Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc thực thi Quyết định này và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 01/8/2023 của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong tháng 10 năm 2023.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, 10/10/2023.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg, ngày 12/10/1998. Đến nay, sau 25 năm phát triển, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thu hút 104 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 1/8/2023 về việc chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND TP Hà Nội quản lý từ ngày 1/8/2023.
Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện bàn giao và UBND TP Hà Nội thực hiện tiếp nhận: tổ chức và hoạt động, các nhiệm vụ, công việc đã và đang thực hiện, tài chính, tài sản công, dự án đầu tư công từ Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Ban Quản lý) và của các đơn vị trực thuộc (các đơn vị sự nghiệp và Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền cho Ban Quản lý là cơ quan đại diện chủ sở hữu); quyền đại diện chủ sở hữu Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nêu trên.
Thời điểm bắt đầu bàn giao và tiếp nhận từ ngày 01 tháng 8 năm 2023. Thời hạn hoàn thành việc bàn giao và tiếp nhận trong 06 tháng tính từ thời điểm bắt đầu bàn giao.
Chia sẻ về lý do chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được định hướng trở thành khu công nghệ lõi, tập trung phát triển khoa học lõi, thu hút nhiều viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu chứ không phải tập trung nhanh chóng lấp đầy bằng thu hút doanh nghiệp FDI.
Với định hướng này, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ trở thành tiềm lực cho sự phát triển của Hà Nội. "Nếu phát triển theo mô hình khu công nghiệp công nghệ cao thì tỷ lệ lấp đầy sẽ rất nhanh, thu hút nguồn lực lớn nhưng bão hòa sẽ rất nhanh. Việc phát triển theo định hướng khu công nghệ lõi sẽ giúp tạo dư địa, tiềm lực phát triển của Hà Nội", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Tuy nhiên, sự phát triển của Hòa Lạc trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, trong đó mất thời gian dài thực hiện giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, vấn đề phát triển giao thông, đô thị chưa tương xứng.
"Chúng tôi tin rằng khi Hà Nội tiếp nhận khu công nghệ cao và giữ nguyên tinh thần phát triển công nghệ lõi thì sẽ có thêm giao thông, phát triển khu vực đô thị xung quanh. Hà Nội sẽ giải quyết được một số khó khăn thời gian qua", Thứ trưởng Bùi Thế Duy thông tin.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 1/8/2023 về việc chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ về UBND TP Hà Nội quản lý, Bộ đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ có phân công công việc cụ thể; đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành, các cơ quan chuyên môn của Hà Nội để chuẩn bị công tác bàn giao.
Đến thời điểm hiện nay, rất nhiều công việc đang được tiến hành khẩn trương. Hai bên đã phối hợp chuẩn bị hồ sơ bàn giao, rà soát các hồ sơ liên quan đến tổ chức bộ máy, danh mục các dự án đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự toán ngân sách, thống kê các công việc để thực hiện chuyển giao…