Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chuyển đổi số y tế: Tiến tới bệnh viện thông minh và sự hài lòng của người bệnh

Kinhtedothi - Thể chế hóa các quan điểm của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô 2024 đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Kỳ vọng “vực dậy” y tế cơ sở

Thời gian qua, nhờ ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả, ngành y tế Thủ đô đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, từng bước hiện đại hóa, hướng tới mô hình bệnh viện (BV) thông minh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để phục vụ người dân tốt hơn, mang lại sự hài lòng người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Mê Linh triển khai khám bệnh tự động, nhận diện khuôn mặt. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, để tăng cường hỗ trợ cho BV tuyến dưới, Sở đã triển khai thí điểm mô hình “BV Chị - Em” giữa BV Đa khoa Xanh Pôn và các đơn vị y tế tuyến huyện, xã tại huyện Ba Vì. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp “vực dậy” y tế cơ sở tại huyện Ba Vì, bao gồm cả BV và Trung tâm Y tế (TTYT) huyện.

Với sự hỗ trợ của BV tuyến trên, BV Đa khoa Ba Vì đã nâng số lượt khám, chữa bệnh (KCB) mỗi ngày lên 130%. Trước đây mỗi ngày có khoảng 1.000 - 1.200 lượt người KCB; đến nay, mỗi ngày BV tiếp đón khoảng 1.500 lượt bệnh nhân. Nhiều kỹ thuật hiện đại đã được chuyển giao và các y, bác sĩ đã làm chủ các kỹ thuật này và triển khai thường quy tại đơn vị.

BV Đa khoa Xanh Pôn và Đức Giang đã ghi những dấu ấn đặc biệt trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam. TS Nguyễn Đức Long - Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết, để chuẩn bị cho ca lấy tạng, BV Hữu nghị Việt - Đức đã hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán chết não và ghép tạng cho BV Đa khoa Xanh Pôn. Tương tự, BV Đa khoa Đức Giang là BV thứ hai của Thủ đô ghi tên vào bản đồ ghép tạng Việt Nam, được đào tạo, chuyển giao từ các chuyên gia BV Quân y 103. Đến nay, BV Đức Giang đã thực hiện thành công 10 ca ghép thận.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Việc xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình rất cần thiết. Các bác sĩ gia đình sẽ phụ trách hồ sơ sức khỏe, nắm được tình hình sức khỏe của từng gia đình, qua đó phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Luật Thủ đô 2024 quy định về việc sử dụng quỹ BHYT để phát triển hoạt động KCB y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí BHYT được giao dự toán cho TP, phù hợp với các quy định của Luật KCB.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

Bộ Y tế cũng đã lựa chọn Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử; sổ sức khỏe điện tử phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Từ cuối năm 2023 đến nay, TP có 8,2 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử được chuẩn hóa dữ liệu… Hiện Hà Nội có hơn 3 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử đã đủ 46/46 trường thông tin, khoảng 7,8 triệu hồ sơ gần đầy đủ các trường thông tin theo quyết định của UBND TP.

Hà Nội cũng có 13 BV hoàn thành bệnh án điện tử đã được đăng tải công khai. Trong đó, có 10 BV công lập và 3 BV tư nhân, đứng trong top 3 địa phương dẫn đầu cả nước về triển khai bệnh án điện tử. 100% các BV đã triển khai phần mềm HIS, kết nối dữ liệu KCB và thanh toán BHYT với cơ quan BHXH TP; 37/42 (88%) BV đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 27/42 (64%) BV trang bị hệ thống RIS-PACS trong công tác KCB.

Ngoài ra, 30 TTYT quận, huyện, thị xã đã thực hiện sàng lọc, khám phát hiện, quản lý điều trị bệnh tim mạch - tăng huyết áp, đái tháo đường. Năm 2024 đã thực hiện gần 3 triệu lượt khám tại y tế cơ sở, phát hiện mới 46.327 người tiền tăng huyết áp, 12.726 người tăng huyết áp; trên 370.000 người bệnh được quản lý, điều trị (96,6%). Hơn 29.100 người tiền đái tháo đường được quản lý can thiệp dự phòng; số người bệnh được quản lý, điều trị là 118.007 người; 11.781 người thừa cân béo phì được tư vấn kiểm soát... TTYT Sóc Sơn là một điển hình thành công trong triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại y tế cơ sở với số lượng thẻ BHYT gần 230.000, đã KCB cho gần 500.000 lượt người.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP đã hỗ trợ các quận, huyện, thị xã đầu tư, nâng cấp y tế cơ sở từ nguồn ngân sách TP với tổng số 198 dự án (9 TTYT, 11 phòng khám đa khoa và 178 TYT), trong đó hoàn thành 106 dự án, 63 dự án đang triển khai.

Chính sách mang tính đột phá

Hà Nội được xem là TTYT lớn nhất cả nước với mạng lưới các BV chuyên sâu tuyến cuối do Bộ Y tế quản lý gồm 4 BV đa khoa và 15 BV chuyên khoa. Bên cạnh đó, còn có các BV thực hành thuộc trường đại học và học viện.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế nhìn nhận, Luật Thủ đô 2024 định hướng sự phát triển đồng bộ, cân đối và bảo đảm tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia (do Bộ Y tế quản lý) và mạng lưới cơ sở y tế địa phương (do TP Hà Nội quản lý).

Trong tổng thể hệ thống y tế quốc gia, các BV tuyến T.Ư đã chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho các BV tuyến dưới góp phần nâng đỡ sự phát triển của hệ thống y tế các địa phương, đặc biệt là các khu vực khó khăn.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cũng cho rằng, một điểm hết sức quan trọng khác trong Luật Thủ đô 2024 là việc mở rộng ưu tiên cho một số lĩnh vực của hệ thống y tế vốn được đánh giá có thể mang lại nhiều lợi ích cho công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Nội dung này vốn trước kia chưa có điều kiện quan tâm đúng mức, bao gồm phát triển mạng lưới KCB y học gia đình và hệ thống cấp cứu ngoại viện.

Điều đáng chú ý là nội dung ưu tiên phát triển này không chỉ dừng ở mức xác định định hướng chung mà đã xác định cụ thể chiến lược hỗ trợ phát triển cả 2 khía cạnh là cung dịch vụ (hỗ trợ đầu tư, thủ tục hành chính, phát triển nhân lực) và cầu dịch vụ (sử dụng ngân sách địa phương để thanh toán một số dịch vụ KCB y học gia đình chưa được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, gồm quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn, tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện).

Đây là những nội dung ưu tiên mà Bộ Y tế đã xác định trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân cũng như chiến lược đổi mới mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Và Hà Nội với Luật Thủ đô 2024 được mong chờ sẽ đi đầu trong việc triển khai thực hiện.

“Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Nhân dân Hà Nội triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân theo những định hướng đã xác định trong Luật Thủ đô 2024. Trong đó, Bộ Y tế đặc biệt chú trọng sự kết nối, tương hỗ, bổ trợ hiệu quả giữa các BV T.Ư do Bộ Y tế quản lý và các cơ sở y tế do Hà Nội quản lý” - PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nhấn mạnh.

Luật Thủ đô 2024 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế, tạo chuyển biến tích cực cho Hà Nội.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Biện pháp giúp cơ thể phục hồi nhanh khi bị cúm

Biện pháp giúp cơ thể phục hồi nhanh khi bị cúm

06 Apr, 06:40 AM

Kinhtedothi - Cảm cúm là một trong những bệnh lý đường hô hấp thường gặp, gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Thời gian hồi phục của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sức đề kháng, loại virus gây bệnh và cách chăm sóc bản thân. Dưới đây là cách phục hồi nhanh hơn sau khi bị cúm.

9 loại nước tuyệt đối không đựng trong bình giữ nhiệt vì cực độc

9 loại nước tuyệt đối không đựng trong bình giữ nhiệt vì cực độc

06 Apr, 06:36 AM

Kinhtedothi - Dù đi làm hay đi học, bình giữ nhiệt cũng là vật dụng tiện ích để mang theo đựng nước ấm. Nhưng không phải thứ nước nào cũng có thể đựng vào bình giữ nhiệt, nếu làm sai không chỉ làm hỏng bình mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Dưới đây là những loại nước tuyệt đối không nên đựng trong bình giữ nhiệt, giúp bạn bảo vệ sức khỏe cũng như duy trì độ bền cho vật dụng này.

3 tháng, Hà Nội tiếp nhận hơn 72.000 đơn vị máu

3 tháng, Hà Nội tiếp nhận hơn 72.000 đơn vị máu

04 Apr, 08:08 PM

Kinhtedothi - Ngày 4/4, tại Viện Huyết học  - Truyền máu T.Ư, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Hà Nội tổ chức chương trình Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (HMTN) 7/4; phát động Tháng Nhân đạo năm 2025 và tổng kết phong trào “Tết Nhân ái” 2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ