Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì Hội nghị. Tới dự Hội nghị có Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Doãn Toản; Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà...
Lan toả nếp sống văn minh
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, nhìn chung trên địa bàn TP đã có sự chuyển biến rõ nét. Đã có nhiều mô hình cưới mới như tổ chức tiệc trà, lễ trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường, xã; không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, đám cưới chỉ diễn ra một ngày, không mời tràn lan… đang được nhiều gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và dần duy trì thành nếp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn cho biết: Việc cưới trên địa bàn huyện Đan Phượng được tổ chức gọn nhẹ; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần “vui tươi – lành mạnh – tiết kiệm”, không kéo dài; Số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người; Không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; Không mời khách trong giờ làm việc; các thủ tục rườm rà trong việc cưới như chạm ngõ, ăn hỏi thường được tổ chức trong 1 ngày…
Tại quận Hà Đông, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, năm 2008, Hà Đông chuyển thành quận nội thành và hiện là một trong những quận có diện tích lớn nhất Thủ đô. Xu hướng tổ chức cưới xa hoa, lãng phí vẫn diễn ra khá phổ biến, hiện tượng tảo hôn, ăn cỗ dài ngày, thuê nhạc sống, tổ chức hát múa quá giờ quy định... Có đám cưới tổ chức ăn uống linh đình từ 2-3 ngày với 150-200 mâm cỗ và tổ chức ở nhiều địa điểm, tổ chức trong giờ hành chính, mời khách tràn lan với số lượng lớn, bắc rạp ngoài đường quá lớn gây cản trở giao thông.
Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU Hiệu quả thể hiện rõ nét qua các con số, trước đây, việc cưới thực hiện đúng theo nội dung của Chương trình chỉ đạt 60,8%, đến nay, thực hiện tốt đạt 98,4%.
Theo số liệu thống kê 10 năm (2012 - 2022) trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số đám cưới được tổ chức là: 481.920; trong đó số đám cưới thực hiện theo quy định: 437.153, đạt 90,71%. Số đám cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm: 64.435, là 13,37%.
Tại quận Long Biên, qua theo dõi tổng hợp từ BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của 14 phường, từ năm 2012 đến hết năm 2021 đã có 16.364 đôi kết hôn, trong đó có 16.182 đôi nam nữ thực hiện cưới theo nếp sống văn hóa “vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”. Trưởng phòng Văn hoá quận Long Biên Lê Thị Hương chia sẻ: Nhiều gia đình đã chọn hình thức tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa, tổ chức lễ hằng thuận tại các di tích lịch sử văn hóa, tổ chức đám cưới tập thể, không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, nhiều ngày; không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh và trật tự an ninh, an toàn xã hội...
Bên cạnh quận, huyện, các tổ chức, đoàn thể như Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP, Hội LHPN TP tiếp tục nhân rộng mô hình điểm thực hiện đám cưới theo nếp sống văn minh, tiết kiệm. Trong đó tập trung vào đối tượng thanh niên các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho hay: Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả thời gian qua, các cấp bộ Đoàn TP đã phối hợp với các đơn vị tổ chức cưới tập thể, tiết kiệm, văn minh cho hàng ngàn cặp đôi trên địa bàn, nhiều lễ cưới được tổ chức có quy mô, nhưng vẫn đảm bảo tính văn minh như: Lễ cưới cho 25 cặp đôi ở Đan Phượng, lễ cưới cho 20 cặp đôi ở Tây Hồ; tổ chức đám cưới cho 20 cặp đôi trẻ theo nếp sống mới và “Đám cưới vàng” cho 20 cặp cụ ông - cụ bà chung sống vợ chồng hạnh phúc từ 50 năm trở lên để tôn vinh hạnh phúc gia đình tại công viên Bách Thảo, Ba Đình, Hà Nội vào năm 2017…
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu”, Hội Nông dân xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây đã kiên trì, nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội của xã trong công tác tuyên tuyền, vận động hội viên và Nhân dân thực hiện cưới theo nếp sống mới. Chủ tịch Hội nông dân xã Kim Sơn, Sơn Tây Quách Thị Thanh Loan chia sẻ: 100% hội viên tổ chức đám cưới đều làm thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, tình trạng ép duyên “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” đã không còn nữa. Các thủ tục truyền thống trong tổ chức việc cưới như: chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới, đón dâu… được tổ chức đầy đủ nhưng theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương nặng về hình thức.
Kiên trì, đổi mới trong thực hiện
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TU vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa tầm quan trọng và phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; ở một bộ phận, cán bộ, đảng viên, Nhân dân chưa thực hiện các nội dung của Chỉ thị…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các địa phương, đơn vị, tổ chức của TP. Trên cơ sở Chỉ thị 11 – CT/TU, các địa phương, đặc biệt là đoàn thể chính trị, xã hội đã tham gia tích cực, có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của cán bộ lãnh đạo quản lý, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, góp phần đưa chỉ thị đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần Chỉ thị số 11 – CT/TU vẫn còn hạn chế. Vẫn còn một số cấp uỷ, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, đẩy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, sâu rộng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 11 – CT/TU của Thành ủy, các cấp, các ngành cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền đối với việc quán triệt, tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý phải thực sự gương mẫu đi đầu, là tấm gương sáng trong thực hiện việc cưới theo nếp sống văn minh, tăng cường vai trò nêu gương trong thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ TP tới cơ sở chú trọng tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với các phong trào thi đua, phong trào, cuộc vận động.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Tiếp tục kế thừa và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương trong tổ chức đám cưới văn minh. Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nội dung quy ước, hương ước, nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay có tính khả thi cao để triển khai rộng rãi trong Nhân dân.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của các cấp ủy, của chính quyền các cấp đối với cán bộ, đảng viên về chấp hành thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU, đảm bảo việc nêu gương cho quần chúng. “Thời gian tới các địa phương, cơ qua, ban, ngành cần tiếp tục kiên trì thực hiện Chỉ thị 11/CT-TU phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương. Tinh thần cốt lõi là phát huy vai trò gương mẫu của đang viên, cán bộ; tránh xa hoa, phô trương, hình thức lãng phí. Làm được điều đó sẽ góp phần quang trọng vào vào việc thực hiện mục tiêu phát triển triển TP văn hiến, văn minh, hiện đại.
Tại Hội nghị, Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã khen thưởng 10 đơn vị, cá nhân; UBND TP khen thưởng 17 tập thể, 10 cá nhân trong việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành uỷ Hà Nội (khoá XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội”.