Chuyên gia Mỹ lý giải chiến thắng của Donald Trump

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài ngày sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS Larry Berman, Trường Đại học Georgia, Mỹ) về kết quả bất ngờ này.

Xin GS. có thể cho biết nhận định về cuộc bầu cử Mỹ năm nay với chiến thắng của ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump?
Đây là cuộc bầu cử để mang đến thay đổi cho nước Mỹ, và ông Donald Trump đúng là một ứng viên lý tưởng cho ”sứ mệnh” này. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton chưa tạo được viễn cảnh hay lý do để người Mỹ tin tưởng bà sẽ đem lại sự thay đổi thực sự. Nếu đắc cử, bà dễ dàng ”rập khuôn” những chính sách của ông Obama, đặc biệt là các chính sách đối nội chưa để lại dấu ấn tại những bang chiến trường. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề người dân Mỹ quan tâm hàng đầu hiện nay là kinh tế, lại thuộc thế mạnh của ông Donald Trump. Có thể nói, ông Trump vượt xa ứng viên Tổng thống Mitt Romney của đảng Cộng hòa năm 2012 trong lĩnh vực này, giúp ông giành được tấm phiếu của các cử tri Mỹ gốc Latinh và người Mỹ da màu mà năm đó thuộc về ông Obama. 
”Truyền thông đã hoạt động như một con tốt của Trump trong cuộc bầu cử năm nay, ông ấy chi phối vòng quay thông tin. Đây là điều Donald Trump quá thành thạo”, GS. Larry Berman khẳng định.  
 Giáo sư Larry Berman, Đại học Georgia, (Mỹ)
Theo GS., việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, đồng thời đảng Cộng hòa giành đa số trong cả Hạ viện, Thượng viện năm nay nói lên điều gì?
Ông Donald Trump đắc cử kết hợp việc Đảng Cộng hòa giữ đa số trong cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ lần này sẽ khiến trách nhiệm của họ trở nên nặng nề hơn. Những thành quả hay thất bại trong giải quyết việc làm, thuế, y tế...  của nước Mỹ sắp tới khó có thể đổ lỗi cho sự mâu thuẫn Lưỡng đảng như trước nữa mà sẽ chỉ thuộc về Donald Trump và Đảng Cộng hòa. 
Chính quyền ông Donald Trump liệu có thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ với Việt Nam, hay một số ”di sản” của Tổng thống Obama?
Vẫn còn quá sớm để nhận định những thay đổi về chính sách ngoại giao của Mỹ với Việt Nam cũng như chính sách ”hướng Đông” dưới thời Tổng thống Obama khi Nhà Trắng có chủ nhân mới. Tuy nhiên, khả năng ông Donald Trump vẫn giữ quan điểm Trung Quốc là quốc gia gây nhũng loạn thị trường tiền tệ toàn cầu, thông qua việc điều chỉnh đồng Nhân dân tệ (nhận định của ông Trump khi vận động tranh cử Tổng thống). Bên cạnh đó, hầu hết những  ”di sản” của ông Obama còn dang dở như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Chương trình y tế Obama care, lệnh kiểm soát súng đạn... có thể bị điều chỉnh.
Liệu có điểm chung nào từ cuộc bầu cử Mỹ và cuộc trưng cầu dân ý Anh rời khỏi Liên minh châu Âu? Hai sự kiện kết quả ngược với đa số truyền thông dự đoán và đều do người dân cầm lá phiếu quyết định.
Từ cuộc bầu cử Mỹ và sự kiện Brexit có thể rút ra rằng, chúng ta đang sống ở một thế giới mà giới ”tinh hoa” và truyền thông chưa thể cảm nhận và thấu hiểu sự giận giữ, phẫn nộ của những người dân lao động vẫn còn phải đấu tranh không ngừng để tồn tại. Nước Mỹ cũng không phải ngoại lệ. Điều đó đã thúc đẩy lá phiếu của tầng lớp lao động dành cho Donald Trump, góp phần vào chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử lần này.
Xin cảm ơn ông!
GS. Larry Berman là nhà sử học, Giáo sư danh dự tại Đại học California. Ông cũng là tác giả cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” về cuộc đời Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Ông hiện làm việc ở Đại học Georgia (Mỹ).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần