Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia nói gì về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng từ ổ dịch Bạch Mai?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, các chuyên gia y tế nhận định, Việt Nam giờ đã chuyển sang giai đoạn 3 với nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng rất cao. Không một quốc gia nào có thể trì hoãn được giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng. Sớm hay muộn, điều này cũng xảy ra tại Việt Nam.

 Người dân thực hiện xét nghiệm nhanh tại cộng đồng.

Khó trì hoãn được giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng

Ổ dịch BV Bạch Mai đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất cả nước. Các lực lượng đã dồn sức để dập dịch trong suốt những ngày qua. Đến thời điểm này, các chuyên gia nhận định và chính quyền địa phương đã nhận đinh, ổ dịch BV Bạch Mai cơ bản đã được kiểm soát.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cùng cơ quan chức năng của các tỉnh, TP đã rà soát, giám sát, quản lý sức khỏe được 44.474 người liên quan, nhất là những người từng đến khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại đây từ 10/3. Tính đến ngày 3/4, có tới 44 ca bệnh Covid-19 tại khu vực BV Bạch Mai.

Trước diễn biến của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã xây dựng 4 kịch bản đối phó với dịch Covid-19. Trong đó, giai đoạn 1 là phát hiện ca bệnh xâm nhập, giai đoạn 2 là từ ca xâm nhập lây lan sang người Việt Nam, giai đoạn 3 là khi dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, dưới 1.000 ca mắc. Tình huống thứ 4 là khi số mắc trên 1.000 ca.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện nay dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, Việt Nam đã triển khai các biện pháp mạnh thời gian qua, trong đó có đóng cửa BV Bạch Mai để tìm nguồn bệnh.

Trong giai đoạn trước, Việt Nam chủ yếu ngăn chặn dịch Covid-19 từ bên ngoài xâm nhập vào (phát hiện ca bệnh xâm nhập, cách ly người nhập cảnh). Đầu tiên là áp dụng với Trung Quốc, tiếp theo là Hàn Quốc, Ý, Iran, sau đó đến toàn châu Âu và đến nay là với tất cả mọi quốc gia. Người bệnh được điều trị, cách ly tại cơ sở y tế.

Và thực tế, với chiến lược này Việt Nam đã làm rất tốt. Chính vì làm tốt giai đoạn đầu nên Việt Nam đã trì hoãn được thời gian dịch lây ra cộng đồng. “Về mặt lâm sàng, chúng ta có thể chắc chắn một điều là chưa có ca bệnh nặng ngoài cộng đồng như tình hình các nước châu Âu, Mỹ hay như tại Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên để đánh giá được mức độ lây lan ở cộng đồng đang ở ngưỡng nào cao hay thấp thì hiện tại chưa thể nói được mà cần phải có nghiên cứu, lấy mẫu tại cộng đồng” - TS Trần Đắc Phu phân tích.

Theo TS Trần Đắc Phu, có nhiều ca bệnh nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, không vào BV thì không thể “bắt” được.

Cần thực hiện giãn cách xã hội

TS Phu cũng khẳng định, không một quốc gia nào có thể trì hoãn được giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng. Tương tự tại Việt Nam điều này cũng sẽ xảy ra sớm hay muộn. Nhưng Việt Nam nhờ kiểm soát tốt dịch trong giai đoạn đầu mà trì hoãn được giai đoạn này lâu hơn.

“Trước khi chúng ta cách ly tất cả những người nhập cảnh thì trên những chuyến bay trước đó có thể đã có ca bệnh, như vậy đã có ca mắc Covid-19 ở trong cộng đồng - nghĩa là có sự lây lan trong cộng đồng. Nhưng phải khẳng định, Việt Nam đã làm tốt nên đến bây giờ số lượng người mắc mới ít như vậy, trong khi nhiều quốc gia từ khi có 100 ca lên 1.000 ca chỉ mất 7 ngày” - TS Trần Đắc Phu nói.

Theo TS Tần Đắc Phu, Việt Nam giờ đã chuyển sang giai đoạn 3 với nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng rất cao. Nguyên tắc dập dịch của Việt Nam trong giai đoạn này là phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch mạnh mẽ, dập “đám lửa nhỏ” không để bùng phát lên thành “đám lửa to”. Khoanh vùng triệt để thì dịch sẽ không bùng phát mạnh.

“Nếu dịch lan quá mạnh, không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế. Khi đó tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu các bệnh nhân nặng” - TS Trần Đắc Phu nói.

Vì thế, trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo có thể chống dịch Covid-19 thành công.

Theo TS Trần Đắc Phu, khi giãn cách xã hội tốt, dịch sẽ không bùng lên thành ổ dịch lớn, đồng nghĩa chỉ là các đám cháy nhỏ thì hoàn toàn có thể dập được. “Nếu dịch lan quá mạnh, không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế, khi đó tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu các bệnh nhân nặng” - TS Trần Đắc Phu chỉ rõ nguy cơ.

Còn theo một số chuyên gia, nếu trước đây, chống dịch chỉ là đưa những người nghi nhiễm vào cách ly như toàn bộ những người nhập cảnh, người nghi ngờ nhiễm thì bây giờ phải giải quyết các việc phòng bệnh, bằng cách rất cụ thể, trong đó thực hiện cách ly xã hội.

Thực hiện các giải pháp không cho người bị nhiễm tiếp xúc với người lành và người lành không tiếp xúc với người bị nhiễm để tránh lây. Vì dịch này lây truyền qua giọt bắn, qua tiếp xúc gần, qua việc đụng vào các vật dụng đã bị người mang virus ho, hắt hơi, nói… thải ra. Việc phòng bệnh này, cần áp dụng rất nhiều các biện pháp mà Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt.

Các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất trong lúc này là ngành y tế cần tiếp tục phát hiện, cách ly, khoanh vùng, chặn dịch và người dân cần ý thức thực hiện. Mỗi người cần hạn chế đi lại, hạn chế giao tiếp, hạn chế tụ tập đông người… một cách triệt để hơn. Làm sao người dân càng ít tiếp xúc với nhau càng tốt. Chỉ có như thế, Việt Nam mới dập dịch được.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng lưu ý vai trò của người dân là rất quan trọng để chống dịch thành công, mỗi người cần ý thức tự giác. Đồng thời, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo đôn đốc của chính quyền, kể cả là những vấn đề cần xử phạt mạnh tay các vi phạm để chúng ta dập dịch được, trong vòng 15 ngày cách ly xã hội, chúng ta phải thực hiện thật nghiêm túc các vấn đề đó. Vì vậy, hơn lúc nào hết, giờ mọi người dân cần quán triệt tinh thần “ai ở đâu hãy ở yên đó, nhà nào ở nhà đó”, tuyệt đối không đi ra ngoài khi không có việc cần thiết.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay việc thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ rất quan trọng để ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan mạnh trong khoảng 2 tuần tới.

“Bản chất cách ly xã hội có nghĩa là giãn cách xã hội. Người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đó là cần giữ khoảng cách giữa người và người tối thiểu 2m, đeo khẩu trang. Trong hai tuần tới là thời điểm quan trọng để ngăn chặn dịch này”-Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Liên quan tới ổ dịch tại BV Bạch Mai, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, từ nay đến 15/4 đang là thời điểm vàng chống dịch, nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp đã được Đảng, Chính phủ chỉ đạo, người dân vào cuộc, thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chắc chắn dịch sẽ được kiểm soát, tiến tới kết quả phòng chống dịch sẽ tốt hơn nữa. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy những ngày gần đây, các ca bệnh mới phát hiện trung bình 9 - 12 bệnh nhân/ngày, có xu hướng giảm và đi ngang, so với giai đoạn của 10 ngày trước (có thời điểm lên đến 19 bệnh nhân mới/ngày). 

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, Hà Nội đang là nơi có số ca nhiễm bệnh nhiều nhất cả nước, có mức độ lây nhiễm nguy hiểm nhất. Theo Chủ tịch UBND TP, hiện nguy cơ lớn nhất là ổ dịch từ Công ty TNHH Trường Sinh (ở BV Bạch Mai). Biện pháp duy nhất hiện nay TP Hà Nội đang thực hiện là cách ly kịp thời, mọi người tránh giao tiếp, ở trong nhà càng nhiều càng tốt. Nếu thực hiện triệt để, trong những ngày tới sẽ khoanh vùng và xử lý được dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP khẩn trương liên hệ với toàn bộ bệnh nhân là nhân viên Công ty Trường Sinh, người lao động tại công ty để làm rõ lịch trình đi lại, sinh hoạt, ăn uống, tiếp xúc của các bệnh nhân này từ 10/3 cho đến khi được đưa đi cách ly, điều trị. Sau khi có lịch trình, khẩn trương thông báo cho người dân biết để ý thức về nguy cơ lây nhiễm. Đây cũng là biện pháp để truy tìm các ca F0 tại ổ dịch Bạch Mai lớn nhất hiện nay. Hiện số ca bệnh từ Bạch Mai vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng tốc độ đã chậm lại.