Có 80 nghìn tỷ đồng đang “nằm chờ” đổ vào thị trường chứng khoán

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù dòng tiền “chảy” vào thị trường chứng khoán có ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số lượng tài khoản mở mới vẫn đang ở mức kỷ lục, phản ánh sức hấp dẫn của kênh đầu tư này.

Thị trường phân hoá rõ nét

Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán 21/7, VN-Index tăng 4,33 điểm (0,36%) lên 1.198,47 điểm, HNX-Index giảm 0,78 điểm (0,27%) về 288,09 điểm, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (0,27%) đạt 89,12 điểm.

Nhà đầu tư trong nước đã mở mới đến hơn 1,8 triệu tài khoản trong 6 tháng đầu năm 2022
Nhà đầu tư trong nước đã mở mới đến hơn 1,8 triệu tài khoản trong 6 tháng đầu năm 2022

Nhóm Bluechips phiên này nâng đỡ thị trường khi hàng loạt mã bứt phá mạnh. MWG, MSN và GAS là 3 cổ phiếu kéo thị trường đi lên. Ở chiều ngược lại VCB và VHM tác động nhiều nhất vào sự sụt giảm chỉ số.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực khi 16/27 mã đóng cửa trong sắc xanh, chỉ 4 mã đứng giá tham chiếu và 5 mã giảm giá. Nhiều cổ phiếu có mức tăng tốt như: LPB, PHB, KLB, VBB…

Nhóm thép phiên này cũng phân bố khá rõ nét. Tuy vậy, 3 cổ phiếu lớn là HPG, HSG, NKG vẫn duy trì mức tăng tốt trên 1%. Đặc biệt là HPG khi bứt phá 1,6% lên 22.700 điểm, đóng góp 0,5 điểm cho VN-Index.

Diễn biến ngược chiều tại nhóm cổ phiếu chứng khoán khi gặp áp lực chốt lời khá mạnh sau khi những thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh công bố. Theo đó, hàng loạt công ty chứng khoán ghi nhận tăng trưởng âm, thậm chí, thua lỗ trước nhiều biến động tiêu cực của thị trường trong quý 2 vừa qua.

Sắc đỏ bao trùm gần hết nhóm cổ phiếu chứng khoán với loạt mã giảm sâu trên 3% như: VFS, APG, ORS, VDS. Sắc đỏ cũng hiện hữu tại nhiều mã lớn như như: HCM, VCI, VND,...

Nhận định về thị trường chứng khoán ngày 22/7, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, thị trường đang trong giai đoạn đầu của mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên nên nhìn chung sẽ có sự phân hóa, dòng tiền theo đó sẽ luân chuyển và cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ. Bối cảnh thế giới lúc này đáng chú ý hơn khi tâm điểm chú ý sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tuần sau, trong khi đó ngân hàng trung ương châu Âu cũng sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm. Do vậy, tâm lý nhà đầu tư có xu hướng thận trọng ở 1 -2 phiên sắp tới, thị trường có thể dao động trong vùng 1.180 -1.205 điểm với thanh khoản thấp.

Còn công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặc dù rủi ro rung lắc vẫn còn hiện hữu, cơ hội mở rộng đà tăng điểm tích cực của VN-Index và hướng lên vùng kháng cự kế tiếp quanh 1.220 vẫn đang có phần chiếm ưu thế. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở và chỉ mở mua trở lại quanh ngưỡng hỗ trợ đối với cổ phiếu mục tiêu.

Còn 80 nghìn tỷ đồng “nằm sẵn” trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư

Có thể thấy, thị trường chứng khoán đang trải qua một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ cách đây 2 năm. Thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm, từ những phiên khớp lệnh tỷ USD nay chỉ còn bình quân 12.000 - 13.000 tỷ mỗi phiên trên cả 3 sàn. Không loại trừ khả năng một lượng tiền lớn đã được nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường.

Theo ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 2/2022 đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, giảm 20.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục vào cuối quý trước và là mức thấp nhất kể từ quý 1/2021. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 30/6/2022.

Bên cạnh sự vơi đi của lượng tiền trong tài khoản nhà đầu tư, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán cũng đã giảm mạnh sau khi chạm đỉnh vào cuối quý trước. Số liệu thống kê cho thấy con số này thời điểm cuối quý 2/2022 ước tính đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, giảm 50.000 tỷ so với đỉnh hồi cuối quý 1. Cần phải lưu ý, đây là dư nợ chưa bao gồm cho vay 3 bên và nếu tính thêm từ nguồn này, con số thực tế có thể lớn hơn.

Xu hướng giảm của thanh khoản thị trường, số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư và dư nợ vay tại các công ty chứng khoán trái ngược hoàn toàn với sự bùng nổ về số lượng tài khoản chứng khoán mở mới. Theo thống kê, nhà đầu tư trong nước đã mở mới đến hơn 1,8 triệu tài khoản trong 6 tháng đầu năm, vượt xa so với con số kỷ lục trong năm 2021 trước đó.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, về cơ bản, số tài khoản mở mới đã không còn phản ánh sát thực lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường khi mà một người có thể dễ dàng mở tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chứng khoán đang dần trở thành một kênh đầu tư ngày càng phổ biến trong dân số. Triển vọng lạc quan trong dài hạn của thị trường được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư mới trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần