Chuyên gia Anh nhận định về dấu ấn của Đảng trong xây dựng đường lối đối ngoại Việt Nam

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "90 năm qua, ĐCSVN đã có nhiều bước tiến vượt bậc, nhưng không thể có được nếu thiếu hai yếu tố là “hy sinh” và “đấu tranh” suốt quãng đường đó".

TS Nicholas Chapman chia sẻ với báo Kinh tế&Đô thị quan điểm về quá trình hình thành và phát triển cũng như những thành tựu lo lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam qua 90 năm qua (3/2/1930-2020).

Quãng đường thăng trầm

Việc thành lập ĐCSVN vào năm 1930 đem lại niềm hy vọng lớn lao vào thời điểm đó. Chính quyền thực dân Pháp bắt đầu xem ĐCSVN ngày càng là mối đe dọa đối với sự cai trị và bắt đầu đàn áp, đem đến những thách thức đầu tiên.

Trải qua suốt cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, con đường hoạt động của ĐCSVN kinh qua nhiều thăng trầm và đạt thành tựu lớn khi góp phần vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám nổi tiếng năm 1945 và bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2/9. Đó cũng là thời điểm đánh dấu sự trừng phạt to lớn với thực dân Pháp.

Việt Nam sau đó đạt được những thành tựu “không tưởng”, từ đánh đuổi đế quốc Mỹ đến thống nhất đất nước. Nhưng ĐCSVN tiếp tục phải trải qua một thời gian khó khăn với nhiệm vụ phải vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm hứng chịu bom đạn chiến tranh với Kế hoạch 5 năm đầu tiên. Hơn nữa, sự cảm thông quốc tế đối với Việt Nam trong chiến tranh lúc đó không ngay lập tức trở thành hỗ trợ. Có rất ít hoặc hầu như không có sự hỗ trợ nào ngoài Khối Xô Viết. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và sau đó là Chiến tranh biên giới phía Bắc tựu chung với các vấn đề kinh tế đem lại mối đe dọa từ các thế lực bên ngoài nghiêm trọng, đặt ra nhiều thách thức cho ĐCSVN.

Phong trào Đổi mới sau đó đã đem đến diện mạo mới cho nền kinh tế Việt Nam. Sự kết thúc của cuộc chiến biên giới Tây Nam, và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc tạo đà kích thích kinh tế phát triển nhưng ĐCSVN lúc đó lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi đồng minh lâu năm - Liên Xô, đột ngột sụp đổ, gây tổn thất to lớn. Cũng chính phong trào Đổi Mới đã giúp Việt Nam vượt qua “cơn bão” này.

Một trong những thành công gần đây nhất của ĐCSVN là tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua Singapore trong 10 năm nữa với vai trò là nền kinh tế lớn nhất là Đông Nam Á. Không có nghi ngờ rằng đây là một thành tích chưa từng có. Điều này một phần to lớn nhờ có sự dẫn dắt và lập kế hoạch ổn định của Đảng.

Như vậy, có thể nói con đường 90 năm của ĐCSVN có nhiều bước tiến vượt bậc, nhưng không thể có được nếu thiếu hai yếu tố là “hy sinh” và “đấu tranh” suốt quãng đường dài đó.

Nền tảng xây dựng đường lối đối ngoại

Những thành tựu đặc biệt nổi bật trong quá trình hình thành và phát triển kéo dài 9 thập kỷ của ĐCSVN đó là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước; tiếp tục hoạt động sau khi Liên Xô sụp đổ và góp phần là nền tảng dẫn dắt Việt Nam từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá vào cuối thập niên 70 - đầu thập niên 80 để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á.

Trong những thành tựu đó, ĐCSVN cũng đem lại nền tảng vững chắc trong việc xây dựng đường lối đối ngoại của Việt Nam. Trong những năm gần đây, với việc Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng giữ chức vụ Phó thủ tướng chính phủ, ĐCSVN đã theo sát và góp phần điều hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam, mang lại một bộ mặt thân thiện với quốc tế và cởi mở với mọi quốc gia trên thế giới, bất kể sự khác biệt về hệ tư tưởng chính trị hay mô hình kinh tế. Việc Việt Nam được chọn để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai là minh chứng cho điều này.

Hơn nữa, ĐCSVN đã cho thấy khả năng thích ứng và cách tiếp cận thực tế để đối phó với các mối đe dọa an ninh, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, trở thành nền tảng giúp Việt Nam mở rộng cơ sở hợp tác quốc tế mà không đối kháng trực diện với Trung Quốc, ngay cả trước các chiến thuật xâm lược của Trung Quốc.

Do đó, có thể nói rằng vai trò của ĐCSVN trong định hình đường lối đối ngoại  khi xây dựng một chiến lược đối ngoại ổn định, đặt đánh giá thực tiễn vào trung tâm của các quyết sách đối ngoại của đất nước.

Nicholas Chapman là nhà nghiên cứu người Anh hiện làm việc tại Nhật Bản. Ông nhận bằng Tiến sĩ Quan hệ quốc tế của Đại học quốc tế Nhật Bản. Nghiên cứu của ông liên quan tới các vấn đề an ninh quốc tế và nội chính của các nước châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần