Đó là một phần chính nội dung lễ công bố kết quả nghiên cứu về "Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí Việt Nam”, ngày 19/10 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) thực hiện.
Chịu nhiều tác động
Theo nghiên cứu “Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí Việt Nam” của ThS. Phạm Văn Long và cử nhân kinh tế học Hoàng Long, trong bối cảnh hiện nay, chuyển dịch năng lượng thường được định nghĩa là quá trình chuyển đổi việc sử dụng năng lượng dựa chủ yếu trên nhiên liệu hoá thạch, như dầu mỏ và khí đốt, sang các dạng năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời.
Hiện nay, xu hướng chuyển dịch năng lượng trở nên phổ biến trên toàn thế giới do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với một số quốc gia đó là động lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế ô nhiễm môi trường do các nguồn nhiên liệu hoá thạch gây ra.
Đối với những quốc gia khác, đảm bảo an ninh năng lượng là động lực then chốt để giải quyết bài toán về sự khan hiếm của các nguồn nhiên hoá thạch. Đa số các quốc gia ngày nay, trong đó có Việt Nam, chọn con đường chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, chuyển dịch năng lượng tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt trực tiếp đối với ngành khai thác nhiên liệu hoá thạch. Trong đó, dầu khí là ngành chịu tác động tương đối rõ rệt, khi đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng truyền thống trên toàn cầu.
Sự thay đổi về hệ thống năng lượng đòi hỏi các công ty dầu khí phải chuyển trọng tâm sang năng lượng tái tạo nhằm khẳng định lại vị trí của mình trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VESS cho rằng, ngành dầu khí hiện đối mặt với những rủi ro trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, đòi hỏi các chính sách và chiến lược có tầm nhìn lâu dài của Chính phủ.
Các mỏ dự trữ dầu có thể trở thành tài sản bị mắc kẹt do những quy định hạn chế về lượng khí thải carbon toàn cầu, khiến cho tài sản năng lượng này trở thành “carbon không đốt được”. Các công ty dầu khí lớn trên thế giới đang chuyển hướng đầu tư sang năng lượng tái tạo để thực hiện các cam kết cho một tương lai “carbon” thấp, hoặc “carbon thấp hơn”.
Xu hướng tại Việt Nam
“Quá trình chuyển dịch cần 4 yếu tố cốt lõi: Công nghệ - Nền kinh tế cạnh tranh - Thị trường mở cửa - Chính sách hỗ trợ” - ông Nguyễn Đức Thành nói.
Do đó, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới. Các động lực dẫn tới chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cũng xoay quanh 2 vấn đề chính đó là môi trường và kinh tế - xã hội.
Tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, tiến trình đô thị hoá và công nghiệp hoá trong vòng 30 năm qua tại Việt Nam dựa nhiều vào nguồn năng lượng than và dầu đã tạo ra một lượng lớn khí thải nhà kính, một trong các tác nhân chủ yếu gây ra biến đổi khí hậu.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP bởi các ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Năm 2021, Việt Nam được xếp hạng 61 trên tổng số 115 quốc gia về mức độ sẵn sàng chuyển dịch năng lượng trong chỉ số Chuyển dịch năng lượng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới với số điểm là 54/100, tăng 8 bậc và 3 điểm so với bảng xếp hạng năm 2020. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trình bản cập nhật của Đóng góp quốc gia tự quyết định1 (NDC) lên UNFCCC vào năm 2020.
Các ngành như điện và giao thông vận tải có xu hướng thay đổi nhiều nhất để đáp ứng cam kết của Việt Nam trong việc giảm thải khí nhà kính. Ngành dầu khí, với chức năng cung cấp nhiên liệu đầu vào cho các ngành trên cũng đang đối mặt với các cơ hội và thách thức trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu.
Ngành dầu khí Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn khi mà phần lớn mỏ dầu khí đã phát hiện được đều là mỏ cận biên. Hơn nữa, với tốc độ khai thác như hiện nay, chỉ trong vòng vài chục năm nữa, các mỏ dầu, khí đang khai thác sẽ cạn kiệt.
Do đó, việc đẩy mạnh công tác tìm kiếm, phát hiện, thăm dò và khai thác các mỏ dầu khí mới đã và đang được đẩy mạnh. ThS. Phạm Văn Long cho rằng, Dự thảo Luật Dầu khí sắp tới được kỳ vọng tạo cơ hội và thúc đẩy cho quá trình đầu tư, tìm kiếm, phát hiện, thăm dò và khai thác các mỏ dầu, khí mới diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Tuy nhiên, cho đến bản Dự thảo lần thứ 4 (ngày 22/8/2022), nhóm nghiên cứu vẫn thấy còn một số bất cập.
Thứ nhất, Luật Dầu khí mới chỉ quy định các hoạt động ở khâu thượng nguồn, mà không quy định các hoạt động trung và hạ nguồn. Việc này sẽ gây ra hiện tượng xung đột, chồng chéo trong quá trình quản lý chuỗi giá trị dầu khí. Do đó, cần đưa vào Dự thảo các quy định liên quan đến hoạt động dầu khí ở khâu trung và hạ nguồn.
Thứ hai, việc đẩy mạnh ưu đãi thuế không chắc đã giúp cải thiện thu hút đầu tư vào các dự án dầu khí. Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đang đề xuất đối với các dự án đặc biệt ưu đãi, nhà đầu tư có thể được áp dụng mức giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% đến tối đa 50%.
Tuy nhiên, trong vòng 10 năm qua, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế suất trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020. Vì vậy, việc giảm thuế suất của Việt Nam được cho là sẽ không hiệu quả.
Thứ ba, chưa có quy định pháp luật về các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế. Trong khi đó, phương thức giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng dầu khí chủ yếu thông qua cơ chế trọng tài quốc tế và những cam kết trong Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với Việt Nam. Điều này khiến cho việc giải quyết tranh chấp kéo dài, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Thứ tư, chưa có những hướng dẫn cụ thể cho việc điều tra, thăm dò và khai thác các loại dầu khí phi truyền thống. Các loại dầu khí phi truyền thống có đặc điểm về việc phân bố, đặc tính hóa học tương đối khác biệt so với dầu khí truyền thống nên các phương pháp để điều tra, thăm dò và khai thác cũng khác biệt, đòi hỏi cần có quy định và hướng dẫn cụ thể.
Các quy định này cần được nghiên cứu và cân nhắc bổ sung trong Luật sửa đổi sắp tới hoặc trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí sửa đổi.
Đối với Việt Nam trong giai đoạn này, điện khí vẫn là nhân tố quan trọng giúp thay thế dần các nguồn nhiệt điện than, và hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào nguồn khí NLG nhập khẩu từ nước ngoài không phải là giải pháp bền vững cho chuyển dịch năng lượng Việt Nam.
Mặc dù Quy hoạch Điện VIII đề xuất Việt Nam tham gia thị trường LNG với hợp đồng dài hạn để tránh các biến động về giá. Tuy nhiên, theo các trường hợp tại quốc gia nhập khẩu khí LNG lớn như Nhật Bản thì trong nhiều trường hợp như nhu cầu tăng cao và lo ngại tình hình cung từ Nga, Nhật Bản vẫn chịu ảnh hưởng bởi biến động giá trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, việc đầu tư cho các cơ sở vật chất chuyên dụng cho việc nhập khẩu khí LNG từ nước ngoài đòi khỏi một nguồn vốn lớn với mức độ rủi ro cao trong khâu vận hành hệ thống. Vì vậy, Việt Nam cần phải tăng cường khai thác các mỏ khí đốt tiềm năng của mình thay vì duy trì sản lượng hiện nay như Quy hoạch Điện VIII đang đề xuất.