Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện con lân vào mùa Trung thu thời Covid-19

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu vào tầm cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch hàng năm, trẻ nhỏ ở các miền quê đã náo nức chuẩn bị đón Tết Trung thu, tiếng trống múa lân rộn ràng khắp thôn xóm suốt ngày đêm. Năm nay, dù Trung thu cận kề, nhưng những âm thanh ấy im bặt, thay vào đó là tiếng loa văng vẳng, đều đều: “Người dân chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết, thực hiện nghiêm 5K để phòng, chống dịch bệnh Covid-19…”

Chủ cơ sở trả lại tiền cọc cho bạn hàng
Mặt trời lên cao quá ngọn sào, ông Nguyễn Đức Toàn (46 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) mới uể oải thức giấc. “Dịch dã, dậy sớm cũng không làm gì. Giờ lân làm ra không bán được nên cứ lẩn quẩn trong nhà chứ ít khi ra đường”, ông Toàn thở dài.
 Ông Nguyễn Đức Toàn đã gắn bó với nghề làm đầu lân hơn 30 năm.
Hơn 30 năm sản xuất đầu lân, ông Toàn chưa khi nào gặp phải tình trạng việc sản xuất, tiêu thụ mặt hàng chủ lực, được xem là “linh hồn” của Tết Trung thu “chết đứng” như bây giờ. Những năm trước, từ thời điểm tháng 6 âm lịch, ông Toàn và nhân công trong xưởng đã không ngơi tay làm làm khuôn, dán giấy thiếc, trang trí hoa văn, dán lông vũ… Cơ sở sản xuất lân của ông lúc nào cũng hoạt động hết công suất để kịp các đơn hàng trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm vào vụ này, ông cung ứng cho thị trường vài nghìn sản phẩm là chuyện bình thường. Đến năm ngoái, vì dịch Covid-19, số lượng sản phẩm tiêu thụ sụt giảm quá nửa. Còn năm nay, chỉ còn hơn chục ngày nữa là Tết Trung thu nhưng ông Toàn vẫn chưa bán được sản phẩm nào.
“Các mối quen thường đặt hàng từ đầu năm, khoảng tháng 6 Âm lịch, mình tập trung làm, giữa tháng 7 là bắt đầu giao hàng. Năm nay họ im ru, không hỏi han gì hàng hóa luôn. Dịch phức tạp quá, việc đi lại đã khó khăn, nói chi đến Trung thu với múa lân. Hôm rồi mới chuyển khoản trả lại tiền cọc cho bạn hàng. Họ là chỗ làm ăn bao lâu nay, cực chẳng đã họ mới không lấy hàng, tiền cọc mình lấy luôn thì coi sao được”, ông Toàn cười buồn.
Lúc dịch Covid-19 bùng phát ở Quảng Ngãi vào cuối tháng 6 dương lịch (tức tháng 5 âm lịch), ông Toàn cũng hy vọng dịch sớm ổn định để còn kiếm thu nhập vào mùa Trung thu, nhưng đợi hoài mà dịch cứ ngày càng phức tạp hơn. Cạn hy vọng, ông dồn hết đầu lân chỉ còn vài công đoạn nhỏ là hoàn thiện vào bao nilon, cất kỹ trong kho.
 Lân không tiêu thụ được do ảnh dịch Covid-19, anh Toàn cho vào túi nilon cất kho.
“Tới bây giờ là thôi rồi đó, mùa Trung thu này không buôn bán gì nữa. Giờ bạn hàng có mua cũng không bán, vì họ mang về không bán được lại mang cho mình cất kho, thôi mình giữ luôn lại cho rồi”, ông cho biết.
Chưa có năm nào như năm nay
Hàng trăm năm qua, nghề làm đầu lân ở thôn Thu Xà nức tiếng khắp nơi, lan đến tận các tỉnh khác. Cứ đến độ tháng 6, tháng 7 âm lịch, các cơ sở làm nghề này lại tấp nập kẻ bán người mua. Ấy vậy mà năm nay, dù Tết Trung thu đã cận kề nhưng không khí nơi đây lại ảm đảm chưa từng thấy.
Hiện tại, nghề làm lân truyền thống ở làng Thu Xà chỉ còn anh em trong gia đình ông Nguyễn Đức Toàn lưu giữ được. Cha ông Toàn là ông Nguyễn Tô (81 tuổi) có 4 người con đều nối nghiệp làm lân. Ngoài làm lân, các thành viên trong gia đình còn làm cả mặt nạ và trang phục Tề Thiên, ông Địa. Dịch ập đến, công ăn việc làm ngưng trệ hoàn toàn. Gần trọn cuộc đời gắn bó với nghề, ông Tô chưa bao giờ nghĩ đến cảnh sẽ có mùa Trung thu như năm nay.
Lượng lớn cốt lân chưa trang trí chất đống trong cơ sở của ông Nguyễn Đức Đoàn- con trai ông Nguyễn Tô.
Ông Tô chống gậy, lập cập bước ra sau nhà, vòng qua cơ sở làm lân của người con thứ là Nguyễn Đức Toàn- đang sống cùng ông Tô. Trong kho, hàng trăm cốt lân chưa được trang trí nằm chất đống, im lìm. Đưa tay sờ nhẹ từng đầu lân vừa mới thành hình, ông Tô xót xa: “Làm nghề thì yêu nghề, không bỏ được. Bây giờ già rồi, lại thêm bệnh tai biến nên chỉ phụ việc lặt vặt cho mấy đứa con. Thời điểm này các năm trước, hàng đã đi gần hết, chỉ còn lại trong kho chừng vài chục con dự phòng. Năm nay còn nguyên, chẳng có ai mua”.
Mọi năm, vào thời điểm này, cơ sở của gia đình anh Đoàn đã đóng kiện cả nghìn sản phẩm, chuyển đi khắp các tỉnh, thành như Vũng Tàu, Quy Nhơn, Đà Nẵng… Nhưng 2 năm qua, việc sản xuất, tiêu thụ hoàn toàn bị đảo lộn. Dịch bệnh hoành hành, đơn hàng năm 2020 giảm quá nửa, chủ yếu là đầu lân cỡ nhỏ dành cho các cháu thiếu nhi, với mức giá từ 120.000 -150.000 đồng/ chiếc. Các loại đầu lân cỡ trung 400.000 - 500.000 đồng/chiếc, cỡ lớn 2 triệu đồng/chiếc rất ít. Còn năm nay, tới đầu tháng 8 âm, cơ sở của anh Đoàn bán được vỏn vẹn… 2 đầu lân cho tụi nhỏ trong xóm về làm đồ chơi, với giá 100.000 đồng/ chiếc.
 Số đầu lân đã hoàn thiện nhưng không tiêu thụ được, dồn ứ trong kho.
Phủi phủi bụi bám trên chiếc ghế, ông Tô ngồi xuống rồi ngẩn ngơ: “Tầm này là trống lân gõ suốt ngày đêm. Mấy đứa nhỏ quanh đây rần rần tập lân, tập trống. Năm nay im bặt, chắc cũng chẳng còn ai có tâm trạng mà nghĩ đến múa lân, đánh trống”.
Ông Tô vừa dứt lời, bà hàng xóm gần bên, mặt che kín khẩu trang, tay xách túi đồ ăn xịch xe đến: “Nhiêu đây cả nhà ăn đủ không? Đoạn gần chợ người ta vừa lập chốt kiểm dịch đó. Thời buổi gì mà đi đâu cũng thấy dịch”. Nói xong, bà lại vội vã đi về.
 Ông Nguyễn Tô khoe tấm ảnh các đầu lân do ông làm ra từ nhiều năm trước.
Ông Tô khó nhọc đứng dậy, với tay lấy tấm ảnh treo trên tường, trầm ngâm: “Hồi xưa ông làm lân đây này. Lúc đó vui lắm… Giờ ít người giữ được nghề, rồi còn gặp dịch bệnh, phận con lân thấy vậy mà khổ”. Giọng ông lẫn vào tiếng xe loa tuyên truyền lưu động chạy ngang nhà: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân không tụ tập đông người, thực hiện 5K để phòng chống dịch”. Ông Tô ôm khung ảnh vào ngực, lặng lẽ lắc đầu…
 

Theo ông Nguyễn Kiện Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hòa, bên cạnh sản xuất nhang, bánh kẹo, chiếu… thì làm đầu lân cũng là nghề truyền thống của địa phương. Không chỉ mang lại thu nhập cho hộ sản xuất, nghề làm đầu lân còn góp phần giữ vững một làng nghề truyền thống mang đậm dấu ấn của phố cổ Thu Xà, vốn đã nổi tiếng từ nửa thế kỷ trước trên đất Quảng Ngãi. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc sản xuất, tiêu thụ mặt hàng chuyên phục vụ Tết Trung thu này gặp rất nhiều khó khăn.