Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Khi nông sản có mã định danh

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khách hàng ngày càng chú trọng về chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản. Khi DN đăng ký mã số vùng trồng cho nông sản, khách hàng sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc, từ đó yên tâm mua sản phẩm.

Rộng cửa xuất khẩu nhờ có mã số vùng trồng

Nhân Ngày chuyển đổi số nông nghiệp (19/8) lần đầu tiên được tổ chức, chiều nay - 19/8 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã phát động Chuyển đổi số NN&PTNT và triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng.

Đây là sự kiện được những người làm nông nghiệp và DN trong lĩnh vực này đặc biệt quan tâm. Bởi từ thời điểm tháng 12/2021, Bộ NNPTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu phát triển kinh tế số nông nghiệp, hình thành nông dân số, nông thôn số.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT nhấn nút phát động Chuyển đổi số NN&PTNT, công bố triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT nhấn nút phát động Chuyển đổi số NN&PTNT, công bố triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng.

Trong đó mục tiêu trước mắt, ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng, và số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến (online). Đồng thời đồng bộ hóa, tích hợp, liên thông dữ liệu của ngành để phục vụ công tác quản lý, điều hành sản xuất.

Cập nhật dữ liệu trực tiếp Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng cho trái thanh long tại đầu cầu trực tuyến ở tỉnh Bình Thuận, Giám đốc Công ty CP Bang Bình Hà Tấn Khoa vui mừng chia sẻ, bước đầu việc đăng ký mã số cũng có khá nhiều thông tin nên DN mất một khoảng thời gian để thao tác. Tuy nhiên, so với làm việc trực tiếp thông qua văn bản, giấy tờ thì đây đúng là một cuộc cách mạng và cung cấp càng nhiều thông tin trên Hệ thống cơ sở dữ liệu càng có lợi cho DN sau này.

Hiện Công ty CP Bang Bình trồng khoảng 900ha thanh long, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 200ha, với sản lượng dự kiến 14.000 tấn. “Khách hàng hiện rất chú trọng vấn đề về chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Khi DN đăng ký mã số vùng trồng thì khách hàng sẽ thuận lợi truy xuất nguồn gốc, từ đó yên tâm mua sản phẩm. Mà khi họ mua càng nhiều thì DN sẽ càng tăng doanh số” – ông Hà Tấn Khoa bày tỏ.

Thực tế, việc cấp mã số vùng trồng có vai trò đặc biệt quan trọng với việc mở rộng đầu ra, nhất là xuất khẩu nông sản. Đơn cử như trường hợp quả vải thiều Bắc Giang. Mặc dù phía Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid, song việc tiêu thụ, xuất khẩu vải vẫn khá thuận lợi, một phần là nhờ vải thiều Bắc Giang đã được cấp mã số vùng trồng và bảo đảm yêu cầu về chất lượng cũng như các chỉ tiêu khác.

Những chuyến xe đầu tiên chở nhãn chín muộn Yên Thế xuất sang thị trường Australia chiều 19/8. Ảnh: Sỹ Quyết
Những chuyến xe đầu tiên chở nhãn chín muộn Yên Thế xuất sang thị trường Australia chiều 19/8. Ảnh: Sỹ Quyết

Được biết, đến nay toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 200 mã số vùng trồng xuất khẩu vải thiều sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan với tổng diện tích hơn 16.000ha. Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã cấp thêm 10 mã vùng trồng cho tỉnh Bắc Giang. Trong đó có 5 mã trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích 61,38ha; 1 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với diện tích 12,06ha; 4 mã xuất khẩu đi Nhật Bản, với tổng diện tích 47,54ha.

Ngoài vải thiều, nhiều loại trái cây khác của Bắc Giang cũng được quan tâm cấp mã số vùng trồng. Đơn cử như trái nhãn được cấp 53 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Australia. Tin vui là chiều 19/8, UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang) tổ chức công bố vùng sản xuất nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, và xuất hành lô nhãn xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Australia.

Hay như tại Hà Nội, thời gian qua, ngành nông nghiệp TP cũng quan tâm, chú trọng tới cấp mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu. Đến nay, Hà Nội đã cấp 22 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu gồm chuối, nhãn và bưởi. Đáng mừng là nhãn muộn của Hà Nội đã đặt chân được tới một số thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…

Xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 4,8 triệu hécta diện tích cây trồng, bao gồm cả cây ăn quả, lúa và cây công nghiệp. Trong đó, có khoảng 4.000 vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Tuy nhiên, để kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, cần phải đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt. Qua đó nâng cao hiệu quả giữa sản xuất, thị trường và người tiêu dùng.

Do vậy, Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cấp, quản lý mã số vùng trồng chính thức đưa vào sử dụng tạo bước đột phá lớn trong lĩnh vực trồng trọt. Theo các chuyên gia, đây chính là nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin chủ động hai chiều giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các DN, hợp tác xã và người nông dân.

Vùng nhãn chín muộn xuất khẩu của Hà Nội đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Ánh Ngọc
Vùng nhãn chín muộn xuất khẩu của Hà Nội đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Ánh Ngọc

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, hệ thống giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin chi tiết về khu vực trồng các loại cây, diện tích, sản lượng, hình thức canh tác, nhật ký canh tác... Qua đó đưa ra những phân tích cho cơ quan quản lý để dự báo dịch bệnh, điều tiết thời vụ, định hướng phát triển cây trồng cho từng khu vực, thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo việc triển khai xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Việc xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng góp phần giải quyết bài toán “đúng, đủ, sạch, sống” trong dữ liệu vùng trồng, thời điểm xuống giống, thu hoạch, sản lượng, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, về yêu cầu của thị trường, về giá cả… Qua đó dần thay đổi phương thức từ quản lý sản xuất nông nghiệp thủ công sang quản lý dựa vào công nghệ số.

“Hệ thống mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc định danh nông sản, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế cũng như lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và DN” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận.

 

Việt Nam đang ở tầng thấp nhất của nền kinh tế nông nghiệp, đó là bán thô nhiều năm trời. Vì vậy, thay đổi tư duy gặp khó khăn vì bị dính rất nhiều "rỉ sét" vào bánh xe, thay đổi cần nhiều thời gian. Nhưng bây giờ chuyến xe, toa tàu đã chính thức chuyển động. Chúng ta đi sau thì phải tăng tốc gấp nhiều lần. Chuyển đổi số là hành trình xuyên suốt, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với các quốc gia khác.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần