Chuyển biến nhỏ trong câu chuyện lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc và Nhật Bản vừa có tiếp xúc và đối thoại đầu tiên kể từ khi chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước này trở nên căng thẳng và gay cấn như chưa từng thấy kể từ nhiều năm trở lại đây.

Cấp trao đổi không phải cao và nội dung trao đổi gần như thuần tuý chỉ về vấn đề tranh chấp đảo trên biển Hoa Đông. Kết quả trao đổi được công bố chỉ là thoả thuận nối lại thông tin liên lạc liên quan đến an ninh hàng hải ở vùng biển này.

Dù vậy, việc này vẫn là chuyển biến mới đáng chú ý. Nó chỉ rất nhỏ và chưa cơ bản so với tầm cỡ bao trùm và mức độ nan giải của chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nó lại diễn ra trong bối cảnh còn có thêm một số động thái khác nữa cũng rất đáng được chú ý, cụ thể là một đoàn kinh tế rất lớn của Nhật Bản vừa đi thăm Trung Quốc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa một lần nữa khẳng định ý muốn cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Vì thế, có thể thấy là chuyển biến nhỏ nói trên trong vấn đề vướng mắc lớn giữa Trung Quốc và Nhật Bản thể hiện nhận thức của cả hai phía là không nên kéo dài lâu hơn nữa tình trạng đối đầu căng thẳng và nghi kỵ lẫn nhau, bắt đầu phải kiềm chế chứ không tiếp tục leo thang thù địch. Rõ ràng là hai phía đã bắt đầu thăm dò khả năng cải thiện quan hệ trong khi các mối bất hòa song phương chưa được khắc phục. Việc khắc phục này không dễ dàng vì những bất hoà ấy đều là chuyện thể diện quốc gia, rất nhạy cảm về chính trị nội bộ và đồng thời còn có thể tạo tiền lệ về chính trị đối ngoại và an ninh đối với cả hai bên. Sắp tới sẽ có cuộc thượng đỉnh APEC tại Trung Quốc nên dù muốn hay không thì lãnh đạo hai nước cũng phải công khai bắt tay nhau. Một chuyển biến nhỏ có thể chưa tạo ra tác động cơ bản nhưng lại có thể mở đường cho những chuyển biến tiếp theo và rồi sẽ tạo nên chuyển biến lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần