Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Từ năm 2024, Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia đã có nhiều điểm mới, đặc biệt có thêm 2 nhóm giải mới là Giải Báo chí đa phương tiện và Giải Báo chí sáng tạo. Việc bổ sung nêu trên đã thể hiện sự chủ động bám sát quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển chung của báo chí truyền thông.
Hội nghị nhằm giới thiệu và chia sẻ những điểm mới của Điều lệ Giải Báo chí quốc gia sửa đổi năm 2024, những kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số nhằm sáng tạo sản phẩm báo chí chất lượng cao, cũng như những nội dung cần thiết để tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung…
Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu của báo chí chất lượng cao
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết những năm gần đây, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp báo chí, truyền thông.
Sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của chuyển đổi số đã thay đổi tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo để tạo ra các tác phẩm báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện.
Thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như định hướng thông tin và định hướng dư luận.
Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Cần Thơ mong muốn, trong thời gian tới, báo chí khu vực phía Nam nói riêng, báo chí cả nước nói chung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện; ứng dụng dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo trong hoạt động báo chí, truyền thông, đặc biệt trong các hoạt động sáng tạo các tác phẩm.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí vừa “hồng” vừa “chuyên”, bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại, tập trung vào trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của nhà báo, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại"...
Cập nhật xu thế mới trong làm báo
Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử (Báo Nhân Dân) Ngô Việt Anh chia sẻ, đổi mới và phát triển tòa soạn theo mô hình “báo chí-công nghệ” (media-tech) là con đường hình thành cơ quan báo chí đa phương tiện.
Theo ông Ngô Việt Anh, mô hình “cơ quan báo chí-công nghệ” là xu hướng mà nhiều tập đoàn báo chí lớn như New York Times, Washington Post, Wall Street Journal (Mỹ), South China Morning Post ( Hong Kong, Trung Quốc)... đang hướng tới. Trong đó, New York Times tiên phong đổi mới công nghệ bằng giá trị cốt lõi, thế mạnh nền tảng là kho tàng nội dung không giới hạn; tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, các sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu mới của độc giả, đặc biệt trên thiết bị di động.
Theo ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ, báo chí đa phương tiện là sự kết hợp các ngôn ngữ báo chí như văn bản, đồ họa, hình ảnh, âm thanh, video thậm chí là livestream. Song, việc kết hợp này phải được thực hiện một cách chất lượng, sáng tạo để nâng cấp báo chí đa phương tiện chứ không chỉ là phép cộng của các ngôn ngữ.
Ông Trung cho rằng, có thể đúc kết báo chí đa phương tiện chất lượng cao cần phát huy thế mạnh của "3 đa" và "3 truyền". Cụ thể "3 đa" gồm đa ngôn ngữ (không chỉ ngôn ngữ chữ viết, hình ảnh, đồ họa mà còn ngôn ngữ mới như audio, video, thậm chí là livestream), đa loại hình (báo in, báo mạng, báo nói, báo hình, thậm chí kết hợp các thể loại này với nhau), đa nền tảng (xuất bản trên giấy, trên mạng gồm web và app).
"3 truyền" gồm truyền thông tin kịp thời, chính xác cho công chúng và truyền thông điệp rõ ràng công chúng cảm nhận đầy đủ qua dẫn chứng, phân tích và các giải pháp tích cực. Thứ 3 là "truyền cảm hứng", làm sao cho công chúng tiếp nhận và hành động cùng với những thông điệp mà chúng ta muốn truyền đi cho công chúng.