1. Nghĩa cử cao đẹp như của chị Hương được nhân lên trong cộng đồng khi ở Đà Nẵng đã có hàng chục điểm phát khẩu trang miễn phí cho người dân, du khách.
Tiêu biểu như, chủ một cửa hàng kinh doanh nhỏ trên đường Trần Bạch Đằng (chị Duyên, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã bỏ tiền túi 4 triệu đồng mua 2.500 chiếc khẩu trang phát miễn phí cho mọi người.
Chị Kim Phương ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng gom được hơn 2.000 cái khẩu trang y tế mang phát miễn phí cho người dân, với chia sẻ: “Một cái khẩu trang không đáng là bao nhưng nhiều người dân lao động chi ra cũng tiếc tiền nên mình phát miễn phí để bảo vệ sức khỏe cho họ cũng như bảo vệ cộng đồng và chính mình”.
Trong “tâm bão” của dịch do chủng mới của virus Corona, thật ấm lòng khi đọc được những dòng tin như thế của chị Hương, chị Duyên, chị Phương. Ấm lòng hơn khi khắp các địa phương cả nước từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… ngày xuất hiện càng nhiều những câu chuyện đẹp về phát khẩu trang miễn phí cho người dân.
Đó là những điều tử tế. Đó là những tấm lòng thể hiện tình dân tộc, tình đồng bào của người Việt: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Chợt nghĩ đến chuyện nhiều nhà thuốc tranh thủ lúc dịch diễn ra tăng giá khẩu trang để kiếm lời trên nỗi lo sợ của đồng bào mà buồn ghê gớm.
Chúng ta, hãy có trách nhiệm nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, những điều tử tế trong xã hội, để không phải chứng kiến những câu chuyện buồn về tình trạng xói mòn đạo đức xã hội.
2. Tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch diễn ra ngày 31/1 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã truy vấn Giám đốc Sở Du lịch về chuyện một khách sạn trên địa bàn ngưng cung cấp dịch vụ với 2 khách Trung Quốc sau khi họ lên bệnh viện khám vì bị sốt.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong dịp Tết vừa qua, có 2 khách Trung Quốc bị sốt nên đi bệnh viện khám, trong đó một du khách được giữ lại điều trị cách ly, khách còn lại được cho về vì bệnh nhẹ, hết sốt. Khi về thì du khách trên bị khách sạn đuổi, không cho lưu trú nên lang thang ngoài đường giữa đêm. Sau đó, Sở Du lịch Đà Nẵng tìm cách liên hệ với các khách sạn trên địa bàn có nhận khách Trung Quốc để tiếp nhận họ.
Sau khi nghe báo cáo, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng làm du lịch mà hành xử như vậy là chưa được! Việc đẩy khách đang ốm đau ra khỏi khách sạn giữa đêm là để họ đối mặt với nhiều nguy cơ, thậm chí nếu họ mang bệnh thì đó là mầm họa cho xã hội. Khách sạn có thể có nhiều cách xử lý tốt hơn như báo với Sở Y tế hoặc bệnh viện và hỗ trợ họ chi phí cách ly, nằm viện chứ cho họ ra đường giữa đêm thì vô tình quá.
“Là người ai cũng có lúc ốm đau cần sự giúp đỡ, huống chi họ là khách từ phương xa tới. Ứng xử vậy sao gọi là văn minh, sao người ta còn muốn đến với TP mình được? Phải ứng xử thế nào để khi du khách về rồi họ vẫn còn nhớ đến Đà Nẵng với ấn tượng tốt”, ông Thơ nói.
Ai cũng có nỗi lo về dịch virus Corona và cần có cách phòng chống cho mình, người thân, cộng đồng. Nhưng đừng vì nỗi lo ấy mà kì thị, ứng xử thiếu tình người, kém văn minh! Thử đặt mình vào trường hợp vị khách ấy bạn sẽ cảm thấy tủi thân hay không?
Có đi qua hoạn nạn mới thấu được lòng nhau. Hơn bao giờ hết, trong hoạn nạn, tình người mới là thứ mà chúng ta cần và cần phát huy!