Chuyển đổi số tích hợp xanh hóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững, phù hợp với xu thế đòi hỏi các doanh nghiệp song hành chuyển đổi số tích hợp với chuyển đổi xanh, không thể tách rời. Qua đó tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và xã hội.

Việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh
Việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh

Hai trong một

Những năm trở lại đây, dù mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành ưu tiên của doanh nghiệp và chính phủ các nước, tuy nhiên, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ. Theo Phó Giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE - Sở KH&ĐT Hà Nội) Nguyễn Hải Hùng, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các doanh nghiệp cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường. Đây chính là lý do xu hướng chuyển đổi kép - chuyển đổi số đồng hành cùng chuyển đổi xanh - đang ngày càng được chú trọng.

Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp tiên phong đưa ra các sản phẩm thân thiện môi trường. Ảnh: Hoàng Anh
Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp tiên phong đưa ra các sản phẩm thân thiện môi trường. Ảnh: Hoàng Anh

Hiện về chỉ số tương lai xanh, Việt Nam đang đứng thứ 9/16 đối với cả khu vực châu Á, đây vừa là cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp. Nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi kép, gặp gỡ các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực xanh – số, giúp doanh nghiệp đưa ra những giải pháp tối ưu để có thể chuyển mình, bắt kịp, vượt lên và tạo đà cho bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Rào cản chính bao gồm hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ, khiến nhiều doanh nghiệp bị tụt lại phía sau trong tiến trình này.

Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng cho hay, chuyển đổi số là phương tiện để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Công nghệ số giúp doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm năng lượng hơn, tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng xanh, giảm phát thải ra môi trường nên cuộc chuyển đổi kép là bạn đồng hành của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.

"Sản xuất thông minh giúp Rạng Đông giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá vật tư tăng, lãi vay tăng. Năng suất lao động đã tăng 30% với sản phẩm LED (5,5 triệu SP/ tháng lên 7,5 triệu SP/ tháng) và tăng 37% với sản phẩm Phích (1,4 triệu SP/ tháng lên 1,9 triệu SP/ tháng)" - doanh nhân này thông tin.

Kinh nghiệm để doanh nghiệp thực hiện

Thực tế cho thấy, tăng trưởng xanh là quá trình cơ cấu lại các hoạt động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hài hòa với các mục tiêu bền vững môi trường và công bằng xã hội. Muốn thực hiện, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cùng lúc phải thực hiện cả hai sự chuyển dịch, gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để đáp ứng đồng thời yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế trong xu hướng phát triển mới. Đây cũng là xu thế “chuyển đổi kép” đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.

Đầu tư công nghệ tối ưu sản xuất, các sản phẩm của Sơn Hà thân thiện với môi trường. Ảnh: Khắc Kiên
Đầu tư công nghệ tối ưu sản xuất, các sản phẩm của Sơn Hà thân thiện với môi trường. Ảnh: Khắc Kiên

Giải quyết bài toán này, ông Nguyễn Hải Hùng cho rằng, công nghệ số và chuyển đổi số được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh.

Bên cạnh những cơ hội và lợi ích, xanh và số cũng đặt ra nhiều thách thức và khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện thành công trở thành giải pháp tối ưu cho bài toán khó này. 

Nói về kinh nghiệm chuyển đổi xanh, Phó Chủ tịch Ban Năng lượng, Cụm Việt Nam và Campuchia, Schneider Electric Poovathungal Itteera ROY đã đề cập những lý do ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động đầu tư bền vững. Trong đó, có tới 55% các chủ doanh nghiệp lo ngại rằng khi đầu tư các hoạt động bền vững sẽ không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, các chính sách và quy định của Chính phủ có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đầu tư vào các hoạt động bền vững. Đơn cử, các chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo có thể thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.

Hơn nữa, khó khăn về Việc tiếp cận tài chính, công nghệ và chuyên môn cũng trở thành một thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Một trong những lí do quan trọng đang “giữ chân” doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi này chính là sự thiếu hụt về dữ liệu hiện trường. Điều này khiến họ khó khăn trong việc đánh giá rủi ro và tiềm năng của các dự án, kế hoạch “xanh hoá” của doanh nghiệp" - vị này nói.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thơ - Cố vấn cấp cao DigiwinSoft đã đề cập tới lộ trình chuyển đổi kép "Song hành số và xanh". Trong đó, để đạt mục tiêu chuyển đổi số và xanh, doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình vận hành thông qua hệ thống ERP (Eterprise resource planning - lập kế hoạch nguồn lực, quản trị tổng thể doanh nghiệp), giúp quy hoạch và tăng tính minh bạch, nắm bắt thông số sản xuất tức thời qua công nghệ IoT (internet vạn vật).

Việc tự động hóa dây chuyền sản xuất và thông minh hóa thiết bị sẽ nâng cao hiệu suất và chất lượng, đồng thời kiểm soát và cải thiện hiệu quả sử dụng thiết bị. Quản lý sản xuất tiêu chuẩn đòi hỏi hệ thống hóa tiến độ sản xuất và xây dựng cơ chế quản lý, từ đó phân bổ và tính toán chính xác chi phí sản xuất, tăng hiệu suất báo giá và đảm bảo lợi nhuận. Ngoài ra, nắm bắt lượng phát thải, tiêu thụ năng lượng và triển khai quản lý năng lượng theo các tiêu chuẩn ISO (14064, 14067, 50001) là cần thiết để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững.

 

Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” tại COP 26, tham gia tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cam kết thu hút các dòng tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, phát triển carbon thấp... Năm 2024 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (giai đoạn 2021 - 2025). 

Để thực hiện các cam kết này, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bằng các hành động thiết thực nhằm tạo lập môi trường chính sách thuận lợi hơn cho doanh nghiệp như: phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, mở rộng danh mục đầu tư xanh và giảm phát thải khí nhà kính đối với các khoản đầu tư, tài chính trợ vốn,...