Thông qua Đề án đã giúp tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức và thực hiện của các tiểu thương về an toàn thực phẩm (ATTP).
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để triển khai Đề án, UBND quận Hà Đông đã ban hành hàng loạt các văn bản tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan, UBND phường triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án. Cụ thể, quận chỉ đạo UBND phường tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án theo phân công, phân cấp Quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn quận năm 2023.
Phòng Kinh tế là đơn vị được UBND quận giao nhiệm vụ cơ quan thường trực, tham mưu UBND quận triển khai thực hiện Đề án đã thành lập Tổ giám sát ATTP lĩnh vực nông nghiệp và công thương bằng phương pháp xét nghiệm nhanh tại các chợ, địa điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận năm 2023.
UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, UBND các phường, các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đa dạng hóa hình thức tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ và người tiêu dùng trên địa bàn về nội dung của Đề án, kế hoạch thực hiện Đề án năm 2023 của UBND TP, UBND quận.
Từ đó, các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn biết, tích cực tham gia thực hiện Đề án, hình thức tuyên truyền chủ yếu là qua hệ thống loa truyền thanh của các chợ. Đến nay, 100% hộ kinh doanh thực phẩm tại 15/16 chợ trong quy hoạch trên địa bàn quận đã biết, tham gia thực hiện Đề án (riêng chợ Mai Lĩnh chưa hoạt động kinh doanh, khai thác).
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Việt Long: “Phòng Kinh tế là đơn vị được giao nhiệm vụ cơ quan thường trực tham mưu UBND quận triển khai thực hiện Đề án, thời gian qua Phòng phối hợp với UBND các phường, Ban quản lý (BQL) chợ thường xuyên thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của UBND TP, các sở ngành liên quan và của UBND quận về việc triển khai thực hiện Đề án tới toàn 100% đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; các thương nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ và Nhân dân trên địa bàn”.
Tăng cường kiểm tra
Để công tác quản lý ATTP đi vào nền nếp, ngay từ đầu năm 2023, UBND quận đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, BQL chợ tăng cường kiểm tra các hộ kinh doanh thực phẩm tại các chợ. Qua kiểm tra thấy, cơ bản các cơ sở kinh doanh đáp ứng các điều kiện theo quy định. Đồng thời, đã tổ chức lấy 161 mẫu thực phẩm kinh doanh (trong đó 39 mẫu thực phẩm đã qua chế biến, 122 mẫu thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến) để kiểm tra một số chỉ tiêu về ATTP, như: hàn the, Nitrat, Foocmon. Kết quả, các chỉ tiêu phân tích có 136/161 mẫu đạt tiêu chuẩn quy định, chiếm 84,47%; 25/161 mẫu vi phạm chiếm 15,52%, tập trung vào các sản phẩm thực phẩm tươi sống, như rau, củ, quả... có hàm lượng nitrat vượt chuẩn.
Bà Phạm Thị Minh Duyên, Tổ trưởng Tổ thu dịch và ATTP chợ Hà Đông cho biết: “Các giấy tờ cần thiết như khám sức khỏe định kỳ, bà con trong chợ đều thực hiện đúng quy định. Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở bà con tiểu thương ghi chép sổ sách ngày nhập hàng, đơn vị cung cấp hàng hóa, số lượng… Qua kiểm tra, hầu hết bà con đều ghi sổ sách đầy đủ”.
Bà Chu Thị Đông, bán hàng thực phẩm chế biến tại chợ Hà Đông chia sẻ: “Hàng ngày tôi lấy hàng gì đều ghi vào sổ sách. Các sản phẩm tôi bán đều rõ nguồn gốc, được nhập từ các công ty có tem truy xuất”.
Mặc dù vậy công tác kiểm soát ATTP tại chợ quận Hà Đông vẫn còn những khó khăn. Cụ thể, theo quy hoạch tổng mặt bằng các chợ đã được phê duyệt các khu chức năng, không có vị trí nhà trạm xét nghiệm thực phẩm. Do đó, đến nay, các chợ trên địa bàn chưa xây dựng được nhà trạm, đồng thời chưa thành lập tổ kiểm tra thực hiện việc xét nghiệm, lấy mẫu sản phẩm thực phẩm tại các nhà trạm tại chợ. Những khó khăn này đã và đang được quận Hà Đông tiếp tục đề xuất những giải pháp cụ thể để bảo đảm ATTP tại các khu chợ trên địa bàn.