên không thể ký hợp đồng với Bộ Giáo dục và Đào tạo để biên soạn từ đầu một bộ đầy đủ SGK từ lớp 1 đến lớp 12.
Hiện nay, các Nhà xuất bản đang tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6 để thẩm định trong năm 2020; tiếp tục biên soạn SGK các lớp còn lại để thẩm định trong các năm tiếp theo đáp ứng lộ trình thực hiện chương trình, SGK mới.
 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không trực tiếp tổ chức biên soạn một bộ SGK cũng sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển xã hội hóa biên soạn SGK, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các Nhà xuất bản.
Căn cứ vào tình hình đã nêu, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và trường hợp đã có ít nhất 01 bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn một bộ sách (sử dụng ngân sách nhà nước) nữa.
Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông gặp nhiều khó khăn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là một vấn đề lớn. Đây là lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nội dung giáo dục của địa phương được đưa vào chương trình với thời lượng 35 tiết/năm ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông với quy định UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định là một khó khăn, thách thức đối với các địa phương. Việc biên soạn SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên thực hiện một chương trình, nhiều SGK nên việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương rất đa dạng, khó khăn trong việc in ấn, phát hành.
Việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất cũng còn nhiều khó khăn. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu, nhất là đối với cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông có một số môn học mới.
Số lượng các trường phổ thông rất lớn, trải rộng khắp cả nước, ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế nên điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là khó khăn rất lớn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của các địa phương.
Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành, địa phương có các giải pháp cụ thể từng bước khắc phục những khó khăn nói trên để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai chủ trương xã hội hóa

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”, đồng thời giao cho “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Quy định này nhằm bảo đảm ổn định việc biên soạn, cung cấp SGK giáo dục phổ thông khi phương thức xã hội hóa biên soạn SGK chưa có tiền lệ ở nước ta; đồng thời bảo đảm chất lượng sách giáo khoa cũng như tránh độc quyền trong xuất bản SGK.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe các báo cáo về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và cho rằng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung nhiều cho việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 88 và đạt được những kết quả rất tích cực, nhất là việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và việc xã hội hóa biên soạn SGK. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao quát và dự đoán hết tình hình thực tế và cũng chưa báo cáo kịp thời với Quốc hội để bảo đảm việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 88 một cách tốt nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá tình hình thực tế của quá trình triển khai biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, các chuyên gia có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của các nhà xuất bản, nên sau 2 lần tổ chức đấu thầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không đạt kết quả theo mục đích đặt ra. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thể xây dựng bộ SGK theo yều cầu của Nghị quyết 88.

Trong khi đó, với chủ trương xã hội hóa, đến nay đã có 5 bộ sách lớp 1 của 3 nhà xuất bản uy tín trong ngành giáo dục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ban hành sử dụng phục vụ cho năm học 2020-2021 sau khi đã được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng trong quá trình triển khai chủ trương xã hội hóa thì đây là một thực tế cần quan tâm và rút kinh nghiệm; tuy nhiên, mặt tích cực của quá trình này là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt được SGK lớp 1 phục vụ năm học theo lộ trình và đảm bảo chất lượng quốc gia theo luật định.

Thống nhất với đề xuất thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng NSNN

Về đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách Nhà nước, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng cần cân nhắc việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ trì biên soạn SGK lớp 1.

Làm rõ đề nghị của Thường trực Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, với SGK lớp 1 phục vụ cho năm học 2020-2021, đã có 5 bộ SGK lớp 1 của 3 nhà xuất bản (thực hiện theo chủ trương xã hội hóa) được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ban hành.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Hơn nữa, thời gian từ nay đến khai giảng năm học 2020-2021 còn rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định một bộ SGK lớp 1 mới. Việc tập hợp các chuyên gia sẽ khó khăn khi các nhà khoa học có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của 3 nhà xuất bản. Việc xã hội hóa biên soạn SGK đã huy động được nguồn lực, các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục. Đồng thời cũng cần tạo điều kiện cho Bộ GDĐT tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng SGK theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Với những phân tích như trên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng NSNN.

Tuy nhiên, để chủ động, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, TTUB đề nghị Chính phủ lưu ý các vấn đề sau:

Đối với SGK lớp 1 năm 2020-2021 cần quan tâm bảo đảm giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và Luật Giáo dục 2019 (Giáo dục tiểu học là bắt buộc).

Chỉ đạo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai biên soạn SGK lớp 1 theo chủ trương xã hội hóa, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội theo quy định Nghị quyết 88.

Rà soát, ban hành các văn bản đảm bảo chất lượng SGK, trong đó cần tập trung: Quy trình biên soạn đảm bảo chất lượng SGK; việc giảng dạy thực nghiệm SGK theo quy định Luật Giáo dục 2019; quy trình thẩm định SGK của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK,…

Ban hành chính sách tài chính: Giá SGK phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội; chính sách hỗ trợ SGK đối với học sinh khó khăn, vùng cao, dân tộc thiểu số, …

Điều chỉnh các nguồn vốn và Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới dự kiến để biên soạn SGK.

Sau khi nghe các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông./.