Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp xây dựng hướng tới môi trường

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Kinh nghiệm từ ngành Công Thương

Trong khuôn khổ hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp - Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải” vừa được Báo Xây dựng phối hợp cùng Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (Visa) tổ chức, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, thực hiện cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) luôn phải thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, từng bước thay thế nguyên vật liệu gây phát thải khí nhà kính; giảm, thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sớm nhất có thể.

Dây chuyền sản xuất gạch không nung.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung.

Ngành Xây dựng đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất là phát thải từ quá trình công nghiệp gọi tắt là IP (phát thải khí nhà kính thông qua các phản ứng hóa học) trong sản xuất VLXD, phần lớn là sản xuất xi măng, khí nhà kính phát thải trong quá trình nung clinker.

Nguồn phát thải thứ hai từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hóa thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại gọi là phát thải trực tiếp, thuộc nhóm phát thải năng lượng.

Sản xuất VLXD, xi măng sử dụng năng lượng và lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, đất sét. Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Việc giảm nhu cầu sử dụng điện trong hoạt động sản xuất sẽ đóng góp vào giảm nhu cầu sản xuất năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Việc đạt được tính bền vững là một hành trình dài và đầy thách thức, mỗi doanh nghiệp cần vạch ra lộ trình rõ ràng và cụ thể để tối ưu nguồn lực và nắm bắt cơ hội. Việc thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính được xem là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp nhận định số liệu phát thải của bản thân, từ đó làm cơ sở để nhà quản trị hoạch định chiến lược giảm phát thải bền vững.

Chia sẻ về kinh nghiệm của ngành Công Thương, ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho biết, kiểm kê khí thải nhà kính có thuận lợi là ở tính bắt buộc với căn cứ pháp lý đầy đủ; nhu cầu của doanh nghiệp và có hướng dẫn của quốc tế về kiểm kê và báo cáo thẩm định - MRV (IPCC, WRI, ISO). Thêm vào đó là khó khăn, hạn chế về nguồn lực con người và tài chính; hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn và số liệu khiếm khuyết, chưa đồng bộ.

Theo ông Hoàng Văn Tâm, phải hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu (BĐKH); Nâng cao nhận thức của các bên có liên quan; Từng bước nâng mức độ, yêu cầu đối với kiểm kê khí nhà kính và đào tạo, tập huấn kiểm kê khí nhà kính cho các bên liên quan.

Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu giảm thiệt hại do tác động của BĐKH; Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, các tác động tiêu cực của BĐKH; Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình, hạ tầng cơ sở công nghiệp, thương mại, năng lượng; Lồng ghép các vấn đề BĐKH trong các quy hoạch, chiến lược.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế và triển khai các giải pháp về đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực kết hợp các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về BĐKH và tăng trưởng xanh ngành Công Thương, cũng như triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khí nhà kính của ngành và cơ sở, phối hợp với cơ quan đầu mối của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan triển khai các chương trình, nhiệm vụ về ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh.

Xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính

PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành VLXD ưu tiên. Theo số liệu kiểm kê, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2 tương đương.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT.

Trong đó, phát thải lớn nhất là sản xuất xi măng, năm 2014 phát thải 47,64 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 91,93 triệu tấn CO2 tương đương; sản xuất gạch xây nung năm 2014: phát thải 5,73 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 4,22 triệu tấn CO2 tương đương; sản xuất vôi công nghiệp năm 2014: phát thải 4,1 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 2,9 triệu tấn CO2 tương đương.

Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014. Tỷ trọng này tăng lên khoảng 90% vào năm 2022. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm sản xuất xi măng là cao nhất. Sản xuất gạch ốp lát, kính xây dựng phát thải khí nhà kính là không lớn nhưng cường độ phát thải của sản xuất kính và vôi là tương đối cao.

Tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính và đến năm 2026 bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng quota trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

Theo rà soát của Bộ TN&MT, năm nay sẽ trình Chính phủ bản cập nhật Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, trong đó đã bổ sung một số cơ sở sản xuất gạch, kính xây dựng vào danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, văn bản dự kiến ban hành đầu năm 2024.

Để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp sản xuất VLXD nói riêng, ngành công nghiệp nói chung, cần có các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa ngành công nghiệp sản xuất VLXD, xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng, góp phần xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam.

Theo PGS.TS Vũ Ngọc Anh, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030 của Bộ Xây dựng đã được ban hành, trong đó có nhiệm vụ ưu tiên về kiểm kê khí nhà kính, thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính… cần phải triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhằm đảm bảo quy định pháp luật về kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất VLXD.

Với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế và tư vấn trong nước, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vVLXD, đồng thời Bộ đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Dự kiến, văn bản sẽ ban hành vào năm 2024.