Thế nhưng, có không ít người phụ nữ dường như không có “khái niệm” gì ngày bản thân được tôn vinh ấy, bởi đơn giản họ là những công nhân làm đẹp cho Thủ đô, làm đẹp cho đời.
Gắn bó với khối doanh nghiệp công ích Hà Nội tính đến nay đã hơn chục năm, song có lẽ chưa bao giờ tôi thấy hết mặn mòi khi trò chuyện với những nữ công nhân mang trách nhiệm làm đẹp cho Thành phố.
Càng những ngày lễ, tết hay những ngày diễn ra sự kiện quan trọng được tổ chức trên địa bàn,… thì họ càng không có thời gian cho bản thân và gia đình. Diện váy vóc, sử dụng son phấn luôn được phụ nữ yêu thích, song với họ lại dường như rất xa xỉ bởi thời gian phần lớn “bám” mặt đường để thu gom rác thải, trồng hoa, cây,… làm sao để Thủ đô thật xanh, thật sạch, thật đẹp. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ họ nản lòng, vẫn say và gắn bó với nghề, vẫn vui và không khỏi tự hào mỗi ngày mới làm việc.
Sáng 7/3, chị em công nhân Công viên cây Xanh Hà Nội tất bật công tác duy trì tại dải phân cách trên phố Yên Lãng, Đống Đa. |
Ví như những nữ công nhân vệ sinh môi trường đô thị Urenco khu vực hồ Hoàn Kiếm. Trong ba năm trở lại đây, công việc bận rộn hơn bởi hoạt động của phố đi bộ, các sự kiện lớn diễn ra tại đây, khối lượng rác thải phải thu gom luôn trong tình trạng quá tải, nhất là vào những ngày cuối tuần và lễ, tết. Gần đây nhất, những ngày Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, khu vực này luôn đông người qua lại, dạo chơi, thế nên, dù Công ty Urenco đã trang bị đến cả 100 thùng chứa rác thải xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, song lượng rác thải ra ngoài vẫn khá lớn.
Do nhiều người dân vẫn tiện đâu vứt đấy nên sau khi một ngày vui chơi của họ khép lại thì những công nhân vệ sinh môi trường lại tất bật, hối hả trên các ngả đường để thu gom rác, làm sạch đường phố. Thời gian làm việc kéo dài từ 6 giờ tối hôm trước đến thậm chí tới 7 giờ sáng hôm sau. Trong khoảng thời gian ấy, các nữ công nhân không dám nghỉ tay vì chỉ cần nghỉ là lại chậm tiến độ cho khâu vận chuyển rác mang đi xử lý.
12h đêm, đường phố lưa thưa người qua lại, chị Hiếu và đồng nghiệp vẫn nỗ lực gom rác tại khu vực Hàm Cá Mập hồ Hoàn Kiếm. |
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu, tổ trưởng tổ Môi trường số 1, Chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm, đã có gần 30 năm gắn bó với công việc vệ sinh môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm. Dù công việc vất vả nhưng với chị, trắng đêm thu gom rác vẫn là niềm vui. Chị bảo, nghề của chị đã đi vào thơ ca như bài “Tiếng chổi tre” nên tự hào lắm chứ! Chị chỉ mong sao năm mới, mọi người đều nỗ lực giữ gìn vệ sinh chung để các chị sớm được trở về nhà với gia đình."
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thái Hà – công nhân bậc 7/7, Tổ trưởng sản xuất tổ Môi trường số1, Chi nhánh Urenco Đống Đa phụ trách thu gom rác địa bàn 2 phường Văn Chương - Quốc Tử Giám- khu vực đông dân cư. Đây cũng là địa bàn có di tích lịch sử Quốc Tử Giám nên lượng khách du lịch tập trung lớn, khối lượng công việc thu gom rác thải ít khi giảm. Chị Thái Hà kể, đợt tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, đặc biệt từ 23 Âm lịch đến 30 Tết, khu vực chị phụ trách hầu như số lượng rác thải sinh hoạt liên tục tăng gấp đôi ngày thường, trong khi số lượng công nhân vẫn như cũ. Tổ có 18 người thì 15 là nữ, phải tăng ca liên tục để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.
Có hôm phải làm từ 7h30 sáng hôm nay đến 7giờ sáng hôm sau, vì thế thời gian việc chăm lo cho gia đình đôi khi không có. Chị Thái Hà chia sẻ: "Chị em công nhân môi trường không còn khái niệm gì về ngày mồng 8/3 đối với bản thân; được chồng con thông cảm cũng là tốt lắm rồi." Giả sử được tặng quà ngày Quốc tế Phụ nữ cũng chỉ mong người dân có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung. “Đó cũng là “món quà” yêu thích nhất mà những nữ công nhân môi trường chúng mình muốn được dành tặng”, chị Hà nói.
Vất vả không kém gì những nữ công nhân vệ sinh môi trường, các chị em công nhân Công ty TNHH MTV công viên Cây xanh Hà Nội hầu như phải làm đêm 100% khi thực hiện Chương trình “Một triệu cây xanh cho Thủ đô” để không ảnh hưởng tới đời sống của người dân khu vực và giao thông. Chị Nguyễn Thị Ngọc Giang – công nhân bậc 5/7, Tổ trưởng tổ 2 Đội Sản xuất Cây hoa cây cảnh, Xí nghiệp Ươm và trồng cây xanh cho biết, công việc nặng nhọc vất vả nhưng đơn vị quyết tâm cán đích sớm để phủ xanh Thành phố, vì thế nam – nữ công việc gánh vác như nhau không phân biệt. “Nhà có việc” ai cũng nỗ lực nhất có thể.
“Vất vả nhưng vui, không ai nề hà. Chồng con có khi cả tuần không giao lưu, không thấy mặt nhau vì khi mình về nhà thì chồng đã đi làm, con đi học và ngược lại. Như đợt chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa qua, các chị em trong tổ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tổ có 9 người thì 8 người là nữ. Dù vào ban đêm nhưng chúng em vẫn tiếp tục bổ sung trồng cây, trồng hoa cho kịp tiến độ trang trí phục vụ Hội nghị.
Đến nay dù đã trở về với guồng công việc bình thường nhưng làm nghề bám mặt đường thế này, được diện quần áo đẹp mình tự chọn mua cũng hiếm khi, được chồng thông cảm ít càu nhàu, được con không mếu máo vì không được bố mẹ cho đi chơi vào cuối tuần hay lễ, tết là tốt lắm rồi. Mồng 8/3 cũng như mọi ngày khác thôi!”, chị Ngọc Giang chia sẻ.
“Mồng 8/3 cũng như mọi ngày khác thôi ạ”. Lời chia sẻ nhẹ như gió thổi, khiến tôi nghẹn lại. Đằng sau những con đường xanh, sạch sẽ, rực rỡ sắc màu của hoa lá,… của Thủ đô là sự vất vả khó sớt chia, là sự hy sinh thầm lặng của những nữ công nhân môi trường.
Một năm có 4 mùa Xuân- Hạ - Thu- Đông; một năm có bao nhiêu sự kiện diễn ra trên địa bàn Thủ đô, chưa kể lễ, Tết.... một năm ấy cũng có biết bao nhiêu sự hy sinh niềm riêng của các nữ công nhân ở Thủ đô để làm đẹp cảnh quan, mang lại niềm vui cho mọi người.
Thời gian trôi đi, trong sự tấp nập của thị trường phục vụ ngày mồng 8/3, có mấy ai lắng lại trong niềm vui riêng, không quên nhặt rác bỏ vào thùng, không giẫm đạp lên cây lên hoa để những nữ công nhân môi trường được trở về nhà sớm trong ngày tôn vinh họ?.