Chuyên Mỹ không để làng nghề mai một

Bài, ảnh: Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên Mỹ là một trong những xã của huyện Phú Xuyên có 7/7 thôn được công nhận làng nghề truyền thống sơn mài, khảm trai.

Mỗi năm, làng nghề tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Nhờ vậy, kinh tế của người dân nơi đây luôn ổn định.

Nhộn nhịp làng nghề

Chuyên Mỹ những ngày cuối tháng 8 này, khắp đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng nghe tiếng máy mài, máy cắt gỗ và tiếng đục khảm trai lách cách. Người người, nhà nhà, ai nấy đều miệt mài tập trung hoàn thiện những sản phẩm mỹ nghệ. Ông Nguyễn Văn Hỏi - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề khảm trai truyền thống thôn Ngọ tâm sự, để làm ra được một sản phẩm mỹ nghệ ưng ý phải qua rất nhiều công đoạn, như tạo mẫu, pha gỗ tạo sản phẩm thô, cắt, đục, chạm, dán vỏ trai, khắc nét... rồi mới sơn. Những công đoạn này rất tỉ mỉ mới tạo ra được những sản phẩm như sập gụ, tủ chè, hoành phi câu đối, hộp đựng giấy ăn, lọ hoa… ưng ý. Chuyên Mỹ gần dòng sông Nhuệ, cách trung tâm huyện hơn 10km.
Những người thợ làng nghề Chuyên Mỹ.
Những người thợ làng nghề Chuyên Mỹ.
Đường giao thông từ xã ra huyện trước đây không đảm bảo. Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối giữa các thôn trong xã bị xuống cấp; ô nhiễm môi trường làng nghề và nguồn nước của dòng sông Nhuệ chảy qua địa bàn cũng làm hạn chế lượng du khách tìm đến địa phương để mua bán, giao thương hàng hóa. Để phát triển làng nghề, những năm gần đây, UBND huyện Phú Xuyên đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, cải tạo hơn 10km đường giao thông từ huyện về xã Chuyên Mỹ. Đường giao thông của 7 thôn trong xã cũng được đầu tư làm mới. Xã cũng đầu tư mua sắm thêm xe chở rác để thu gom rác thải hàng ngày tại địa phương theo đúng quy định. Nhờ vậy, việc đi lại đã thuận tiện hơn trước, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề được đẩy lùi. Nhờ đó, lượng khách thập phương đến với các làng nghề ngày một tăng, sản phẩm tiêu thụ ngày một nhiều, tạo thu nhập cao.

Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Đinh Ngọc Dư cho biết, xã có 2.700 hộ thì có 2.200 hộ làm nghề sơn mài, khảm trai. Nhờ phát triển làng nghề không chỉ giải quyết việc làm cho lao động trong xã mà còn thu hút 800 lao động ngoài địa phương có mức thu nhập 50 triệu đồng/năm/lao động. Để sản phẩm làng nghề phát triển, đã có 12 hộ mạnh dạn thành lập công ty giúp cho việc trao đổi, giao dịch hàng hóa với DN một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Anh, Đức… được thuận tiện.

Chưa hết những khó khăn

Theo ông Dư, một trong những khó khăn của làng nghề Chuyên Mỹ là do các hộ sản xuất và DN làng nghề khó tiếp cận nguồn vốn, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất còn hạn chế. Mặt khác, cơ chế chính sách phát triển làng nghề chưa đồng bộ để theo kịp nền kinh tế hội nhập. “Do vậy, cán bộ và Nhân dân địa phương mong muốn TP, huyện quan tâm hơn nữa để sản phẩm làng nghề  được phát triển và bay xa hơn” - ông Dư bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công khẳng định, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nghệ nhân, thợ thủ công có tay nghề. Huyện sẽ bồi dưỡng kiến thức quản lý DN, tiếp thị sản phẩm cho các cơ sở sản xuất bằng nhiều hình thức. Đồng thời, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. “Bên cạnh đó, tiếp tục cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm tạo sức thu hút người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh, đem lại giá trị thương mại mà vẫn bảo đảm được tính nghệ thuật. Đặc biệt, huyện sẽ quan tâm kết hợp giữa phát triển các làng nghề trên địa bàn huyện thành chuỗi du lịch làng nghề truyền thống” - ông Công nhấn mạnh.