Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình tuần lễ áo dài Việt Nam: Khơi dậy niềm tự hào, nét đẹp văn hóa truyền thống

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống của áo dài, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã phối hợp với Bộ VHTT&DL phát động chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” với nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam.

Phụ nữ Thủ đô rạng ngời hưởng ứng tuần lễ áo dài. Ảnh: Ngọc Tú
Tự hào trang phục dân tộc
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành và các cấp hội vẫn có những hình thức tôn vinh áo dài sinh động và phong phú. Hội LHPN tỉnh Bắc Cạn đã tổ chức cuộc thi bình chọn áo dài đẹp. Hội LHPN tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc thi ảnh “Nét đẹp áo dài Việt Nam”. Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk khuyến khích sử dụng các thiết kế thổ cẩm của người dân tộc Ê-đê vào áo dài. Còn tại Hà Nội, từ khi chương trình được phát động, Hội LHPN TP Hà Nội đã sớm triển khai nhiều hoạt động thiết thực bao gồm khuyến khích nữ cán bộ công chức, viên chức, người lao động mặc áo dài đến cơ quan, thúc đẩy hoạt động tôn vinh áo dài như tìm hiểu, triển lãm áo dài tại các đơn vị trong TP.
Chương trình tuần lễ áo dài do T.Ư Hội LHPN Việt Nam phát động góp phần khẳng định giá trị của áo dài trong đời sống xã hội và góp phần khơi dậy niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, ý thức bảo vệ giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tham gia vào việc vận động áo dài trở thành di sản văn hóa của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương
Đơn cử, Hội LHPN huyện Đông Anh (Hà Nội) đã phát động 2 cuộc thi “Chi hội phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn, thân thiện với cộng đồng” và “Duyên dáng áo dài Việt Nam” năm 2020. Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: “Mặc áo dài để khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam và cũng là góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam. Hưởng ứng “Tuần Áo dài Việt Nam”, Hội LHPN huyện trao tặng 110 bộ áo dài cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trị giá 60 triệu đồng; tặng 55 bộ áo dài cho các UVBCH Hội LHPN khóa XXIII, đội ngũ chủ tịch, phó chủ tịch hội phụ nữ cơ sở.
Bên cạnh đó, các hoạt động trình diễn áo dài, diễu hành và đồng diễn áo dài dự kiến sẽ được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 10 và cao điểm là tại 6 tỉnh, TP: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Trong tháng 4, sẽ diễn ra Hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức.
Áo dài điều chỉnh văn hóa giao tiếp
Không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài còn thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ. Đối với phụ nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch. Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo chia sẻ: “Chị em khi mặc áo dài đều rất tự tin, phần nào cũng điều chỉnh văn hóa giao tiếp, nhẹ nhàng, thanh lịch hơn. Đồng thời, phụ nữ mặc áo dài trong những ngày qua cũng để bày tỏ mong muốn áo dài Việt Nam trở thành quốc phục của chị em phụ nữ”.
Đặc biệt gần đây, hưởng ứng chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, phong trào check in tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh… nở rộ. Tại Hồ Gươm, nhiều bạn thanh niên 18 - 20 tuổi diện áo dài trắng, chụp cảnh tháp rùa, cầu Thê Húc, tháp Hòa Phong cùng cây, cảnh trong mùa thay lá. Đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Diệu hay cả ở không gian trước cổng Đại học Dược (19 Lê Thánh Tông), đâu đâu cũng nhộn nhịp hình ảnh chị em dắt tay nhau mặc áo dài dạo phố, chụp hình.
Chị Nguyễn Thương - Công ty Nguyễn Gia cho biết: "Áo dài vẫn được chị em phụ nữ Việt Nam diện vào các sự kiện quan trọng như: "Đám hỏi, đám cưới, khai trương, ngày Tết... Tuy nhiên, phát động để trong năm có 1 tuần mặc áo dài đi làm tôi thấy hoàn toàn hợp lý. Phong trào này tạo không khí mới, cũng góp phần tôn vinh tà áo dài - vốn là một trang phục truyền thống rất đẹp của nước ta". Áo dài xuất hiện cùng chị em như một hình ảnh với tất cả niềm tự hào, hãnh diện về trang phục truyền thống của dân tộc.