Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế- xã hội: Không thay đổi mục tiêu

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế... các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên nguy cơ, lạm phát tăng cao, tăng trưởng thấp.

Sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất)  
Sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất)  

Trước thực tế trên, ưu tiên số một được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của các bộ, ngành và đánh giá của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, trong bối cảnh rất khó khăn, bất ổn của tình hình quốc tế, nhất là xung đột tại Ukraine và dịch Covid-19 diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ; lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá; cạnh tranh chiến lược gay gắt và thay đổi định hướng chính sách ở một số nước đã tác động tiêu cực đến Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào… Với độ mở của nền kinh tế lớn, một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.

Nhìn vào số liệu kinh tế - xã hội 7 tháng, Việt Nam tiếp tục phục hồi trên nhiều lĩnh vực. Giữa vòng xoáy lạm phát toàn cầu, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2022 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54%, nhưng áp lực lạm phát còn lớn. Áp lực này tạo ra nhiều khó khăn cho điều hành vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, DN, kết quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 đã giảm, ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước. Số DN mới thành lập trong tháng 7 giảm so với tháng liền kề trước đó và đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng DN mới đăng ký kinh doanh bị sụt giảm.

Đáng chú ý, lượng DN khó khăn phải rời thị trường trong 7 tháng năm 2022 lên đến 94.600 DN, cao hơn gần 15.000 DN của cùng kỳ năm ngoái, thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Cùng với đó là những tác động giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN...

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh đối sách tốt, tránh được cú sốc trong thời điểm hiện tại, chúng ta không có sự lựa chọn khác mà vẫn phải thực hiện mục tiêu kép hỗ trợ cho DN phục hồi và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giữ an ninh an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Trong đó, chú trọng phòng, chống dịch Covid-19, nhất là đẩy mạnh tiêm vaccine. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất… thực hiện mục tiêu kép là vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Cùng với đó là thực hiện linh hoạt các biện pháp tiền tệ để hỗ trợ DN chứ không thể siết như một số nước đang làm. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, phát triển bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ, biện pháp hỗ trợ phải thực hiện rất hiệu quả, đi vào nền kinh tế nhanh hơn… Cùng với đó, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; tiếp tục rà soát, giảm thuế, phí, lệ phí, các chi phí đầu vào cho DN. Tăng cường các biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Mục tiêu không thay đổi song tại từng thời điểm, từng lĩnh vực có sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, cách triển khai được coi là những giải pháp tối ưu trước những biến động khó lường khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới.