Bỗng dưng trở thành người lang thang
Là những đối tượng mới được đón về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đêm ngày 30 Tết nên ông Trần Công Chính, anh La Văn Hạo,… được sắp xếp ở khu vực riêng trong 7 ngày để phòng chống dịch bệnh. “Từ hôm qua, tôi được các cán bộ Trung tâm đưa vào đây ăn Tết là vốn quý. Nếu như không gặp được các anh chị, rất có thể hôm nay và những ngày sau, tôi vẫn ở gầm cầu và chịu đói rét”- ông Trần Công Chính (sinh năm 1962, quê quán: Xã An Phú, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) xúc động nói.
Thế rồi, người đàn ông 61 tuổi kể về việc bỗng dưng trở thành người lang thang bất đắc dĩ. Chả là, trước đó hơn 1 tháng, ông từ Thái Bình lên Hà Nội làm thợ xây cho 1 ông chủ mong có khoản tiền mua sắm Tết. Ông chủ hứa trả công thợ xây 350.000 đồng/ngày, bao ăn, ngủ tại công trình, ứng trước 600.000 đồng và hẹn ngày 28 Tết sẽ thanh toán hết tiền công thợ. Nhưng tới ngày 28 Tết, những người thợ xây không tìm thấy chủ thầu đâu, người thân không có, trong khi đã tiêu hết số tiền trong người, ông Chính đành phải đi lang thang, vạ vật ở Hà Nội. “Đêm 30 Tết khi tôi đang ngồi bó gối ở gầm cầu Mỹ Đình, nghĩ tiếc gần 10 triệu đồng tiền công bị mất thì các thành viên Đội Trật tự xã hội lưu động đến hỏi thăm và mời về Trung tâm đón Tết.
La Văn Hạo (sinh năm 1998, quê quán xã Chiềng Ken, huyện Văn Ban, tỉnh Lào Cai) cũng có hoàn cảnh giống ông Trần Công Chính, đang từ người có công ăn việc làm trở thành thanh niên lang thang bất đắc dĩ ở Hà Nội. Hơn 2 tháng trước, Hạo cùng một người bạn từ Lào Cai xuống Hà Nội đi làm thợ sơn cho một cai thầu được nuôi cơm và hứa trả lương 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Hạo làm 2 tháng vẫn chưa được lĩnh tiền lương mà ông chủ hẹn làm đến ngày 29 Tết sẽ trả luôn một cục.
Ngày 29 Tết, anh em thợ sơn không thấy ông chủ đến để thanh toán tiền, mọi người khóc than vì làm bao nhiêu ngày công mà chẳng được trả đồng nào. Không có tiền về quê, tài sản chỉ có mỗi bộ quần áo mặc trên người, người thanh niên dân tộc Tày đành đi lang thang ở nơi công cộng, ai cho gì ăn nấy, tối tìm đến gầm cầu làm nơi trú ngụ với những trăn trở không biết đi đâu về đâu trong những ngày tới đây. Thế rồi, may mắn thay, Hạo đã được gặp các cán bộ, nhân viên Đội Trật tự xã hội lưu động...
Ai cũng được đón Tết ấm áp, vui vẻ
Khi được đưa vào Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, những người lang thang được bố trí ngủ trong phòng, mỗi người một giường, có chiếu, gối, chăn ấm. Mọi người được ăn Tết 5 ngày (từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 3 Tết. Ông Trần Công Chính khoe với phóng viên: Trung tâm tổ chức cho chúng tôi ăn Tết gồm có những món giống như Tết ở quê gồm có giò lụa, bánh chưng, canh khoa tây nấu xương, dưa hấu, sữa,… Lãnh đạo Trung tâm còn đi đến tận nơi chúng tôi ở để chúc Tết và mừng tuổi. Còn La Văn Hạo lại thích món bánh chưng xanh dẻo thơm của gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn.
Đối với những người lang thang xin tiền được tập trung vào Trung tâm cũng được lãnh đạo đơn vị tổ chức ăn Tết trong không khí đầm ấm và vui vẻ như ở gia đình. “Bữa trước tôi không có công ăn việc làm, cứ đi lang thang ngoài đường, ai cho gì thì ăn nấy, rồi được các cán bộ đưa vào Trung tâm. Ở đây, tôi không bị rét như ngoài đường mà được các cán bộ thăm khám sức khỏe, cho ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; hàng ngày được xem phim, tập thể dục… Trong các ngày Tết có nhiều món ăn truyền thống như canh măng, thị gà luộc, giò tai lợn, giò lụa, củ hành muối…nhưng tôi thích nhất thịt bò xào rau cần, ngon lắm” - đối tượng Lê Văn Tâm (quê Phú Thọ) cho hay.
Chị Phạm Thị Thanh Hương – Trưởng Phòng Y tế nuôi dưỡng, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cho biết, Trung tâm tổ chức cho các đối tượng ăn Tết từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 3 Tết, với định mức 100.000 đồng/ngày/đối tượng (500.000 đồng/5 ngày), tăng gấp 5 lần so với Tết năm trước. Vì thế, năm nay các đối tượng được ăn Tết to, với nhiều món ngon.
Buổi sáng ngày mùng 1 Tết, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Quảng đã thay mặt lãnh đạo đơn vị chúc Tết và mừng tuổi cho tất cả 34 đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây. Ngoài ra, trong những ngày Tết, lãnh đạo Trung tâm tổ chức cho bà con sinh hoạt văn nghệ hát karaoke, chơi đá cầu, cầu lông, tú lơ khơ. Ở khu vực ngoài sân có bố trí cà phê, nước trà để bà con ngồi ghế đá uống và nói chuyện vui vẻ.
Thông tin về công tác tập trung người lang thang trong dịp Tết và những ngày sau Tết, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chỉ đạo phòng LĐTB&XH Hà Nội 30 quận, huyện, thị xã và các trung tâm bảo trợ xã hội đều đã có xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong dịp Tết này, từ ngày mùng 1 Tết trở đi đến Rằm tháng Giêng là cao điểm, chúng tôi phân công các lực lượng, các đội đi tăng cường kiểm tra, rà soát các địa bàn và tập trung vào những đình, đền, chùa, miếu, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội để kịp thời rà soát, phát hiện ra những đối tượng lang thang xin tiền.
“Chúng tôi cũng sẽ phối hợp nhịp nhàng và tích cực với chính quyền địa phương để kịp thời tập trung đưa những đối tượng này về Trung tâm bảo trợ xã hội để làm đẹp cảnh quan và mỹ quan ở những nơi công cộng này trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 cũng như để ai cũng được đón Tết trong không khí ấm áp và vui tươi”- ông Nguyễn Hồng Dân cho hay.