Sơn La: các chương trình mục tiêu quốc gia đã tác động tích cực đến người dân
Kinhtedothi - Để thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện.
Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh Sơn La để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 4.320 tỷ đồng. Đến hết tháng 3/2025, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 15%, cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước 9,98%.
UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các quy định về cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn của các bộ, cơ quan trung ương. UBND tỉnh đã chỉ đạo trực tiếp quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm.

Thi công dự án đường trục chính đô thị - nội thị Mộc Châu.
Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có tác động tích cực đến đối tượng là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em, các nhóm khó khăn đặc thù, dễ tổn thương, nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù…
Kết quả cho thấy, nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ đất ở, xây dựng và cải tạo nhà cho 640 hộ dân; xây dựng 85 công trình cấp nước tập trung phục vụ hơn 8.200 hộ; xây dựng và cải tạo hơn 160 công trình giao thông nông thôn; 190 nhà sinh hoạt cộng đồng...
Kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ xây dựng trên 50 công trình hạ tầng các loại; duy tu bảo dưỡng gần 90 công trình. Kết nối việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho hơn 70.600 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 7.800 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ ở vùng khó khăn.
Đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu như tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2024 giảm còn khoảng 19,23%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch ước đạt 42%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa ước đạt 98,53%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện an toàn ước đạt 96,9%; 100% người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Tình hình an ninh, trật tự xã hội vùng dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) từ năm 2021 đến nay, huyện được cấp trên 436 tỷ đồng cho 3 chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, đã giải ngân trên 256 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện phân bổ xây dựng gần 100 công trình hạ tầng cơ sở, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất cho nhân dân.
Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, trị giá hơn 650 triệu đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự cũng như giúp nhân dân đi lại thuận lợi hơn... giúp bản đạt tiêu chí bản nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Gần 4 năm qua, từ việc kết hợp nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia với các nguồn vốn khác, huyện Phù Yên đầu tư xây dựng mới 7 dự án nước sinh hoạt tập trung tại các xã đặc biệt khó khăn, tổng mức đầu tư gần 23 tỷ đồng. Trong đó, đưa vào sử dụng 6 dự án, góp phần tăng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong toàn huyện lên hơn 95%.
Cùng với đó, 100% xã của huyện Phù Yên có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; hệ thống thủy lợi và nước sạch sinh hoạt được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Các bản xa trung tâm được xây dựng lớp học kiên cố, cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các trường học không ngừng được tăng cường, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, 100% số xã và thị trấn có trạm y tế; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,15%.
Bằng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2023 đến nay, huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) đã đầu tư trên 120 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, công trình nước sinh hoạt tập trung, xây dựng điểm sắp xếp, bố trí, ổn định dân và hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất, trồng mới rừng sản xuất.
Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La đã chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai triển khai thêm 2 chương trình mục tiêu quốc gia mới trong năm 2025
Kinhtedothi- Ngày 7/3, tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến 2 cấp triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh năm 2025.

Hải Dương: thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2025
Kinhtedothi - Năm 2025, toàn tỉnh Hải Dương phấn đấu duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chỉ đảm bảo 100% số xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cơ bản đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.