Chuyển biến chưa rõ nét

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù ngành nông nghiệp đã chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều hoạt động, kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, tuy nhiên trên thực tế công tác này vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), kết quả tổng hợp công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP trong tháng 4/2014 cho thấy, tình trạng vi phạm chất lượng ở nhiều nhóm mặt hàng nông sản vẫn còn ở mức đáng lo ngại. Cụ thể, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu xếp loại A, B đạt 73,4%, còn 26,6% số cơ sở xếp loại C (chưa đạt) khi được tái kiểm tra nhưng vẫn tiếp tục xếp loại C còn cao (91,6%). Tương tự, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh động vật và sản phẩm động vật được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu xếp loại A, B là 75,1%, nhưng tỷ lệ cơ sở xếp loại C được tái kiểm tiếp tục xếp loại C cũng còn cao, ở mức 85,7%. Điều này cho thấy, hoạt động khắc phục thiếu sót về điều kiện ATTP của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn còn chậm nên chuyển biến chưa rõ nét.
Riêng với mặt hàng thủy sản, mặc dù là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, song thời gian qua liên tiếp có những cảnh báo của cơ quan chức năng của Nhật Bản, EU về tình trạng tôm nuôi xuất khẩu của Việt Nam nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép. Một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng thực phẩm chưa đảm bảo ATTP là do các yếu tố đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong tháng 4, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Thanh tra Sở NN&PTNT Cần Thơ phối hợp Công an Cần Thơ thanh tra đột xuất Công ty TNHH Thuốc thú y thủy sản Hoàng Lâm. Kết quả đã phát hiện cơ sở này sản xuất chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản giả, làm thủ công bằng... máy trộn bê tông. Ngoài ra, Thanh tra Sở NN&PTNT các tỉnh, TP còn kiểm tra, phát hiện và xử lý 26 sản phẩm là phân bón lá và bón rễ nhưng chứa hoạt chất của thuốc bảo vệ thực vật...

 Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, hầu hết các tỉnh được kiểm tra chưa thực hiện việc công khai danh sách các cơ sở được xếp loại A, B, C theo quy định. Lý do phần lớn địa phương chưa hiểu rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc làm này. Hơn nữa, các tỉnh đã kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở được đánh giá phân loại và tái kiểm tra cơ sở xếp loại C, tuy nhiên tỷ lệ tái kiểm tra cơ sở xếp loại C vẫn còn thấp nên vẫn còn tình trạng tái diễn vi phạm, chưa được xử lý dứt điểm. Ông Tiệp cho biết, để tạo chuyển biến trong công tác đảm bảo ATTP, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và những tháng tiếp theo là triển khai chương trình thí điểm việc công khai kết quả xếp loại A, B, C cơ sở sản xuất, kinh doanh và thí điểm cấp giấy chứng nhận sản phẩm được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường lấy mẫu giám sát ATTP, đánh giá, xác định sản phẩm, công đoạn địa bàn nguy cơ cao và tổ chức thanh tra, điều tra nguyên nhân, xử lý triệt để vi phạm...