Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia dinh dưỡng nói gì về nồi cơm tách đường?

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, trên thị trường, các trang mạng xã hội đồng loạt quảng cáo nồi cơm điện tách đường dành cho những người bệnh tiểu đường, ăn kiêng, béo phì, người muốn kiểm soát cân nặng… Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, dinh dưỡng, thì đây chỉ là "trò bịp" người tiêu dùng.

Nồi cơm điện được quảng cáo có tác dụng đặc biệt tách đường trong gạo dành cho những người bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa
Đánh trúng tâm lý người tiêu dùng
Theo lời quảng cáo trên YouTube cũng như trên nhiều đài phát thanh, truyền hình, nấu cơm bằng loại nồi này, có thể tách được 20 – 30% lượng đường trong cơm mà vẫn giữ lại các chất dinh dưỡng. Nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện tử tách đường được thực hiện thông qua 4 bước:
Bước 1: Gia nhiệt: Khi gạo được nấu trong môi trường nước với nhiệt độ vừa phải nhất, giúp loại bỏ nhiều nhất lượng đường từ tinh bột xấu mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng của cơm.
Bước 2: Phân tách hoàn toàn tự động: Giúp kiểm soát được nhiệt độ, làm giảm lượng Amylopectin tự phân tách ra khỏi từng hạt gạo và vẫn giữ được hàm lượng Amylose trong gạo.
Bước 3: Loại bỏ nhờ hệ thống thoát nước thông minh được tích hợp trong nồi cơm điện tách đường sẽ tự động loại bỏ và ngăn hoàn toàn nước và tất cả tinh bột tiêu hóa nhanh trở lại vào cơm.
Bước 4: Làm chín gạo và tạo ra phần thơm ngon và an toàn cho người dùng.
Những lời quảng cáo trên đã đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt những người mắc bệnh tiểu đường, người ăn kiêng. Do vậy, không ít người tiêu dùng đã sẵn sàng “rút hầu bao” để mua nồi cơm tách đường về sử dụng, song chất lượng và tính năng của sản phẩm có đúng như quảng cáo thì ít ai biết.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, người tiêu dùng không nên quan tâm tới lời quảng cáo mà chỉ quan tâm đến chất lượng cuộc sống, vấn đề dinh dưỡng và kiểm soát chế độ ăn uống cho người bệnh tiểu đường.
Đừng tin lời quảng cáo
Theo TS Hưng, bất cứ ai cũng cần ăn đủ chế độ dinh dưỡng bao gồm các chất đường, đạm, chất béo, chất xơ và vitamin. Nếu những người bị tăng đường huyết cần giảm lượng đường, chỉ cần giảm ½ khẩu phần tinh bột hàng ngày thay bằng rau, củ và trái cây, chứ cũng không nên kiêng khem một cách thái quá. Vì kiêng quá kỹ sẽ dẫn đến những biến chứng của bệnh tiểu đường.
Cơm khi được chứa 50% gluxit phức hợp dưới dạng tinh bột amidon vào đường tiêu hóa sẽ được các men tiêu hóa như amylase... thủy phân thành đường đơn glucose để được hấp thụ thấm vào máu tĩnh mạch cửa. Các đường đơn này được dự trữ ở gan dưới dạng glycogen, để dùng dần giữa các bữa ăn trong ngày, lấy làm năng lượng cho tế bào cơ và não sử dụng trong mọi hoạt động. Như vậy, khi thiếu hụt tinh bột, cơ thể không thể sản xuất đường cung cấp năng lượng phục vụ cho mọi hoạt động. Đây chính là một trong những yếu tố gây hạ đường huyết, chóng mặt, hoa mắt.
Bệnh nhân tiểu đường thường có tâm lý hạn chế cơm gạo, vì cho rằng chúng chứa nhiều tinh bột làm tăng đường huyết. Tuy nhiên quan điểm này không thực sự chính xác. Thực tế, người bệnh tiểu đường vẫn cần ăn cơm nhưng hạn chế số lượng. Ngoài cơm, người bệnh có thể nạp tinh bột từ nhiều nguồn thực phẩm khác như: Bánh giò, bún, phở, hay các loại bánh làm từ bột gạo. Người bệnh có thể thoải mái ăn các loại thực phẩm này bởi quá trình lọc gan trong cơ thể sẽ làm mất lượng đường trong gạo. Hoặc người bệnh có thể sử dụng các thực phẩm nguyên hạt như gạo nứt, hạt nảy mầm để tận dụng được các chất xơ cũng như giá trị dinh dưỡng của nó.
BS Hưng cũng khuyến cáo, cơm gạo là nguồn cung cấp vitamin B dồi dào, rất quan trọng với sức khỏe. Việc xay xát gạo quá kỹ hay vo gạo thật sạch trước khi nấu làm mất lớp vỏ vitamin B bên ngoài, khi cơ thể ăn vào sẽ hấp thụ lượng tinh bột nhiều hơn. Nhiều người không biết rằng gạo càng trắng thì lượng tinh bột hấp thụ khi ăn càng nhiều hơn. “Do đó, người dân không nên xát gạo quá trắng, không nên vo gạo quá sạch. Người bệnh tiểu đường không nên bỏ cơm mà chỉ ăn với lượng vừa phải, ăn nhiều rau xanh, chất xơ để đảm bảo dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết” - chuyên gia khuyến nghị.
Đồng quan điểm, TS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, đối với người bệnh tiểu đường được khuyên không dùng đường đơn, hạn chế ăn carbohydrate, thậm chí có lời khuyên ăn chế độ low carb...
Tuy nhiên, về khoa học dinh dưỡng khuyên những người bị tiểu đường nên ăn cân đối giữa các chất sinh nhiệt (đạm, đường, béo). Trong một số bệnh lý người ta khuyên hạn chế ăn cái này hay cái kia chứ không ai khuyên kiêng ăn chất này hay chất nọ vì mỗi chất dinh dưỡng đều có vai trò nhất định của nó đối với cơ thể. Nếu ăn kiêng đường, các nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn low carb hay high cab (khi tổng lượng carbohydrate <40% hay >70% tổng năng lượng) đều gia tăng nguy cơ tử vong hơn nhóm chế độ ăn bình thường.
Cũng theo TS Ngữ cho rằng, khi nấu cơm thì nước cơm vẫn được cho là bổ dưỡng. Còn với nồi cơm điện tách đường không có bộ phận làm chuyển hóa đường có trong gạo sang chất khác. “Khi nấu giả sử do bốc hơi hay “rút nước đáy" thì cơm nấu bằng nồi này mất đường thì mất cả chất dinh dưỡng khác nên cơm này cũng không còn giá trị dinh dưỡng” - TS Từ Ngữ chỉ rõ.
Theo một số chuyên gia, đối với những người bệnh tiểu đường, đừng quá tin vào lời quảng cáo, mua những sản phẩm này sử dụng mà bỏ qua chế độ ăn ít tinh bột đã được bác sĩ khuyến cáo, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát đường huyết của người bệnh tiểu đường.