Chuyện những chiếc rổ đặt trước nhà trong vùng phong tỏa Covid-19

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những chiếc rổ đặt trước nhà trở thành phương thức giao nhận hàng đặc biệt, đang được sử dụng trong vùng phong tỏa 2 vạn dân xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).

Nhận hàng thời Covid-19
Anh Trần Sịn (thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An) hào hứng khoe mớ rau tươi vừa được tặng sáng nay. “Rau này do các shipper là tình nguyện viên mang đến, rồi để vào thau hoặc rổ đặt trước nhà, mình ra nhận mang vào dùng. Xung quanh đây nhiều nhà làm vậy lắm. Cách này giúp hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, đỡ bị lây bệnh”, anh Sịn cho biết.
 Chiếc thau đặt trước nhà anh Sịn đã được các shipper bỏ đầy rau xanh.
Hôm qua, nhà anh Sịn cũng các shipper mang đến khá nhiều rau, củ, quả. Đây là số hàng gia đình đặt mua và được ship đến cầu Phú Nghĩa. Sau đó được các tình nguyện viên vận chuyển giúp. Để trả công cho shipper, nhận được hàng rồi, anh Sịn cho tiền vào túi nilon, cột vào đầu cái que nhỏ rồi chìa ra. “Trả tiền vận chuyển mà mấy đứa không chịu, bảo là mau vào nhà rồi đóng cửa lại, nhớ ở yên trong nhà để phòng dịch. Nghĩ vừa thương vừa tội”, anh Sịn chia sẻ.
 Anh Sịn dùng phương thức đặc biệt trả tiền cho shipper nhưng bị từ chối.
Nhằm đảm bảo thực nghiêm túc giãn cách xã hội, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người với người, gia đình với gia đình, người dân xã Nghĩa An được khuyến khích đặt rổ trước nhà để tiện nhận hàng hóa. Ai có nhu cầu đặt hàng ở siêu thị thì ghi danh sách cần mua vào phiếu mua hàng do xã cấp, điền rõ địa chỉ, số điện thoại, họ tên rồi cũng bỏ vào rổ, sẽ có người lại lấy và mua giúp. Ai mua hàng siêu thị thì có thể chuyển khoản cho siêu thị, hoặc đưa tiền mặt cho các tình nguyện viên.
Không chỉ rổ, nhiều người dân trong xã còn đặt trước nhà thau, chậu để chứa hàng. Họ tếu táo xem đó là nơi đựng quà của ông già Noel, lâu lâu hé cửa ngóng thử, xem… có quà không? Rồi lại động viên, chia sẻ cho nhau khi người có, người chưa.
Nhiều người dân đặt rổ nhựa trước nhà. 
“Từ sáng ngày 5/9, xã bắt đầu phát phiếu đi chợ cho người dân. Buổi sáng phát phiếu, buổi chiều thu lại rồi sẽ tổ chức mua hàng. Trước tiên là thôn Tân An và Phổ Trung, sau đó sẽ lần lượt thực hiện ở 4 thôn còn lại.
Sau 3 ngày sẽ có 1 đợt phát phiếu như vậy. Nếu người dân nhờ người quen ngoài xã mua hàng thì để ở đầu cầu An Phú - giáp ranh xã Nghĩa Phú và cầu Phú Nghĩa - giáp ranh xã Nghĩa Hòa. Tại 2 cửa ngõ vào xã Nghĩa An, anh em tình nguyện viên sẽ vận chuyển giúp vào cho bà con", ông Nguyễn Đình Giác - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa An chia sẻ.
Khu vực xã Nghĩa An bị phong tỏa cứng trong 14 ngày vì Covid-19.
Từ 2 ca mắc Covid-19 ở cộng đồng được phát hiện ở thôn Tân An, đến nay xã Nghĩa An đã ghi nhận hơn 20 ca bệnh, xuất hiện ở 5/6 thôn. Ngày 31/8, 2 vạn dân làng biển đã tạm thời bị phong tỏa để xét nghiệm sàng lọc và chính thức phong tỏa cứng 14 ngày kể từ 12 giờ ngày 2/9 với nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, “ai ở đâu thì ở yên đó”. Các hoạt động như họp chợ, bán hàng tạp hóa cũng phải tạm ngưng để đảm bảo phòng dịch.
Nỗi lòng shipper
Xã Nghĩa An có tới 2 vạn dân, đảm bảo vấn đề lương thực, thực phẩm ở nơi đây là nhiệm vụ khá nặng nề song hành với nhiệm vụ phòng chống Covid-19 trong những ngày địa phương bị phong tỏa cứng.
 Tình nguyện viên mang rau tặng người dân.
Từ 6 giờ sáng, các thành viên trong đội shipper đặc biệt đã bắt tay vào nhận hàng, chia hàng, rồi phân phát hàng về tận nhà người dân. Nghĩa An diện tích tuy không lớn, vỏn vẹn chưa đầy 3,5km2 nhưng đường xá chật hẹp, việc vận chuyển hàng hóa không hề thuận lợi. Ngoài vài tuyến đường lớn trục xã thì hầu hết các tuyến hẻm đều rất nhỏ, chỉ có thể dùng xe “cộ”, xe rùa, hoặc xe máy để giao hàng cho bà con.
“Hàng hóa nhiều, dù mệt nhưng nghĩ đến cảnh bà con đang cần lương thực nên phải ráng chuyển cho nhanh”, anh Lê Thành Hưng - một tình nguyện viên cho biết.
 Một nhóm tình nguyện viên làm shipper miễn phí của xã Nghĩa An.
Hiện tại, xã Nghĩa An đã kêu gọi được 40 tình nguyện viên làm shipper miễn phí. Hàng đến là chở đi giao, còn nếu là rau, quả được mạnh thường quân hỗ trợ thì tập trung phân chia, mang đến sớm nhất có thể cho người dân để được tươi ngon.
“Em gái mình là giáo viên cũng đang tham gia tình nguyện. Gia đình không đồng ý cho đi vì sợ bị lây nhiễm, với em ấy nhỏ con quá, có 38kg thôi, nhưng nó nhất quyết đi. Nãy về, nó mệt lắm nhưng rất vui vì giúp được cho bà con lúc cần nhất. Nó cũng không muốn ai biết đến, cứ lặng lẽ mà làm”, người thân một tình nguyện viên chia sẻ.
Vừa nhận được thùng hàng, chị Lâm Lệ Vy (thôn Phổ Trường) rất vui mừng vì gia đình có rau tươi để sử dụng trong vài ngày tới. “Thùng rau này đặt cho nhà mình và 2 nhà nữa. Mình đặt hàng, chuyển khoản, người ta mang tới đầu cầu rồi các bạn ship vào giùm đó. Nợ các bạn tình nguyện viên lời cảm ơn”, chị Vy cho biết.
 Lượng hàng hóa khổng lồ ở cầu An Phú trong sáng 5/9.
Mấy ngày nay, hàng hóa của mạnh thường quân hỗ trợ cũng như người dân đặt mua ùn ùn đổ về tại các vị trí quy định là đầu cầu An Phú và cầu Phú Nghĩa. Lực lượng tình nguyện viên phải chạy như con thoi để lấy hàng, giao đúng địa chỉ. Quá trình làm shipper, không ít tình nguyện viên gặp phải tình huống oái oăm, dở khóc dở cười.
“Nhiều thùng hàng nặng lắm, khiêng muốn gãy lưng. Rồi có người, mình mang hàng tới thì gọi không nghe máy, người thì ghi lẫn lộn thôn này với thôn kia. Có người còn gọi ship cả ốc lể nữa…Tụi mình cũng cố gắng làm, nhưng mong bà con chia sẻ, hàng nhiều quá nên có lúc phải chậm trễ. Hơn nữa, bà con nên đặt những thứ thật cần thiết thôi. Cuộc chiến còn dài mà kiểu vầy thì mất sức lắm”, một tình nguyện viên bày tỏ.
 Các tình nguyện viên tranh thủ nghỉ ngơi.
Thực tế, khối lượng hàng hóa mỗi ngày mà đội shipper đặc biệt ở xã Nghĩa An phải đi phân phối là không hề nhỏ. Trong khi đó, bà con lắm khi sốt ruột cứ nhắn tin giục suốt nên áp lực của các tình nguyện viên đã lớn lại càng lớn.
“Nhiều kinh khủng luôn, ngày nào cũng chừng chục tấn hàng. Vừa hàng được cho tặng, vừa hàng người dân gửi vào nên các em tình nguyện viên rất vất vả. Mà vì vaccine ít nên nhiều em trong số đó còn chưa được tiêm ngừa. Mong bà con trong xã chỉ đặt mua những thứ thiết yếu, tiêu dùng tiết kiệm hơn trong thời gian này. Ai cũng khó khăn cả, phải đồng lòng, chung sức thì mới vượt qua đại dịch”, ông Nguyễn Đình Giác - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa An tha thiết.