Hành động phản giáo dục
Trong đoạn clip, nữ sinh có mái tóc dài, mặc đồng phục học sinh, đứng khoanh tay nhìn về phía trước. Sau vài lời giải thích lý do, cô giáo cầm chiếc kéo đỏ cắt một lọn tóc của nữ sinh trong phản ứng giật mình của nhiều em trong lớp.
Nghe các bạn nói, nữ sinh quay lại thì thấy cô đang cầm một lọn tóc của mình giơ lên. Cô yêu cầu học sinh “đứng im”, liên tục hua kéo lên nói trong cơn tức giận. Cô tuyên bố: "Tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho các bạn biết bởi vì tôi đã nhắc từ trước, em bảo chiều nhuộm lại mà nay vẫn còn".
Nữ sinh này thanh minh và cho rằng cô giáo đang cắt tóc đen thì cô giáo tiếp tục nói: "Hôm nay tôi cắt thật xấu chứ không phải cắt tóc vàng. Đấy là quy định rồi. Từ sau Tết Nguyên đán, nhà trường nhắc rồi mà vẫn để cụm light đấy...".
Sau khi clip được đăng tải và chia sẻ thì cộng đồng mạng, trong đó có đông đảo học sinh, phụ huynh đều thể hiện thái độ bức xúc, phản đối cách hành xử của cô giáo.
“Đứng giữa bục giảng, trong môi trường sư phạm chuẩn mực được cho rằng "trường học hạnh phúc", "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", dù bất cứ lý do gì thì hành động của cô giáo vẫn là phản giáo dục, đáng phê phán và không thể chấp nhận” - một bạn đọc nêu ý kiến.
Theo xác nhận của đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, sự việc trên xảy ra vài ngày trước tại lớp 10A10, Trường THPT Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ngay khi nắm được thông tin, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã xuống làm việc với lãnh đạo Trường THPT Đội Cấn.
Qua xác minh ban đầu cho thấy, nhà trường có quy định về trang phục học sinh gọn gàng, màu tóc tự nhiên. Một số học sinh sau thời gian nghỉ Tết đã xử lý màu tóc nhưng chưa triệt để. Xuất phát từ việc nóng vội, cô giáo đã có xử lý chưa phù hợp với môi trường giáo dục, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Trước mắt, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu nhà trường ổn định tâm lý cho cả giáo viên và học sinh. Đồng thời làm việc với phụ huynh, học sinh, giáo viên liên quan có báo cáo cụ thể.
Khi có thông tin chính thức, Sở sẽ đối chiếu với quy định, nội quy ứng xử trong nhà trường để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định. Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng sẽ tiếp tục có văn bản chấn chỉnh toàn ngành để răn đe và giáo dục.
Cần yêu thương, tôn trọng học sinh
Bày tỏ ý kiến về sự việc trên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bày tỏ: “Hành động cắt tóc học sinh tại lớp cho thấy cô giáo đang cậy mình làm đúng nội quy của trường để thể hiện sự bức xúc cá nhân khi trò không nghe lời. Cô quên nguyên tắc cơ bản trong môi trường sư phạm là tôn trọng học sinh và giáo viên không được quyền xúc phạm học sinh. Hành động cắt tóc học trò của cô là thô bạo và môi trường sư phạm không cho phép có cách ứng xử như vậy”.
Khẳng định mục tiêu của nội quy, quy định là giáo dục học sinh chứ không phải xử phạt, bêu rếu, bôi nhọ học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cô giáo có hành động này cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng sư phạm của mình. Các giáo viên khác cũng cần coi đó là bài học để thay đổi bản thân theo hướng tốt hơn.
Còn diễn giả Đỗ Thái Đăng - Giám đốc Công ty Giáo dục Nhân tài Đất Việt bày tỏ: Kim chỉ nam trong giáo dục là sự lắng nghe, thấu hiểu để từ đó có cách giáo dục tinh tế, linh hoạt và hiệu quả.
Kể cả khi học sinh vi phạm nguyên tắc, quy định của nhà trường, thầy cô cũng không nên cứng nhắc mà cần có cách ứng xử để học sinh biết mình chưa đúng. Từ đó trò rút ra bài học mà thầy cô vừa giữ được cái uy của người thầy, vừa thể hiện tình thương yêu học trò. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của thầy cô.
Học sinh ở tuổi học trung học, nhất là THPT đang trong quá trình thay đổi về tâm lý. Nhiều em có các sở thích làm đẹp hoặc thể hiện cá tính như: Sơn móng tay, móng chân, mặc váy đồng phục ngắn, áo rộng, đi giày hầm hố, làm tóc xoăn, nhuộm tóc…
Các em mong muốn thể hiện bản thân và được người khác ghi nhận. Đây là tiến trình bình thường của sự phát triển tâm lý con người và cần được tôn trọng thay vì chì chiết, đay nghiến, chửi bới, phê phán… Thầy cô phải có năng lực làm chủ cảm xúc, có tình yêu thương học sinh lớn lao, kiên nhẫn để lắng nghe, cảm thông và bao dung với học trò.
“Mọi hành xử trong cuộc sống, trong đó có xử lý tình huống sư phạm luôn bắt đầu bằng sự lắng nghe. Các thầy cô cần hạ cái tôi xuống, bỏ đi quan điểm, cách nhìn của mình để lắng nghe học trò bằng thái độ nghiêm túc và thấu hiểu. Khi đó sẽ có cách hành xử đúng mực và đầy yêu thương” - diễn giả Đỗ Thái Đăng cho biết.
Xử lý học sinh vi phạm như thế nào?
Việc học sinh vi phạm các nội quy của nhà trường như nhuộm tóc, làm tóc xoăn... không phải là hiếm, ngược lại rất thường gặp trong các nhà trường.
Với Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nếu học sinh vi phạm lần 1 sẽ bị nhắc nhở và yêu cầu thay đổi, khắc phục. Nếu vi phạm lần 2, nhà trường sẽ từ chối giáo dục, yêu cầu học sinh khắc phục rồi mới quay lại trường. Việc này luôn có sự phối hợp, giáo dục từ phía giáo viên và cha mẹ học sinh.
Còn với Trường THCS & THCS Lương Thế Vinh, nhà trường yêu cầu học sinh chép tay nội quy của trường vào đầu năm học, yêu cầu học sinh cam kết không vi phạm kèm chữ ký xác nhận của phụ huynh. Quy định của nhà trường cũng được giáo viên phổ biến, nhắc lại nhiều lần trong buổi gặp đầu năm, sinh hoạt lớp, đưa lên hệ thống điện tử của trường.
Để phụ huynh phối hợp cùng nhà trường trong việc thực hiện nội quy, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cuối kỳ 1 và cuối năm học, nội quy tiếp tục được phổ biến kèm các hình thức xử lý nếu vi phạm để phụ huynh nhắc nhở các con.
Với riêng chuyện tóc, nếu học sinh nam để tóc dài, giáo viên chủ nhiệm sẽ gặp riêng nhắc nhở, yêu cầu các em về cắt gọn. Giáo viên chủ nhiệm cũng đưa nội dung này lên nhóm phụ huynh kèm thông điệp: Với học sinh nào vẫn không chịu cắt tóc, nhà trường sẽ mời thợ đến trường để cắt tóc cho các em và chi phí hoàn toàn do phụ huynh chi trả.