Chương trình số 08-CTr/TU góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chương trình số 08-CTr/TU đã đi vào cuộc sống, mang ý nghĩa nhân văn và được Nhân dân đón nhận hết sức phấn khởi. Kết quả đã có 26/27 chỉ tiêu của Chương trình 08 hoàn thành và vượt kế hoạch, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TP.

Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.
Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.

26/27 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch

Chiều ngày 7/1/2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025”. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, việc làm, thu nhập, đời sống, sức khỏe của Nhân dân, nhưng đã có 26/27 chỉ tiêu Chương trình 08 đạt và vượt kế hoạch so với yêu cầu tại Kế hoạch số 207/KH-UBND của UBND TP.

Trong đó có 6/27 chỉ tiêu của Chương trình 08 hoàn thành vượt kế hoạch năm 2021. Cụ thể, chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp cuối năm 2021 dưới 4%”; kết quả đạt 2,6%. Chỉ tiêu “Giải quyết việc làm 160.000 lượt người/năm”; đã giải quyết việc làm cho 179.648 lượt người, đạt 112,2%. Toàn TP Hà Nội giảm được 3.507 hộ nghèo, đạt 262% kế hoạch, đưa tỉ lệ hộ nghèo của TP đến cuối năm 2021 còn 0,04%.

Chỉ tiêu “Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe cuối năm 2021 đạt trên 85%” , đến nay TP đã lập được 7.970.364 hồ sơ quản lý sức khỏe, chiếm 95,09% dân số. Chỉ tiêu “Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại tật bẩm sinh phổ biến nhất cuối năm 2021 đạt 81%’’, kết quả đạt 84,6%; chỉ tiêu “Tỷ lệ hỏa táng cuối năm 2021 đạt 64,5% - 66%”, kết quả đạt 68%.

Nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ người dân

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Lan Hương đã thông tin về kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình 08. Trong đó, để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, TP Hà Nội đã ban hành một số chính sách đặc thù. TP hỗ trợ hằng tháng cho trẻ em dưới 15 tuổi; người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/người (nông thôn) và 2,5 triệu đồng/người/tháng (thành thị). Hỗ trợ hằng tháng mức 440.000 đồng/người/tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân. Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo, thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Hỗ trợ 100% số tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí học tập (150.000 đồng/tháng) cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông là thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP  Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, trong quá trình thực hiện thì tránh bệnh thành tích, mà phải có đánh giá thật sâu.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP  Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, trong quá trình thực hiện thì tránh bệnh thành tích, mà phải có đánh giá thật sâu.

TP Hà Nội nâng mức chuẩn trợ giúp thành 440.000 đồng. Ngoài các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của Chính phủ, TP bổ sung 3 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và 7 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đặc thù được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội của TP.

TP đã khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Quyết định 15/NQ-HĐND về hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã khẩn trương rà soát, phê duyệt, hỗ trợ cho 3.974.242 người với tổng kinh phí 6.113,7 tỷ đồng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã trích kinh phí 82,98 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 để hỗ trợ cho 162.529 người khó khăn trên địa bàn TP....

Quan tâm, chăm lo để ai cũng có Tết

Tại Hội nghị, các đại biểu khẳng định, Chương trình 08 đạt được kết quả thực chất và khẳng định Chương trình đã đi vào cuộc sống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được người dân phấn khởi đón nhận. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 08 quan tâm đến những tồn tại, hạn chế của Chương trình để có những giải pháp khắc phục. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến công tác truyền thông, không chỉ thông tin về kết quả đạt được mà lan tỏa hình ảnh, các làm, giải pháp để các địa phương thực hiện chất hơn... Các sở ngành cần vào cuộc một cách khẩn trương và thực chất hơn ngay từ đầu năm.  

Chương trình 08 có đặc thù so với các chương trình khác, vì thế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP  Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã được phân công thực hiện bằng các đề án, chuyên đề cụ thể. Trong quá trình thực hiện thì tránh bệnh thành tích, mà phải có đánh giá thật sâu, nếu nhóm nào khó khăn thì phải hỗ trợ ngay.

Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 08 Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ TP đến cấp cơ sở đã triển khai thực hiện Chương trình 08 và TP luôn có những chính sách, cơ chế đặc thù, có những cách làm sáng tạo.

Và đặc biệt, trong điều kiện năm 2021 dịch bệnh, thực hiện “mục tiêu kép” nhưng chúng ta thực hiện Chương trình 08 được 26/27 chỉ tiêu an sinh xã hội đạt và vượt kế hoạch thì chương trình càng có ý nghĩa hơn.

Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 08 Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị trong năm 2022 chúng ta phải tăng tốc thực hiện Chương trình. Đối với những chỉ tiêu khó thực hiện, chúng ta tập trung xác định để lãnh đạo thực hiện, có cách làm phù hợp. Bí thư các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, sáng tạo trong cách làm để việc triển khai Chương trình có hiệu quả....

Sắp đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện chính sách đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn,...để mọi người có cái Tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm và người người, nhà nhà ai cũng có Tết  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần