Sự trỗi dậy của “kinh tế thuê bao”Sáng thứ 2 hàng tuần của anh Han Yong-Hee, một nhân viên văn phòng tại Seoul, Hàn Quốc, luôn bắt đầu bằng việc nhận những chiếc áo sơ mi sạch sẽ, phẳng phiu được đưa đến. Đây là một gói dịch vụ “thuê bao” mà anh Han đã đăng ký, với mức phí 40 USD/tháng. Mỗi tuần, anh Han được quyền chọn 3 - 5 chiếc áo giao tới tận nhà, khi dùng xong sẽ trả lại. Ngoài áo sơ mi, nhà cung cấp còn cho khách “thuê bao” cả ga trải giường, chăn, gối.“Ngoài việc không phải chi nhiều tiền mua quần áo, giờ đây tôi còn hoàn toàn không phải bận tâm tới chuyện giặt là, cũng chẳng cần mua máy giặt” - anh Han chia sẻ.Ở những thị trường phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ, các sản phẩm, dịch vụ thuê bao đã vượt 10% thu nhập của hộ gia đình hàng tháng. Khách hàng đăng ký dịch vụ trả phí định kỳ cho tất cả mọi thứ, từ xem phim trên Netflix cho tới lưỡi cạo râu của Dollar Shave Club.Ở quy mô toàn cầu, nền “kinh tế thuê bao” đã chứng minh được sự ưu việt khi đạt mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, hơn 400% chỉ trong chưa đầy một thập kỷ. Hãng nghiên cứu thị trường Gartner dự đoán đến năm 2023, 75% các công ty bán hàng trực tiếp sẽ cung cấp các dịch vụ đăng ký thuê bao.
Thuật ngữ “kinh tế thuê bao” (subscription economy) lần đầu tiên được dùng bởi Tien Tzuo, nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty phần mềm Zuora, trong cuốn “Subscribe? OK, Tôi đăng ký! Kiếm tiền từ lượng khách hàng thường xuyên”. Theo Tien Tzuo, nếu trước đây, “mua đứt bán đoạn” là cách mà thị trường vận hành thì ngày nay, sự phát triển liên tục của công nghệ, sự rút ngắn trong vòng đời sản phẩm cũng như sự thu hẹp của không gian sống đã khiến người tiêu dùng dần không còn hứng thú với việc tích lũy. “Ngày nay, khách hàng đề cao giá trị cốt lõi và sự tiện lợi của dịch vụ hơn là quyền sở hữu. Với nhiều người, sở hữu thậm chí là gánh nặng” - Tien Tzuo nói.Khách hàng được hưởng lợi nhiều hơnSự chuyển đổi từ “kinh tế sở hữu” sang “kinh tế thuê bao” được xem như một bước ngoặt trong tư duy kinh doanh cũng như tiêu dùng, từ quan niệm sản phẩm là trung tâm sang người tiêu dùng là trung tâm, trong đó, khách hàng là người được hưởng lợi nhiều nhất. Theo các chuyên gia tài chính, thuê bao là phương thức giúp “giảm đau ví” cho khách hàng khi không phải trả một khoản tiền lớn ban đầu cho việc sở hữu sản phẩm, nhưng vẫn được tận hưởng nhiều hơn những tiện ích mà sản phẩm đó mang lại.“Đây là tư duy mới của người tiêu dùng. Đăng ký thuê bao vừa giải phóng gánh nặng của việc sở hữu, vừa giúp người tiêu dùng trút bỏ được gánh nặng của những chi phí duy trì và bảo dưỡng khi sở hữu tài sản” - TS Nguyễn Thế Bính, Khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh phân tích.
Một ví dụ điển hình tại Việt Nam mới đây là hãng xe VinFast. Khi công bố mở bán mẫu ô tô điện VF e34, hãng xe này đã áp dụng “kinh tế thuê bao” vào một trong những cấu phần đắt nhất trên xe điện là bộ pin (chiếm từ 30 - 40% giá thành). Nhờ tách chi phí pin - ước tính gần 200 triệu đồng - ra khỏi giá bán mà chiếc SUV điện cỡ C của VinFast chỉ còn chi phí ban đầu 690 triệu đồng, thấp hơn nhiều các mẫu xe xăng cùng phân khúc. Cần nhớ, các khảo sát trên thế giới đều cho thấy, giá xe điện hiện cao hơn xe động cơ đốt trong cùng phân khúc ít nhất 10.000 USD.Thay vì phải bỏ thêm gần 200 triệu đồng mua xe kèm pin, khách hàng mua VinFast VF e34 sẽ chỉ phải bỏ ra mỗi tháng 1,45 triệu đồng thuê bao - đơn giản và tiện lợi như thuê bao di động. Một ưu điểm nữa của hình thức thuê bao là khách được hưởng nhiều đặc quyền hơn và được chăm sóc tốt hơn, do mối quan hệ hữu cơ giữa doanh nghiệp và khách hàng luôn tồn tại trong suốt vòng đời sản phẩm. Khách hàng cũng không phải lo lắng về độ bền của sản phẩm thuê bao bởi doanh nghiệp là bên chịu mọi rủi ro về chất lượng và tuổi thọ sản phẩm.Trở lại trường hợp dịch vụ thuê bao pin của VinFast. Hãng xe này cam kết đổi pin lithium-ion mới cho khách hàng khi khả năng tiếp nhận sạc của bộ pin giảm xuống dưới 70%. Đây chính là “đặc quyền” mà khách “mua đứt” pin hoàn toàn không có được.“Để thành công trong nền ‘kinh tế thuê bao’, doanh nghiệp cần chú trọng tới nhu cầu của khách hàng, chứ không chỉ biết tới mỗi việc hoàn thành sản phẩm. Mọi hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp cần hướng tới quan điểm làm những điều tốt nhất cho khách hàng để giữ chân họ” - TS Nguyễn Thế Bính chỉ rõ.Cũng theo các chuyên gia, nhờ mối quan hệ được duy trì liên tục, khách hàng thuê bao sẽ có nhiều cơ hội được cập nhật các dịch vụ, tiện ích mới từ nhà sản xuất, nhất là với các sản phẩm công nghệ. Như pin xe điện, đó có thể là gói cước mới đa dạng hơn, công nghệ mới tiên tiến hơn, thậm chí là dung lượng pin lớn hơn khi kỹ thuật cho phép... “Việc thu thập các phản hồi của khách hàng đóng vai trò rất quan trọng trong các dịch vụ thuê bao. Doanh nghiệp cần luôn làm mới sản phẩm cũng như cách cung ứng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng” - TS Nguyễn Thế Bính nhận định.