Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư: Làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nhà nước, làm phong phú nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.  Ảnh:  TTXVN
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.  Ảnh:  TTXVN

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức CHND Trung Hoa (Trung Quốc) từ ngày 30/10- 2/11/2022.

Khẳng định tình hữu nghị truyền thống của quan hệ hai Đảng, hai nhà nước

Trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Hứa Lợi Bình nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều này thể hiện đầy đủ tính đặc thù và tầm quan trọng của quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước.

Năm 2017, sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quốc gia đầu tiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến thăm là Việt Nam. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tình hữu nghị truyền thống của quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước.

Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là quốc gia xã hội chủ nghĩa, đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, kiên trì đường lối độc lập tự chủ, cùng ủng hộ lẫn nhau trong việc tìm kiếm con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên cột mốc biên giới Việt Nam tại cửa khẩu Tà Lùng. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên cột mốc biên giới Việt Nam tại cửa khẩu Tà Lùng. Ảnh: TTXVN

Ông Hứa Lợi Bình khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia có ảnh hưởng quan trọng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.

Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nhà nước, làm phong phú nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam, mà còn có lợi cho việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc với ASEAN.

Theo ông Hứa Lợi Bình, trong thời gian đại dịch Covid-19, quan hệ hai Đảng, hai nước không hề bị ảnh hưởng, mà còn được nâng tầm, điều này thể hiện rõ sự bền bỉ và sức sống của mối quan hệ. Hai bên đã phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chung tay ứng phó dịch bệnh, hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực vaccine, vật tư phòng dịch, công nghệ chẩn đoán và điều trị.

Hiện hai Đảng đã xây dựng cơ chế giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực nghiên cứu lý luận, đào tạo cán bộ, hợp tác giữa cấp ủy các địa phương, tích cực trao đổi kinh nghiệm quản trị đất nước, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, tăng cường định hướng dư luận.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Điều này thể hiện đầy đủ tiềm năng của thương mại Trung-Việt. Từ năm 2019 đến năm 2020, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam. Đến năm 2021, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 của Việt Nam.

Đánh giá về hợp tác kênh Đảng, ông Hứa Lợi Bình nhấn mạnh giao lưu kênh Đảng có vai trò định hướng quan hệ Trung-Việt. Ông bày tỏ hy vọng quan hệ hai Đảng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác từ góc độ chính trị và chiến lược. Trong tương lai, hai bên có triển vọng hợp tác rộng mở trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, phát triển xanh, điện mặt trời, năng lượng sạch...

Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực, hai nước có tiềm năng mạnh mẽ trong các lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử, hợp tác xuyên biên giới.

Sâu sắc thêm dòng chảy thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Mặc dù dịch Covid-19 và biến động địa - chính trị trên thế giới đã tác động tới kinh tế, thương mại toàn cầu nhưng quan hệ thương mại Việt Nam- Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển và đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và ngược lại Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 và là đối tác lớn nhất trong các nước ASEAN của Trung Quốc.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương và Ủy ban Thương mại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh Bộ Công Thương
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương và Ủy ban Thương mại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh Bộ Công Thương

Do đó, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 30/10- 2/11/2022 sẽ làm sâu sắc thêm dòng chảy quan hệ giữa hai quốc gia.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ hợp tác lâu đời. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, Trung Quốc đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với quy mô đạt 55,9 tỷ USD, tăng 37 lần so với năm 2002.

Đáng lưu ý, nhóm hàng chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng tới 77,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu chiếm hơn 94% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này.

Trong 2 năm qua, dù chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng cơ quan hữu quan hai nước vẫn tích cực kết nối, kịp thời trao đổi đưa ra nhiều biện pháp đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu, thông thương hàng hóa giữa doanh nghiệp hai nước được duy trì thông suốt; kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Trung Quốc 2 năm qua vẫn đạt trên 100 tỷ USD.

Thống kê từ Hải quan Việt Nam, trong năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt được nhiều tiến triển nổi bật; trong đó, chanh leo Việt Nam được thí điểm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc kể từ tháng 7/2022 và sầu riêng tươi xuất khẩu từ Việt Nam cũng chính thức thông quan những chuyến xe đầu tiên trong tháng 9/2022.

Theo Hải quan Việt Nam, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,22 tỷ USD, tăng 6,22% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 14,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Trong số đó, nhóm hàng chế biến, chế tạo đạt 33,52 tỷ USD, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 14,6% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam ra thế giới và chiếm 81,34% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Cụ thể, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chính gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại…

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tính đến hết tháng 9 đạt 91,15 tỷ USD, tăng 12,12% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 33,08% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Một số mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu dệt may da giày; điện thoại các loại và linh kiện; hóa chất; chất dẻo nguyên liệu; ô tô nguyên chiếc; linh kiện, phụ tùng ô tô; hàng rau quả.

Theo Bộ Công Thương, thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam; trong đó, có nông sản, trái cây tươi. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng của kinh tế và cùng đó là thu nhập dân cư, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, có gì mua nấy mà đã có sự chọn lọc sản phẩm chất lượng.

Nhận định từ các chuyên gia, đã qua thời kỳ hàng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, bởi hiện tại Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng trong top đầu thế giới nên phải siết chặt điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là một cơ hội nhưng đồng thời gắn liền với thách thức mà doanh nghiệp Việt đón bắt một cách nghiêm chỉnh để từ đó, xuất khẩu sang thị trường này với đầy đủ chứng chỉ, xuất xứ, điều kiện kinh doanh.

Để cung cấp thông tin chính thống đến với doanh nghiệp có hoạt động giao thương với thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc thường xuyên có những khuyến cáo, Cục Xuất nhập khẩu đã xây dựng và phát hành Cẩm nang Hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là một hợp phần trong đề án của Chính phủ về thúc đẩy, chuyển đổi hoạt động xuất khẩu qua biên giới sang hình thức chính ngạch.

Tại Kỳ họp Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Phi khẳng định, Bộ Thương mại Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao thành quả hai bên thời gian qua.

Bên cạnh đó, đề xuất một số phương hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quy mô thương mại song phương như khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng tại Trung Quốc như Hội chợ triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN, tăng cường hợp tác đảm bảo thuận lợi hóa thương mại tại các cửa khẩu biên giới...

Truyền thông Trung Quốc kỳ vọng vào chuyến thăm của Tổng Bí thư

Truyền thông Trung Quốc đã đặt nhiều kỳ vọng chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phát biểu với Thời báo Hoàn cầu, ông Trang Quốc Thổ, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn cho rằng, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng như giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Còn ông Kalvin Fung Ka-shing, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda ở Tokyo cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phản ánh "tình đoàn kết” giữa hai bên.

Trước đó tháng 11/2017, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10/2017. Chuyến thăm phản ánh tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.

Chuyên gia Trang Quốc Thổ cho rằng, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn định hướng và dẫn dắt sự phát triển của quan hệ giữa 2 nước. Các cuộc tiếp xúc giữa các lãnh đạo của 2 đảng là một đặc điểm quan trọng và và đặc biệt trong sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, góp phần đảm bảo quan hệ luôn đi đúng hướng bất chấp sự khác biệt về một số vấn đề trong khu vực.

Chuyến thăm cũng được kỳ vọng thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Ông Bai Ming, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường Quốc tế thuộc Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Bắc Kinh là phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ông hy vọng sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được nâng lên một tầm cao mới thông qua cuộc gặp tiềm năng giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông Bai Ming khẳng định, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bất chấp tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra. Điều này phản ánh cách hai nước coi trọng mối quan hệ và giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn.

Theo chuyên gia Trang Quốc Thổ, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện cải cách, mở cửa, đạt được những thành tựu và vượt qua khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội, có thể cung cấp kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam. Chuyến thăm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo tiền đề để hai bên trao đổi những kinh nghiệm đó và học hỏi lẫn nhau.