Cơ chế tham vấn chưa đáp ứng được kỳ vọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một nghiên cứu vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, 78% DN cho biết chưa bao giờ được hỏi ý kiến về dự thảo pháp luật (trong khi 70% trong số hơn 1.000 văn bản pháp luật T.Ư có liên quan đến đối tượng này).

Điều đó cho thấy quá trình tham vấn, lấy ý kiến, góp ý của DN nhằm xây dựng các văn bản pháp luật hiện còn nhiều bất cập, khiến nhiều DN... ngại nói!

78% chưa bao giờ được hỏi ý kiến 

Theo phản ánh của bà Đỗ Thị Thu Phương - đại diện Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Tân Phong, kể từ khi thành lập tới nay, Công ty chưa từng nhận được câu hỏi, phiếu lấy ý kiến nào mà phải tự tìm hiểu để tuân thủ cho đúng, kênh thông tin thông thường là qua báo chí, hiệp hội. Chung nỗi bức xúc này, ông Đặng Thế Lưỡng - Tổng Thư ký Hiệp hội DN quận Hải An (Hải Phòng) cho biết, Hiệp hội rất ít khi được hỏi ý kiến, tham vấn, nếu có được hỏi thì chính quyền cũng chỉ ghi nhận rồi để đấy, có cuộc họp không kết luận, ý kiến của Hiệp hội ít được ghi nhận. “Quận Hải An có nhiều DN quy mô lớn, nếu DN được tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy định pháp luật sẽ giúp kích thích được tăng trưởng kinh tế địa phương” - ông Lưỡng chia sẻ.

Ghi nhận từ một cuộc khảo sát do Ban Pháp chế VCCI cho thấy, hiện có khoảng 70% trong số hơn 1.000 văn bản pháp luật T.Ư hàng năm có liên quan đến DN, 66% DN thừa nhận rủi ro chính sách là một trong 3 rủi ro lớn nhất mà họ gặp phải. Tuy nhiên, tỷ lệ DN chưa bao giờ được hỏi ý kiến về dự thảo pháp luật lên đến 78%. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI còn cho biết thêm một thực tế là trong quá trình tham vấn DN của cơ quan soạn thảo, tỷ lệ DN lớn được hỏi ý kiến gấp 3 lần so với DN nhỏ. Chính vì chưa chú trọng khâu tham vấn DN, đặc biệt những DN nhỏ nên nhiều trường hợp Nghị định, Thông tư ban hành ra gây “sốc” cho DN. Ông Tuấn lấy ví dụ, Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in đã khiến hàng ngàn DN ngành in lao đao vì trước đó, cơ quan quản lý đã bãi bỏ nhiều giấy phép về in tạo thuận lợi cho DN. Trong khi nhiều quy định tại Nghị định 60 lại chưa được lý giải một cách thuyết phục. Theo Nghị định mới, các DN muốn nhập khẩu máy cắt, máy hàn... đều phải xin giấy phép, gây rất nhiều phiền toái.

“Được” nhiều hơn “mất” 

Lý giải về tình trạng kể trên, ông Tuấn cho rằng, cơ chế tham vấn vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các bên đã khiến cho hiệu quả của quá trình tham vấn, lấy ý kiến góp ý từ người dân và DN không cao. Các báo cáo khảo sát trước đây cũng chỉ ra rằng, hoạt động lấy ý kiến người dân và DN hiện nay không cung cấp đủ thông tin cho DN, họ thường xuyên không biết đến việc xây dựng chính sách chứ chưa nói đến việc tham gia vào quy trình này. Trong cơ chế đó, các DN nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều bất lợi hơn so với các DN lớn xuất phát từ sự phân biệt đối xử của cơ quan Nhà nước. Ngược lại, cơ quan Nhà nước đôi khi gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc lấy và tổng hợp ý kiến từ DN. Điều này khiến thông tin không được chuyển tải hoặc bị phản ánh một cách không khách quan, chính xác.

“Phía DN cũng có lỗi là còn thụ động trong việc góp ý cho các văn bản, chính sách pháp luật, người dân cũng thờ ơ, chỉ đến khi đụng chạm đến quyền và nghĩa vụ của họ thì mới lên tiếng” - ông Trần Văn Lợi - đại diện Bộ Tư pháp cho hay. Không ít DN suy nghĩ rằng, việc tham gia xây dựng chính sách là mất thời gian, chi phí và đôi khi có cả rủi ro. DN sợ lên tiếng nhiều thì dễ bị một vài cơ quan quản lý “để ý”, gây khó dễ trong những công việc khác.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ rộng hơn thì việc DN mạnh dạn tham gia góp ý xây dựng văn bản pháp luật, vận động thay đổi quy định, chính sách bất hợp lý sẽ “được” nhiều hơn “mất”. Đơn cử, các DN vận tải biển đã được lợi rất nhiều sau khi vận động cơ quan quản lý bãi bỏ quy định bắt buộc lưu trữ chứng từ vận tải bằng giấy chuyển sang lưu trữ điện tử, từ đó rút từ 208 ngày làm thủ tục xuống còn dưới 10 ngày/năm. Mặt khác, để tiếng nói DN có trọng lượng thì các ý kiến, đề xuất cần được tập hợp dưới danh nghĩa hội và hiệp hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần