Chủ trương đúng nhưng thực hiện chậmTheo quy định tại Điều 21 Luật Công chứng thì trong trường hợp không cần thiết duy trì PCC thì Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi PCC thành VPCC trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định… Trường hợp không có khả năng chuyển đổi PCC thành VPCC thì Sở Tư pháp lập đề án giải thể PCC trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Nghị định số 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định chi tiết việc chuyển đổi PCC thành VPCC.Theo Bộ Tư pháp, cả nước có hơn 1.000 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó số lượng PCC chiếm số lượng rất nhỏ (khoảng trên 130 phòng). Đây là những PCC thành lập từ lâu, tập trung nhiều ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Trước bối cảnh các VPCC liên tục được mở ra, đặc biệt ở các vùng kinh tế phát triển thì hoạt động của nhiều PCC hết sức khó khăn bởi phải cạnh tranh quyết liệt. Trong khi đó, bộ máy, biên chế, các điều kiện đảm bảo các quy định của Nhà nước vẫn phải duy trì. Thực tế trên cho thấy, việc chuyển đổi các PCC sang mô hình VPCC là chủ trương đúng và hết sức cần thiết, nhằm giảm gánh nặng ngân sách, biên chế của Nhà nước; góp phần đưa hoạt động công chứng trở thành một loại dịch vụ công chuyên nghiệp, an toàn, chất lượng cao.Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh chung cho thấy, việc chuyển đổi hết sức chậm chạp. Thậm chí nhiều địa phương chỉ dừng ở mức ra văn bản để… "hưởng ứng" chủ trương, sau đó rơi vào quên lãng. Ngay như TP Hồ Chí Minh cũng ra văn bản khẳng định việc duy trì các PCC là cần thiết nên chưa xem xét đến việc chuyển đổi PCC thành VPCC. Một số địa phương cũng rục rịch chuyển đổi nhưng lại có nhiều vướng mắc nên quá trình chuyển đổi kéo dài.Chuyển đổi trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng Nhiều ý kiến cho rằng, lý do của việc chậm chuyển đổi là do nhiều địa phương vẫn muốn duy trì các PCC với vai trò dẫn dắt. Đặc biệt ở những vùng còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội kém phát triển. Các PCC ở địa bàn này mang trên mình sứ mệnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu giao dịch của bà con khi mà các VPCC chưa được thành lập. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng mấu chốt của việc chậm chuyển đổi là do nhiều địa phương còn lúng túng trong việc bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và viên chức, người lao động đang làm việc tại các PCC khi chuyển sang mô hình VPCC. Sự chuyển đổi không chỉ là thay đổi tên gọi mà còn là vấn đề về thương hiệu, uy tín của các PCC đã gây dựng trong hàng thập kỷ, vì thế đấu giá thương hiệu cũng là vấn đề gây bàn cãi.Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Đặng Hoàng Yến, cần xác định nguyên tắc chung của việc chuyển đổi PCC. Luật Công chứng quy định trong trường hợp không cần thiết duy trì PCC, Sở Tư pháp xây dựng đề án chuyển đổi PCC thành VPCC trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Nhưng trước khi đặt vấn đề chuyển đổi PCC, các địa phương cần phải đánh giá đầy đủ, toàn diện về vị trí, vai trò và tình hình tổ chức, hoạt động của PCC tại địa phương mình. Trong trường hợp PCC tại địa phương hoạt động hiệu quả, được người yêu cầu công chứng tín nhiệm, tự bảo đảm chi thường xuyên, có đóng góp đáng kể vào ngân sách… thì thuộc trường hợp cần thiết duy trì và chưa xem xét chuyển đổi.Bà Yến cũng lưu ý, không chuyển đổi PCC khi chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết; việc chuyển đổi PCC phải được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, theo đúng quy định của Luật Công chứng, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và công chứng viên, viên chức, người lao động làm việc tại PCC được chuyển đổi, tránh tình trạng áp đặt, chủ quan để xảy ra khiếu nại, tố cáo trong và sau khi chuyển đổi PCC.