Chuyên gia quốc tế: Tái cấu trúc DNNN còn chậm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài khi đưa ra đánh giá về quá trình tái cấu trúc và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (VBF) vừa diễn ra, một lần nữa câu chuyện tái cấu trúc và cổ phần hóa doanh nghiệp lại được nhắc tới, tuy nhiên những ý kiến lần này được đến từ những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới. Và những chuyên gia này đã thắng thắn chỉ ra rằng, việc tái cấu trúc cũng như cổ phần hóa DNNN là việc bắt buộc đối với nền kinh Việt Nam.

Theo ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, trong những năm qua, đã có nhiều đợt tái cấu trúc DNNN được tiến hành ở Việt Nam với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức tài chính như World Bank, ADB và OECD. Tuy nhiên trên thực tế, quá trình này vẫn diễn ra với tốc độ chưa đúng mong muốn, ông Tomaso nhận định.

 
Ông Tomaso Andreatta: Tái cấu trúc DNNN ở Việt Nam đang diễn ra quá chậm
Ông Tomaso Andreatta- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam.
Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 800 DNNN với 100% vốn do Nhà nước nắm giữ, còn số này đã giảm lớn so với 12.000 doanh nghiệp vào năm 1990. Điều này rõ ràng đã mang lại những thành công nhất định khi theo những thống kê trong năm 2013, DNNN đã chiếm tới 35% GDP của cả nước và khoảng 30% doanh thu của Nhà nước.

Mặc dù vậy, ông Tomaso cũng khẳng định rằng, Việt Nam cần tiếp tục tái cấu trúc DNNN thêm nữa, điều này có thể góp phần tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, quá trình tư nhân hóa tại châu Âu những năm 1990 đã cho thấy doanh thu của các DNNN lớn và hoạt động tốt là nguồn lực tài chính góp phần cải thiện tình hình nợ công và đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết.

Trong năm nay, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch cổ phần hóa xong 289 DNNN nhưng triển khai thực tế vẫn chưa đạt đến hiệu quả cao nhất, ông Tomaso đánh giá. Đơn cử như số lượng cổ phiếu được dành cho nhà đầu tư tư nhân là quá thấp, chỉ từ 5 - 20% cổ phiếu được chào bán ra thị trường. Mà trên thực tế, các nhà đầu tư chỉ mua cổ phần của DNNN nếu họ có quyền ra quyết định trong doanh nghiệp, chính vì vậy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với DNNN còn khá thấp là điều dễ hiểu. Cổ phần hóa và cải cách quản trị doanh nghiệp của các DNNN chỉ có thể hiệu quả khi có một tầm nhìn rõ ràng từ Chính phủ và khi có một cam kết thực sự để hiện thực hóa những cải cách này.

Trao đổi với Kinh tế và Đô thị bên lề Diễn đàn VBF, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch HĐQT Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng đưa ra quan điểm quá trình tái cấu trúc cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp ở Việt Nam đang diễn ra rất chậm chạp, thậm chí đối với các DNNN đã thực hiện xong cũng mang lại hiệu quả không cao. Cũng không thiếu trường hợp doanh nghiệp chỉ cổ phần hóa "nửa vời" khi một lượng rất nhỏ cổ phần được bán cho các nhà đầu tư cũng như đưa ra thị trường chứng khoán.

Bà Virginia khẳng định, nếu còn kéo dài tình trạng như trên, sẽ dễ khiến nhà đầu tư thất vọng, từ đó dẫn tới quá trình cổ phần hóa DNNN không có được kết quả như mong muốn, điều này không tạo ra sự thay đổi đột biến cho nền kinh tế.