Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ cấu lại sản xuất là yếu tố sống còn của doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi tinh gọn quyết định sự tồn tại trong tương lai của các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Ngoài tự thân của chính mình trong thực tế, sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách cũng là điểm mấu chốt để DN tăng sự cạnh tranh, giảm chi phí, phát triển bền vững.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH 4P (Khu Công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Giang, Hưng Yên) cung cấp cấp vào chuỗi của LG. Ảnh: Hoàng Anh
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH 4P (Khu Công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Giang, Hưng Yên) cung cấp cấp vào chuỗi của LG. Ảnh: Hoàng Anh

Kiên trì mới mang lại thành quả

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn được đánh giá là ngành có nhiều triển vọng. Tính đến hết tháng 7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo Bộ Công Thương, tính riêng trong tháng 6 và 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng giảm, chủ yếu do sự sụt giảm của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như xơ, sợi dệt các loại; gỗ và các sản phẩm gỗ; giày dép các loại; dây điện và cáp điện… cũng giảm.

Giám đốc PNQ Solutions Co., Ltd. Phạm Minh Thắng chia sẻ, dịch Covid-19 đã cho thấy các lỗ hổng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Do đó, các DN phải suy nghĩ lại về tính linh hoạt và hiệu quả cao hơn ở cấp độ tổng thể của chuỗi cung ứng. Đối mặt với những thách thức chưa từng có, chuyển đổi tinh gọn không chỉ là một lựa chọn cho các nhà sản xuất - đó là vấn đề mang tính quyết định sự tồn tại trong tương lai của các DN.

“Khi nói về nhà máy tinh gọn, hiệu quả từ thực tiễn cho thấy, DN nên xác định không phải cuộc đua 100m, hay 200m, mà là cuộc chạy Marathon đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì mới mang lại thành quả” - CEO Phạm Minh Thắng ví von.

Liên quan đến đầu tư tinh gọn về vật chất trước cho cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, hay ưu tiên đầu tư tinh thần đào tạo nhân lực quản lý có tư duy, kiến thức, ông Phạm Minh Thắng cho rằng, để cụ thể hóa tầm nhìn, chiến lược tùy vào tình hình cụ thể của DN. Để thực hiện kế hoạch trung hạn, phải nhìn nhận đánh giá đúng bản chất hiện trạng của DN đang ở đâu, mong muốn là gì, điều gì đang là cản trở lớn nhất?...

Cần nỗ lực tự thân của doanh nghiệp

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Huỳnh Trung Hiếu, đại diện Công ty Delta - nhà tư vấn và cung cấp giải pháp toàn cầu cho rằng, sau đại dịch, các ngành sản xuất của Việt Nam cần thay đổi nhanh chóng với nhu cầu ngày càng cao về IOT, robot để giảm chi phí nhân công, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Để giúp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam nắm bắt được những cơ hội phát triển bền vững hơn, DN cần định hướng về tự động hóa công nghiệp cho các nhà máy, đáp ứng nhiều quy mô sản xuất khác nhau với quy trình sản xuất tinh gọn và hiệu quả thiết thực.

“Các DN cần cải thiện năng suất với hệ sinh thái hoàn chỉnh về phần cứng và mềm, thông qua công nghệ tự động hóa tiên tiến và các giải pháp sản xuất thông minh. Sự tinh gọn trong sản xuất, độ bền cũng như độ tin cậy về các cấu kiện công nghiệp trong dây chuyền quản lý sản xuất là một trong những yếu tố thiết yếu” – vị này chỉ ra.

Đánh giá về thực trạng đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương, việc nắm bắt được cơ hội hay không vẫn phụ thuộc năng lực của DN và cơ chế chính sách. Hiện các cơ chế, chính sách khá tạo điều kiện cho DN hoạt động, nhưng bản thân DN phải nâng cao năng lực, quản trị DN tinh gọn, cũng như mong chính sách đi vào thực tế.

“DN rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trước hết ở việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sự liên kết giữa DN và nơi đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn. Về tài chính, các DN cần ngay chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng, cũng như các nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, cũng như các thiết chế tài chính khác” - bà Thúy Hương đề xuất.

Đồng thời, DN còn mong muốn được hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp nhận công nghệ. Dù Chính phủ đã có Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia nhưng lại có quá nhiều quy định, cơ chế ràng buộc DN rất khó tiệm cận. Ngoài ra, nên tiếp tục thực hiện chính sách thu hút FDI có chọn lọc; đưa ra điều kiện cơ bản để các DN FDI có sự lan toả, tạo nhiều cơ hội cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng có hàm lượng công nghệ cao, then chốt để nâng cao sức cạnh tranh.