Chuyển đổi số trong tác nghiệp báo chí hiện đại - góc nhìn từ báo Kinh tế và Đô thị
Kinhtedothi - Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trở thành một đòi hỏi tất yếu trong tác nghiệp báo chí. Điều này đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí và những người làm báo, mà trước tiên là đội ngũ phóng viên phải thay đổi tư duy.
Mở ra cơ hội mới
Ở một góc nhìn chưa đầy đủ, chuyển đổi số trong tác nghiệp báo chí có thể được hiểu là việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nội dung, phân phối trên các nền tảng như: website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại. Cùng với đó là tạo ra các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ như: quảng cáo trực tuyến, hội viên trả phí…
Tại báo Kinh tế và Đô thị, để thích ứng với chuyển đổi số báo chí, mỗi phóng viên đã và đang nêu cao tinh thần cầu thị, không ngừng học hỏi cách thức sử dụng công nghệ và các công cụ kỹ thuật vào quá trình sản xuất nội dung. Phổ biến nhất là các phần mềm dựng video clip và thiết kế đồ hoạ như CapCut, VivaVideo, Canva, Vbee, Filmora hay Adobe Premiere…
Sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật hiện đại đã bước đầu cho phép các phóng viên của báo Kinh tế và Đô thị sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn bạn đọc, người xem như podcast, video, e-magazine, infographic, lens…

Báo Kinh tế và Đô thị ra mắt Toà soạn hội tụ vào tháng 10/2024.
Nhìn nhận khách quan, việc làm báo trong thời đại công nghệ số có nhiều lợi ích, điển hình như đã thay đổi cách thức phóng viên thu thập thông tin. Trước đây, việc thu thập thông tin đòi hỏi phóng viên phải dành nhiều thời gian để điều tra, gặp gỡ và phỏng vấn nguồn tin trực tiếp.
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, phóng viên của báo Kinh tế và Đô thị hiện có thể sử dụng các công cụ trực tuyến như cơ sở dữ liệu, diễn đàn online hay mạng xã hội để thu thập thông tin. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, đồng thời tăng khả năng tiếp cận nguồn tin đa dạng, phong phú hơn.
Như đã chia sẻ ở trên, thay vì chỉ viết bài báo văn bản truyền thống, các phóng viên có thể sử dụng hình ảnh, video, âm thanh và đồ họa để truyền tải thông điệp một cách sinh động và hấp dẫn hơn. Công nghệ đã cung cấp cho phóng viên nhiều công cụ để biến ý tưởng thành hiện thực. Qua đó, không chỉ làm tăng tính tương tác của nội dung, mà còn thu hút được sự quan tâm lớn hơn của độc giả.
Bên cạnh sản xuất nội dung, chuyển đổi số hiện nay còn giúp các phóng viên dễ dàng quảng bá và phân phối nội dung thông tin của mình trên mạng xã hội và các nền tảng truyền thông khác. Qua đó, đưa thông điệp đến một lượng lớn độc giả tiềm năng.
Phóng viên báo Kinh tế và Đô thị thường xuyên chia sẻ các sản phẩm báo chí trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều nhất là Zalo, Facebook, Twitter, Youtube. Điều này mở ra cơ hội để nội dung thông tin của báo tiếp cận được những nhóm đối tượng rộng lớn, thậm chí là vượt ra khỏi giới hạn địa lý quốc gia.
Làm gì để thích ứng?
Bên cạnh những giá trị mang lại, chuyển đổi số trong tác nghiệp báo chí hiện nay cũng đặt ra không ít thách thức và thực tế vẫn còn những rào cản nhất định. Trong đó nổi cộm là vấn đề “thiếu tự chủ về công nghệ”.
Ví dụ đơn cử như, các phần mềm hỗ trợ tác nghiệp, sản xuất báo chí đa phương tiện như CapCut, VivaVideo, Canva, Vbee… hiện nay về cơ bản vẫn đang được sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, muốn khai thác hết giá trị thì cần kinh phí để nâng cấp chế độ người dùng.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang bước đầu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất thông tin tại báo Kinh tế và Đô thị.
Một số phần mềm đòi hỏi kỹ năng cao và phức tạp hơn khi khai thác như Adobe Priemire hay Filmora. Việc bị phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ trên đặt ra bài toán về nguy cơ “đứt gãy” quy trình sản xuất nội dung một khi tổ chức, doanh nghiệp ngừng cung cấp dịch vụ.
Trước những thách thức đặt ra, đội ngũ người làm báo nói chung và tại cơ quan báo Kinh tế và Đô thị nói riêng, cần nhận thức việc “không ngừng học hỏi để cải tiến nhiều hơn”. Tiếp tục rèn luyện, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để thích ứng với môi trường làm việc số hóa, cùng áp lực cập nhật thông tin liên tục. Bên cạnh đó, cần giữ vững nguyên tắc chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp trong việc sử dụng công nghệ và truyền thông trực tuyến.
Ở một khía cạnh khác, những thay đổi trong tiếp cận thông tin hiện nay đã sinh ra khái niệm mới trong ngành truyền thông là “du mục trong thời đại số”, theo nghĩa: độc giả ở đâu thì báo chí theo đến đó. Muốn phát triển độc giả, đặc biệt là giới trẻ, các tòa soạn phải lao đến các nền tảng mà người đọc (và cả người xem) đang tập trung đông đảo, điển hình như: TikTok, Youtube Shorts, Facebook Reels…
Thời gian qua, nội dung này đã được nhiều cơ quan báo chí, trong đó có báo Kinh tế và Đô thị quan tâm, xây dựng fanpage trên Facebook, đã và đang có những bước phát triển báo chí trên nền tảng Youtube, TikTok. Việc tiếp tục có những định hướng đầu tư phát triển để nâng cao tính khả dụng, khai thác hiệu qủa những nền tảng số này là điều cần thiết.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh các mô hình toà soạn hội tụ, trong đó chú trọng nghiên cứu ứng dụng phù hợp lợi thế của trí tuệ nhân tạo (AI). Đơn cử như tại báo Kinh tế và Đô thị, mô hình đang từng bước được hoàn thiện, bước đầu mang lại những giá trị thông tin khác biệt.
Có thể khẳng định, cùng với yếu tố nguồn lực con người, chuyển đổi số báo chí là một trong những giải pháp quan trọng để các cơ quan thông tấn, báo chí của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung bứt phá, chiếm được vị thế trên đường đua chuyển đổi số báo chí và xứng đáng với những kỳ vọng của công chúng.
Trích dẫn
Báo Kinh tế và Đô thị là tờ báo duy nhất ở Thủ đô được UBND TP Hà Nội lựa chọn triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số điển hình; đồng thời là cơ quan báo chí được Bộ Thông tin - Truyền thông (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đánh giá hạng xuất sắc về chuyển đổi số.

Kiến tạo tương lai mới cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Kinhtedothi – Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) chính là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, và tự chủ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Sửa 7 luật về tài chính, đầu tư: thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số
Kinhtedothi - Ngày 17/5, trình Quốc hội về việc sửa đổi 7 luật liên quan lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc sửa đổi này nhằm tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Xây dựng VNPT thành tập đoàn công nghệ hàng đầu, tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia
Kinhtedothi - Trong hai ngày (25-26/5/2025), Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 với sự tham dự của 219 đại biểu đại diện cho trí tuệ, sự thống nhất ý chí và sức mạnh đoàn kết của gần 4.000 đảng viên. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã dự và chỉ đạo Đại hội. Đây là Đại hội điểm của Đảng bộ Chính phủ.