Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện về “cô gái hái bom" mong muốn ra thăm Bác Hồ lần cuối

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chỉ huy bộ đội mưu trí dũng cảm, đánh đich can trường.... cá nhân lập nhiều chiến công oanh liệt khiến quân thù bạt vía. Đó là những dòng vắn tắt về cuộc đời người vợ liệt sỹ, nữ anh hùng LLVTND Võ Thị Xuân, thương binh 4/4, nguyên là Huyện đội phó thời chống Mỹ.

Hai mẹ con người nữ anh hùng "hái bom" ngày anh Nguyễn Quốc Việt nhận quân hàm Đại tá.
Hai mẹ con người nữ anh hùng "hái bom" ngày anh Nguyễn Quốc Việt nhận quân hàm Đại tá.

Hàng ngày, người dân ở khu Dân cư Hoàng Phát phường 1 TP Bạc Liêu thấy một bà mẹ ngoài 80, thỉnh thoảng bước ra cửa ngóng con cháu như bao người mẹ khác. Ít ai biết rằng, người phụ nữ bình dị ấy là Võ Thị Xuân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), thương binh 4/4, vợ liệt sỹ, đã 60 năm tuổi Đảng, từng dọc ngang chiến trường với hàng trăm trận đánh, tháo gỡ hàng trăm bom Mỹ lớn nhỏ, nguyên là Huyện đội phó Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau. Hay còn được mọi người gọi với cái tên trìu mến "má Chín Xuân".

Nữ Anh hùng LLVTND Võ Thị Xuân, thương binh 4/4, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, nguyên Huyện đội phó Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau.
Nữ Anh hùng LLVTND Võ Thị Xuân, thương binh 4/4, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, nguyên Huyện đội phó Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau.

Mang thai vẫn xông xáo “hái bom”

“Cà Mau thời đánh Mỹ ai mà không biết cô gái hái bom Chín Xuân, một mình chị đang mang thai nhưng có ngày gỡ cả trăm trái bom lớn nhỏ” – Thượng tá Lê Quang Tâm, nguyên Chỉ huy phó Chính trị BCHQS huyện Đông Hải tỉnh Bạc Liêu, từng công tác chung với má Chín Xuân ở huyện đội Trần Văn Thời trong kháng chiến chống Mỹ kể.

Cô gái hái bom, Anh hùng LLVTND Võ Thị Xuân, huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
Cô gái hái bom, Anh hùng LLVTND Võ Thị Xuân, huy hiệu 30 năm tuổi Đảng

Theo Thượng tá Lê Quang Tâm, tháng 4 năm 1965, khi đang là Xã đội trưởng Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), má Chín Xuân chỉ huy đội du kích cùng bộ đội chủ lực bao vây bức rút  Chi khu Rạch Ráng, đánh lấn Sông Đốc. Mỹ Ngụy đã dùng loại bom hiện đại như bom nổ chậm, bom napal, bom bi, bom bươm bướm… rải dài 20 km dọc hai bờ sông Ông Đốc để ngăn quân ta áp sát bao vây căn cứ chúng. Đây là những loại bom hiện đại thời đó, trong đó có bom chùm cải tiến tương tự loại đang được sử dụng tại chiến trường Ukraine hiện nay mà thế giới cấm sử dụng. Khi nổ sẽ tạo ra hàng ngàn vụ nổ nhỏ với mức sát thương khủng khiếp đối với người. Nhưng nguy hiểm nhất là những quả bom nhỏ (bom bươm bướm) sau khi rời bom mẹ, rơi vãi trên cành cây, mặt đất nằm yên đợi nổ, mỗi khi có người - vật va chạm sẽ kích nổ tạo ra những vụ nổ sức công phá lớn. Điều này đã làm người dân hoang mang, lòng quân dao động.

Sau khóa tập huấn ngắn ngày từ Công binh của Quân khu 9, má Chín Xuân khi đó đang mang thai đứa con đầu lòng 6 tháng, đã nhanh chóng tình nguyện lao vào gỡ bom trước những đôi mắt nể phục của đồng đội. Đôi tay khéo léo của người phụ nữ và ý chí kiên cường của người chỉ huy đã tạo kỷ lục. Chỉ trong 5 ngày đã gỡ 400 quả bom bươm bướm, vô hiệu hóa hàng trăm quả bom lớn nhỏ các loại khác. “Trái nào gỡ được thì gỡ, trái nào bự quá thì tháo ngòi nổ rồi báo công binh xưởng lên khiêng về lấy thuốc nổ, chớ mình má khiêng trái bom mấy trăm kg sao nổi” – má Chín cười tươi với phóng viên.

"Mang thai mà đi gỡ bom, má có sợ không?" - "Không!", má Chín Xuân trả lời chắc nịch

“Gỡ mấy trăm quả bom bươm bướm, nhưng hồi đó tụi tui nể nhất là chị Chín đã gỡ rất nhiều bom 250kg, bom chùm chưa nổ… trong khi đang mang thai thằng con lớn. Bởi vậy cánh đàn ông tụi tui đặt danh chị là cô gái hái bom” – Thượng tá Lê Quang Tâm kể.

Người chỉ huy gạn dạ can trường

Khi phóng viên hỏi: “Hồi đó đang mang thai anh Việt mà má đi gỡ bom vậy, má có sợ chết không?”, má trả lời gọn lỏn: “Không, có gì phải sợ!”

Cuộc đời má Chín Xuân đã cùng đồng đội tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ cùng bộ đội chủ lực hoặc địa phương quân. Nhưng sự gan dạ thông minh vẫn luôn thể hiện trong người “cô gái hái bom.”

Người chỉ huy dan gạ can trường
Người chỉ huy dan gạ can trường

Sau đợt gỡ bom, má Chín Xuân cùng đồng đội tiếp tục bao vây yếu khu Sông Đốc. Trận chiến ác liệt kéo dài, có lúc ta buộc rút lui bỏ trận địa. Vậy mà má Chín Xuân vẫn không bỏ xác đồng đội, cả đêm áp sát trận địa cũ để đưa 2 liệt sỹ về tuyến sau truy điệu an táng, dù mình vẫn đang mang thai 6 tháng.

Ít hôm sau, quân ta lại đào hào bao vây đánh lấn yếu khu Sông Đốc có hỏa lực trọng liên 20ly yểm trợ. Lúc má cùng đơn vị đào hào áp sát, địch phát hiện đánh vào đội hình trận địa, nhiều anh em buộc rút lui bỏ súng 20 ly. Má Chín cùng vài đồng chí khác vẫn bám trụ quyết tử giữ trận địa. Khi giặc biết chỉ huy quân ta là nữ, đã hô hào xông lên bắt sống. Nhanh như chớp, má nhào lên khẩu 20ly siết cò, hỏa lực mạnh khiến quân giặc hoảng loạn tháo chạy rút vào trong căn cứ. Đến sáng, quân ta đếm được 28 xác giặc nằm ngổn ngang trước trận địa, chỉ cách yếu khu Sông Đốc chưa đầy 300m.

Ký ức thời hái bom oanh liệt vẫn luôn trong má Chín Xuân
Ký ức thời hái bom oanh liệt vẫn luôn trong má Chín Xuân

Đại tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Chỉ huy phó BCHQS tỉnh Bạc Liêu kể: “Những năm 1971- 1974, tôi là đại đội trưởng Cối 81 của tỉnh Cà Mau, đơn vị  tôi từng phối hợp cùng đơn vị của má Chín Xuân bao vây bứt rút tiêu diệt các đồn Vàm Đình, Sông Đốc…, Tôi biết chị Chín Xuân là một chỉ huy quyết liệt gan dạ mưu trí. Thấy khó không nản, mà quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.”

“ Bởi vậy những trận đánh đó thắng lợi đều có dấu ấn của chị Chín Xuân và địa phương quân huyện Trần Văn Thời. Nên chị Chín Xuân được phong Anh hùng LLVTND là xứng đáng” – Đại tá Nguyễn Xuân Hùng nói.

Người vợ liệt sỹ bình dị

Má Chín Xuân sinh năm 1939, 16 tuổi tham gia cách mạng. Làm giao liên chuyển thư từ tài liệu quan trọng cho những đồng chí đứng đầu Tỉnh ủy Cà Mau những năm sau hiệp định Genève 1954 như Tám Sấn, Sáu Già, Mười Kỷ… Năm 20 tuổi bị giặc bắt, tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không khai thác được gì từ cô gái nhỏ nhắn.

Những trận chống càn của du kích xã Phong Lạc gắn liền tên tuổi má Chín Xuân, khi lực lượng nhỏ bé của ta đã đối đầu hàng trăm trận đánh với những đơn vị thiện chiến của giặc: Trung đoàn 32/Sư đoàn 21, Lữ đoàn Biệt động quân đóng ở Rạch Bần… có hỏa lực mạnh của pháo binh, không quân hỗ trợ tuyệt đối. Chẳng những địch không thể thực hiện được ý đồ bình định, mà đội  du kích xã Phong Lạc dưới sự chỉ huy của Xã đội trưởng Võ Thị Xuân đã cùng quần chúng nhân tiêu diệt san bằng 3 đồn Rạch Láng – Ông Tự - Cái Bát.

Năm 1971, má sinh đứa con gái út, chồng má là Mã Xuân Búi lúc này công tác tại phòng cơ yếu Quân Khu, được điều về làm Đại Đội phó Đại đội thông tin tỉnh Rạch Giá thì hy sinh. Cùng lúc má nhận quyết định làm Huyện đội phó Trần Văn Thời phụ trách tác chiến - tác huấn. Nợ nước - thù nhà, việc quân - việc con buộc má phải lựa chọn khi tình hình chiến trường đang khẩn cấp. Sau bao đêm khóc người chồng đã hy sinh, má ôm ba đứa con còn nheo nhóc, có đứa vẫn còn đang bú đi gửi người thân để lo việc nước, việc quân. Lau nước mắt khóc chồng, gạt lệ xa con, má lại dẫn quân ra trận. Nỗi đau mất chồng, xa con đã dồn lên mũi súng của người nữ anh hùng, trở thành lòng quả cảm trút lên quân giặc.

Má Chín Xuân bên người con trai từng nằm trong bụng mẹ đi hái bom, nay là Đại tá QĐNDVN. Cả đời ba, má theo Đảng, nên má mong muốn các con cháu hết lòng vì nước vì dân.
Má Chín Xuân bên người con trai từng nằm trong bụng mẹ đi hái bom, nay là Đại tá QĐNDVN. Cả đời ba, má theo Đảng, nên má mong muốn các con cháu hết lòng vì nước vì dân.

Sự thông minh quả cảm của người phụ nữ Việt Nam bình dị đó đã đóng góp to lớn vào trận chiến đồn Vàm Đình, Chi khu Rạch Ráng, khu Sông Đốc và cuối cùng bao vây đánh lấn buộc Chi khu Rạch Ráng đầu hàng... 

Ước mơ  được đi Hà Nội chuyến nữa

Khi phóng viên Kinh tế & Đô thị hỏi hiện ước mơ má là gì, má trả lời gọn lỏn: “Được đi Hà Nội chuyến nữa.”

Má kể, hồi chiến tranh, ao ước của má là hòa bình má được ra Thủ đô, được thăm Lăng Bác, được ngắm nhìn "trái tim" cả nước xinh đẹp như thấy Tổ Quốc mênh mông. “Những năm 2.000, má cũng từng được tỉnh Bạc Liêu tổ chức đưa đi, nhưng giờ má già rồi, sắp nằm xuống, muốn thăm Thủ đô, thăm Bác Hồ lần cuối mà sức khỏe yếu quá” – má ao ước.

Má nói: “Đất nước hòa bình đã mấy mươi năm, bao thế hệ ngã xuống, bao thế hệ đã già đi. Đứa con nằm trong bụng cùng đi hái bom với má năm xưa bây giờ cũng là đại tá, đã nghỉ hưu. Má mong muốn đât nước luôn hòa bình như bây giờ, đừng có chiến tranh hy sinh chết chóc như hồi đó. Bom đạn ác liệt, làng quê không còn gì cả. Ngày 27/7 năm nay má không thể ra nghĩa trang để thắp hương cho ba mấy đứa nhỏ và đồng đội của má được vì sức khỏe yếu. Má kêu làm mâm cơm, rồi đốt nén nhang cúng ba tụi nó, cũng vừa làm bữa giỗ trận chung cho những đồng đội của mình đã hy sinh.”

Lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu thăm má Chín Xuân nhân ngày 27/7
Lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu thăm má Chín Xuân nhân ngày 27/7

Đại tá Nguyễn Quốc Việt – con trai cả, người từng nằm trong bụng mẹ đi tháo bom năm xưa kể: “Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương thời chiến tranh của má lại nhức, nhưng lại canh cánh muốn đi Hà Nội thăm Bác Hồ, muốn thăm lại đồng đội năm xưa, kể cả người còn, người mất. Nhưng sức khỏe má ngày càng xuống nên không thể thực hiện đươc.”

“Cả đời má theo Đảng, theo Quân đội. Má muốn con cháu má sau này cũng theo gương má vì nước, vì dân.” – Đại tá Việt nói.