Chương trình kích cầu đặc biệt thành công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ phận Nghiên cứu Chiến lược, Hàng hóa và Kinh tế Toàn cầu của Tập đoàn Goldman Sachs ngày 3/12 công bố báo cáo đánh giá về tình hình phục hồi tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2009 và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010 và 2011.

KTĐT - Bộ phận Nghiên cứu Chiến lược, Hàng hóa và Kinh tế Toàn cầu của Tập đoàn Goldman Sachs ngày 3/12 công bố báo cáo đánh giá về tình hình phục hồi tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2009 và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010 và 2011.

Về cơ bản, Goldman Sachs cho rằng kinh tế Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn nhờ tăng trưởng nhu cầu nội địa nhưng hiện vẫn đang phải đối mặt với các nguy cơ đang nổi lên về những áp lực lạm phát và tăng trưởng quá nóng tiềm tàng. Goldman Sachs dự báo rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2009 sẽ đạt 5,1% và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2010 và 2011 lần lượt là 8,2% và 7,8%.

Theo nhận định của Goldman Sachs, sau khi chững lại một thời gian ngắn, kinh tế Việt Nam đã có một sự hồi phục mạnh mẽ nhờ nhu cầu nội địa tăng kể từ quý II/2009. Với sự trợ giúp của chương trình kích thích tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ, kinh tế Việt Nam đã tránh được những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Goldman Sachs cho rằng, sự hồi phục tăng trưởng và quan điểm chính sách về tổng thể thời gian vừa qua của Việt Nam là cảm hứng cho Việt Nam để có thể trở lại thời kỳ tăng trưởng cao nếu như Chính phủ Việt Nam kiểm soát được nguy cơ bất ổn vĩ mô từ lạm phát và sự đi xuống của vị thế cán cân thanh toán.
 
Với sự hồi phục tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự đoán trong quý III/2009 và những lựa chọn chính sách có thể nhằm hạn chế các nguy cơ đi xuống từ sự bất ổn định vĩ mô, Goldman Sachs tăng mức dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam trong năm 2009 lên 5,1% và năm 2010 là 8,2%. Đối với năm 2010, Goldman Sachs hy vọng tăng trưởng sẽ vượt qua xu hướng tăng trưởng dài hạn là 8% vì: (1) Tăng trưởng đầu tư thực của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao, đồng thời hồi phục tăng trưởng đã nâng triển vọng trở lại của đầu tư nước ngoài; (2) Các nhà hoạch định chính sách vẫn có thiên hướng ủng hộ tăng trưởng mạnh và sẽ cố gắng tránh việc thắt chặt chính sách.
 
Theo quan điểm của Goldman Sachs, nhu cầu nội địa sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2010 và 2011. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể sẽ phải thắt chặt chính sách ở mức vừa đủ để giảm các nguy cơ quá nóng phát sinh từ sự gia tăng nhu cầu nội địa. Goldman Sachs dự báo rằng, lạm phát (CPI) của Việt Nam năm 2009 sẽ là 7,8% và tăng lên 10,8% vào năm 2010. Đối với năm 2011, Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 7,8% nhờ có sự hồi phục của nhu cầu bên ngoài khi tăng trưởng cầu của Mỹ được khôi phục. Trong khi đó, lạm phát CPI có thể sẽ ổn định ở mức 8,3%, chủ yếu là nhờ việc thắt chặt chính sách vĩ mô trong năm 2010.
 
Báo cáo của Goldman Sachs viết: Chính sách kích thích của Việt Nam đã thành công và một phần của việc mở rộng tài khóa cũng sẽ tiếp tục trong năm 2010. Tuy nhiên, tỷ phần thâm hụt ngân sách trong GDP có thể sẽ không thay đổi. Với mức thâm hụt tài khóa ước tính ít nhất là 9% trong năm nay, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng kích thích nhu cầu đầu tư nội địa thông qua một loạt các dự án đầu tư nhà nước và hỗ trợ lãi suất. Gần đây, Việt Nam công bố các biện pháp kích thích thêm cho năm 2010 
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện việc nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay, nhưng có thể sẽ buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2010. Sự hồi phục cũng được hỗ trợ bởi việc nới lỏng đáng kể các điều kiện tài chính, bao gồm mở rộng tín dụng, cắt giảm mạnh lãi suất và giảm giá trị đồng VND. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng, việc nới lỏng tiền tệ sẽ kết thúc khi NHNN thực hiện các biện pháp thắt chặt hơn như tăng lãi suất để giữ lạm phát ở mức kiểm soát được trong năm 2010. Trong năm 2011, NHNN có thể sẽ phải duy trì xu hướng thắt chặt trong cả chính sách tiền tệ, thậm chí cả khi tăng trưởng nhu cầu nội địa dịu đi và lạm phát trong vòng kiểm soát, đặc biệt là nếu như sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp ngân hàng tiếp tục.
 
Goldman Sachs hy vọng Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách VND so với đồng USD. Sau việc giảm giá trị đồng VNĐ gần đây nhất vào ngày 25/11, NHNN có thể sẽ cố gắng khôi phục niềm tin vào đồng tiền nội địa. Động thái giảm biên độ giao dịch xuống 3% từ 5% và việc bắt buộc chuyển đổi tất cả các hóa đơn xuất khẩu từ các Ngân hàng Nhà nước đều nhằm giúp ổn định giá trị của đồng VNĐ. 
 
Tờ Financial Times của Anh ngày 3/12 cho rằng, Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại châu Á bắt đầu ngưng lại chương trình kích cầu sau khủng hoảng sau khi có tin Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ kết thúc chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn vào cuối năm nay, đúng như kế hoạch.  
 
Bài báo dẫn nhận định của Ngân hàng Thế giới nói “chương trình kích cầu của Chính phủ Việt Nam đã dùng hết gần 4 tỷ USD, tương đương 4,3% GDP, đã đóng góp to lớn vào tăng trưởng của Việt Nam. Chương trình hỗ trợ lãi suất 4% đã đặc biệt thành công.
 
Theo nhận xét của Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Martin Rama, “Việt Nam giảm bớt hoạt động kích cầu là đúng lúc. Kế hoạch hỗ trợ tỷ giá là công cụ hữu hiệu cho những ngày đầu của cuộc khủng hoảng. Việt Nam nhìn chung đã đi qua khỏi cuộc khủng hoảng tốt hơn là nhiều nhà phân tích nghĩ và nếu tính bằng một số cách tính nhất định thì Việt Nam đang cho thấy họ là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay.

 

 

 

 


                                                
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             

 

                                            
 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần