Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình 06-Ctr/TU:

Chuyển biến trong phát triển văn hóa, nguồn nhân lực, con người Hà Nội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 25/5, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06-Ctr/TU “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 – 2025.

Hội nghị nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Chương trình, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.

Tới dự hội nghị, có Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà.

Tạo đột phá trong chiến lược phát triển văn hóa

Trong 2 năm qua (2021-2022), TP Hà Nội đã chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy.

Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người của Thủ đô trong thời gian qua là sự kế thừa và phát huy hiệu quả tinh thần đổi mới, vận dụng sáng tạo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng từ các nhiệm kỳ.

Cụ thể, bên cạnh việc tiếp tục xác định một Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã quyết định ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho TP khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO trên lĩnh vực thiết kế sáng tạo với nền tảng là văn hóa và sáng tạo, một xu thế tất yếu của thời đại.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa được TP quan tâm, đẩy mạnh, bám sát yêu cầu thực tiễn, đã ban hành 17 nghị quyết chuyên đề. Nổi bật như Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 về Quy định mức tiền thưởng đối với giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; lĩnh vực thể thao quần chúng do các cấp TP, khu vực, toàn quốc tổ chức và chế độ đối với vận động viên khi tham gia các giải đấu thể thao quần chúng; Nghị quyết xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với nghệ sỹ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định; Kết quả học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.

Tổ chức nhiều hội thảo khoa học có chất lượng, sức lan tỏa cao: Hội thảo khoa học Quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội”; Hội thảo khoa học Thành phố Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Tổ chức và tham gia 50 sự kiện quy mô quốc tế tại TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố như: Lễ Khai mạc, Lễ Bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31); Đại hội thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X; Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022)...

 Xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề thực hiện Chương trình 06-CTr/TU đến nay vẫn còn 9 nội dung đang tiếp tục triển khai. Tiến độ triển khai một số dự án chậm so với kế hoạch đề ra như: Bảo tàng Hà Nội, phần trưng bày, phục dựng không gian Điện Kính Thiên, Bảo tồn phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại khu di tích Cổ Loa; xây dựng thêm 7 trường liên cấp (Tiểu học, THCS, THPT) có diện tích tối thiểu 5ha và có cơ sở vật chất ngang tầm các nước trong khu vực…

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Thời gian tới, Quốc hội sẽ cho phép sửa đổi Luật Thủ đô. Tôi mong muốn Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo các cơ quan soạn thảo nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hoá  và cơ sở về văn hoá để  biến đó thành công cụ pháp luật, các điều luật để huy động được các nguồn lực dưới góc độ vừa quản lý, vừa kiến tạo sự phát triển cho lĩnh vực văn hoá, nhất là với một vị trí Thủ đô mang đậm dấu ấn văn hoá, có bề dày về lịch sử và truyền thống và có một kho tàng phong phú đồ sộ về di tích. Đây là những vấn đề cần phải tương thích những bộ luật khác như Luật Di sản Văn hoá sẽ sửa đổi tới đây. Các Luật phải có sự kết nối, liên thông để xây dựng Luật Thủ đô thuận lợi hơn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội,Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU Nguyễn Văn Phong phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội,Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU Nguyễn Văn Phong phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Kết quả của Chương trình 06-CTr/TU đến nay là sự kế thừa từ các chương trình ở các nhiệm kỳ trước và có thêm vấn đề mới do yêu cầu và chỉ đạo mới của T.Ư.

Sau hai năm triển khai, Chương trình đã tạo chuyển biến từ TP đến cơ sở trong phát triển văn hóa, nguồn nhân lực, con người Hà Nội. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, xây dựng mô hình văn hóa sáng tạo, phát huy một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển hoạt động dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bước đầu, TP huy động được các nguồn lực từ xã hội trong phát triển văn hóa, hợp tác quốc tế, công tác thể thao được nâng lên ở tầm cao mới.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, đây là kết quả bước đầu và các cấp ngành vẫn chưa có nhận thức toàn diện về triển khai chương trình. Do đó, Ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU sẽ kiểm tra trong thời gian tới để thống nhất lại nhận thức và có quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện. TP tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hóa cơ sở; tiếp tục quan tâm thực chất, hiệu quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung cao độ cho việc tham mưu cho TP 3 lĩnh vực quan trọng gồm Xây dựng quy hoạch TP; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP; Bổ sung, sửa đội Luật Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các sở ngành, quận, huyện, đơn vị rà soát, đánh giá lại việc thực hiện chương trình để có giải pháp cụ thể để đạt được kết quả cao hơn nữa, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

 

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: Sáng tạo trong triển khai Chương trình 06

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình 06 và Nghị quyết 09 của Thành ủy, các quận, huyện, sở, ngành đã có những sáng tạo, chủ động triển khai. Đơn cử, quận Hoàn Kiếm đã linh hoạt, sáng tạo trong công tác tổ chức tạo điểm tĩnh kết hợp với không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng lồng ghép một cách hài hòa với các không gian đi bộ trên địa bàn như không gian đi bộ trong khu bảo tồn cấp I khu Phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian văn hóa đọc phố sách Hà Nội, không gian sáng tạo Phố bích họa Phùng Hưng.

Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Phạm Thị Thu Hương: Lập quỹ hỗ trợ sáng tạo

Cần có chính sách liên quan trực tiếp đến các trường đại học, cao đẳng để việc phối hợp, hợp tác với các sở, ngành, đơn vị của thành phố không chỉ là việc nên làm mà là việc cần làm, phải làm. Từ các nguồn kinh phí phù hợp, TP có thể thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo, với mục đích tài trợ cho những đề án, dự án, sản phẩm phù hợp, có giá trị và đem lại hiệu quả”.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn: Lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận đồng hành

Để kiến thiết TP sáng tạo thực sự góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, cần triển khai và quản lý có hiệu quả các thiết chế về mặt đường lối và quy định pháp lý. Lắng nghe thấu hiểu và chấp nhận đồng hành thật sự trong kết nối, huy động mọi thành phần xã hội cùng tham gia, trong đó trụ cột là bộ ba nhà quản lý tổ chức – nhà chuyên môn – người thực thi và cộng đồng, hướng tới chuyển hóa chuẩn mực từ ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm thực thể sáng tạo. Tận dụng và học hỏi có chọn lọc và cởi mở đối với quốc tế. Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm cần thực chất và nhìn thẳng, nói rõ nhất là bất cập để tiến xa. Minh bạch, cân bằng và công bằng trong thực hiện cũng là một mấu chốt của thành công vì như thế mới huy động được đích thực nguồn lực có chất lượng.