Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Làm chủ công nghệ - bài toán cấp thiết với ngành xây dựng

Kinhtedothi - Trong bối cảnh ngành xây dựng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về quy mô, việc làm chủ công nghệ thi công và thiết bị xây dựng đang trở thành bài toán cấp thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các DN xây dựng trong nước vẫn đang phụ thuộc vào máy móc, công nghệ và nguồn lực kỹ thuật từ nước ngoài.

Phụ thuộc lớn

Theo số liệu thống kê, trên 80% thiết bị phục vụ thi công các công trình xây dựng tại Việt Nam hiện nay được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Những loại máy móc có kỹ thuật cao như cẩu tháp, máy ép cọc tĩnh, máy trộn bê tông tự động, hệ thống thi công ngầm đều chưa được sản xuất trong nước hoặc chỉ sản xuất ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu.

Doanh nghiệp ngành xây dựng thi công một dự án trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Không chỉ thiết bị, công nghệ thi công tiên tiến như BIM (Building Information Modeling), kỹ thuật in 3D, thi công mô - đun, vật liệu thông minh cũng chủ yếu do các nhà thầu nước ngoài triển khai. Tại các dự án trọng điểm như tuyến metro đô thị, sân bay quốc tế Long Thành..., vai trò công nghệ chủ chốt thường do tổng thầu nước ngoài đảm nhiệm, còn DN Việt Nam chỉ làm các phần việc phụ trợ hoặc nhân công.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng phụ thuộc là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Trong những năm gần đây, các trường đại học trong và ngoài nước liên tiếp mở các khóa học phần mềm quản lý mô hình thông tin (BIM) chuyên nghiệp, nhiều chứng chỉ BIM ra đời. Tuy nhiên, số lượng nhân lực BIM hoặc công nghệ số hóa trong giám sát và điều hành công trình hiện tại theo đánh giá vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của các DN tư vấn và xây dựng, đặc biệt là các nhân sự liên quan đến quản lý quá trình thực hiện. Tại nhiều DN, việc đào tạo nhân sự về công nghệ mới còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu và không đồng bộ. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, tỷ lệ này đã đạt trên 70%, góp phần giúp DN nội địa làm chủ các dự án lớn một cách độc lập.

Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc một DN khởi nghiệp công nghệ vật liệu xây dựng xanh chia sẻ, công ty luôn muốn đầu tư vào công nghệ mới nhưng chi phí ban đầu rất lớn và rủi ro cao. Nếu không có sự hỗ trợ về chính sách và nguồn lực từ Nhà nước, DN nhỏ và vừa rất khó theo kịp các yêu cầu công nghệ hiện đại. “Chúng tôi cần một hệ sinh thái hỗ trợ, nếu không có cơ chế tài chính, ưu đãi thuế, quỹ hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển hay chính sách nội địa hóa thiết bị, thì DN không thể một mình "đánh nhau" với công nghệ nhập khẩu vốn đã quá mạnh” - ông Trần Minh Tuấn cho biết.

Dù vậy, thời gian gần đây, một số DN trong nước đã bắt đầu chuyển mình. Các công ty lớn như Coteccons, Hòa Bình, Phúc Khang đã ứng dụng BIM và công nghệ quản lý số vào các dự án quy mô vừa và lớn. Nhiều DN trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ xây dựng cũng đang từng bước thử nghiệm các giải pháp tiết kiệm năng lượng và vật liệu xanh. Mặt khác, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình chuyển đổi số ngành xây dựng đến năm 2025, định hướng đến 2030, trong đó khuyến khích ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn, mô hình thông tin công trình, và công nghệ thi công tự động vào thực tế.

Cần chiến lược làm chủ công nghệ

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn “thi công theo công nghệ người khác”, ngành xây dựng Việt Nam không thể chỉ kỳ vọng vào nỗ lực đơn lẻ của một vài DN tiên phong. Thực tiễn đòi hỏi một chiến lược làm chủ công nghệ mang tính quốc gia, có định hướng, có cơ chế, và có sự phối hợp giữa Nhà nước – DN – cơ sở đào tạo.

Theo các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực xây dựng hiện còn rất hạn chế. Một chương trình đầu tư R&D chuyên biệt cần được xây dựng với trọng tâm phát triển công nghệ thi công mới phù hợp điều kiện Việt Nam, nghiên cứu vật liệu xanh, vật liệu thông minh, và ứng dụng mô hình số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý công trình. Thiếu R&D đồng nghĩa với việc ngành xây dựng Việt Nam chưa thể tự tạo ra công nghệ thi công phù hợp với điều kiện địa chất – khí hậu đặc thù; chưa có hệ sinh thái vật liệu mới do chính người Việt làm chủ; và càng khó ứng dụng các công nghệ số như AI, BIM, IoT vào vận hành công trình.

KTS Ngô Tâm - Công ty CP Tư vấn xây dựng COVIC cho rằng, dù đối mặt nhiều hạn chế, nhưng thực tế đã xuất hiện các dự án cho thấy khả năng nội địa hóa công nghệ hoàn toàn nằm trong tầm tay. Tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội là ví dụ điển hình với kỹ sư Việt Nam trực tiếp vận hành máy đào hầm TBM thay vì thuê trọn gói chuyên gia nước ngoài. Phần mềm giám sát thi công và an toàn cũng do các DN trong nước phát triển. Tại hai dự án thủy điện lớn là Sơn La và Lai Châu, nhiều công đoạn thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống cơ – điện đã được DN Việt như Lilama, Sông Đà đảm nhiệm. Đây được xem là bước ngoặt giúp nội địa hóa công nghệ thi công thủy điện quy mô lớn. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, dự án điện mặt trời TTC số 1 (Tây Ninh) đã chứng minh khả năng làm chủ về thiết kế, thi công và quản lý vận hành của đội ngũ kỹ sư trong nước.

Chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết, ngành xây dựng Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Việc lựa chọn tiếp tục phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài hay chủ động đầu tư để làm chủ kỹ thuật và thiết bị không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, mà còn quyết định đến vị thế của ngành trong dài hạn. Do vậy cần có các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và thành lập quỹ đổi mới công nghệ ngành xây dựng để khuyến khích DN áp dụng và làm chủ công nghệ mới. Mạng lưới liên kết giữa nhà trường, viện nghiên cứu và DN là giải pháp trọng điểm để đào tạo kỹ sư công nghệ cao, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế thi công. Các dự án sử dụng vốn Nhà nước cần đặt ra tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu và ưu tiên công nghệ trong nước đạt chuẩn nhằm tạo động lực phát triển công nghệ và công nghiệp hỗ trợ trong nước. "Làm chủ công nghệ không chỉ là một khẩu hiệu mang tính tự hào. Đó là điều kiện bắt buộc để Việt Nam có thể xây dựng những công trình chất lượng cao, an toàn, và bền vững – do chính người Việt thiết kế, thi công và điều hành. Khi công nghệ nằm trong tay mình, chúng ta mới thực sự là người chơi trong ngành xây dựng toàn cầu. Còn nếu chỉ biết sử dụng công nghệ của người khác, thì mãi mãi chỉ là người theo sau" - ông Phạm Ngọc Trung nhận định.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Các nền kinh tế phát triển cũng có xu hướng đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D) xét theo tỷ trọng so với GDP. Tại Hàn Quốc, chi tiêu cho R&D từ năm 2009 luôn trên 3% GDP và vượt lên 4% GDP từ năm 2016. Năm 1996, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc chỉ ở mức dưới 1% GDP nhưng đến năm 2020, con số này đã đạt 2,4% GDP. Bên cạnh đó, Mỹ, Đức và Nhật Bản cũng thường xuyên chi cho R&D nhiều hơn mức trung bình của thế giới.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng

Chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng

11 Jun, 09:18 PM

Kinhtedothi - Tại Văn bản số 671/TTg-QHĐP ngày 11/6/2025, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan như đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng.

Dốc toàn lực để về đích dự án cải tạo Quốc lộ 14E

Dốc toàn lực để về đích dự án cải tạo Quốc lộ 14E

11 Jun, 12:56 PM

Kinhtedothi - Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam đều cho rằng dự án cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 14E đang bước vào giai đoạn nước rút nên các đơn vị cần khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tập trung nguồn lực để thi công.

Rõ tiêu chí, cơ chế để tránh lãng phí

Rõ tiêu chí, cơ chế để tránh lãng phí

10 Jun, 06:00 AM

Kinhtedothi - Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt và đúng quy định trong xử lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm lãng phí, thất thoát. Trong đó, việc xây dựng các cơ chế, hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo hướng minh bạch và thống nhất sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn.

TP Hồ Chí Minh xem xét 565 khu đất để phát triển nhà ở

TP Hồ Chí Minh xem xét 565 khu đất để phát triển nhà ở

09 Jun, 05:37 PM

Kinhtedothi - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức tiến hành thu thập thông tin, số liệu liên quan đến danh mục các vị trí đất dự kiến phát triển nhà ở và khu đô thị trên địa bàn TP.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ