Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cô giáo tâm huyết với cuộc thi tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Đạt điểm cao nhất trong cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn TP Hà Nội, cô Trần Thị Vân Anh-giáo viên trường THCS Nguyễn Lân (quận Thanh Xuân) nhận định, cuộc thi đã giúp các quy định pháp luật dễ hiểu, dễ nhớ hơn.

Mỗi công dân có thể trở thành tuyên truyền viên phổ biến pháp luật

Trò chuyện với báo Kinh tế & Đô thị, cô giáo Trần Thị Vân Anh cho biết, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến là hình thức tuyên truyền rất hiệu quả, thiết thực để các quy định của pháp luật trở nên dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” đã góp phần phát huy vai trò, vị trí, giá trị của định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến; nhằm tuyên truyền sâu rộng về lợi ích, ý nghĩa của định danh điện tử và thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.

Cô giáo tâm huyết với cuộc thi tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử - Ảnh 1
Cô giáo Trần Thị Vân Anh tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học sinh trong một tiết học ngoại khoá 
Cô giáo Trần Thị Vân Anh tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học sinh trong một tiết học ngoại khoá 

Cuộc thi đã góp phần phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến; từ đó tạo đồng thuận để người dân tích cực tham gia, sử dụng ứng dụng VNeID, dịch vụ công trực tuyến trong các giao dịch. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

 

Với điểm trắc nghiệm 20/20, điểm tự luận 7,25/10, bài thi của cô Trần Thị Vân Anh đạt điểm cao nhất trong cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn TP Hà Nội dành cho người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Ngoài ra, cô cũng đạt giải Nhất cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Chia sẻ về bài thi, cô Vân Anh cho hay, ngay sau khi nhà trường phổ biến kế hoạch triển khai cuộc thi, cô đã chủ động tìm hiểu về mục đích, ý nghĩa cuộc thi, thể lệ, cách thức tham gia dự thi, bộ câu hỏi thi, tài liệu tham khảo để trả lời câu hỏi thi... đã được đăng tải trên website cuộc thi và các văn bản pháp luật liên quan để nắm vững về các quy định và vận dụng để trả lời các câu hỏi của cuộc thi.

“Theo tôi, việc tìm hiểu kỹ mọi khía cạnh của vấn đề, tìm hiểu các văn bản pháp luật liên quan là  rất quan trọng và cần thiết. Đối với phần thi tự luận, từ những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các hồ sơ, giấy tờ, tôi đã mạnh dạn đề xuất những ý kiến, phương thức dễ áp dụng, đơn giản, dễ hiểu cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến” - cô Vân Anh chia sẻ.

Cô Trần Thị Vân Anh (ở giữa) đạt giải Nhất cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận Thanh Xuân
Cô Trần Thị Vân Anh (ở giữa) đạt giải Nhất cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận Thanh Xuân

Theo cô Trần Thị Vân Anh, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến là một hình thức tuyên truyền rất hiệu quả, thiết thực để các quy định của pháp luật trở nên dễ hiểu, dễ nhớ hơn. “Vì thế, tôi hy vọng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật sẽ được tổ chức sâu rộng, phong phú và đa dạng bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức trực tuyến để mỗi một công dân đều có thể tham gia. Từ đó, mỗi một công dân có thể trở thành “tuyên truyền viên tích cực” đối với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật” - cô Vân Anh nêu quan điểm.

Trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết cho học sinh

Cô giáo Nguyễn Khánh Huyền – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Lân cho biết, đối với cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”, thực hiện sự chỉ đạo của UBND quận Thanh Xuân, Phòng GD&ĐT quận, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, rõ ràng.

Trên cơ sở đó, đã phổ biến đến toàn thể giáo viên, nhân viên về thể lệ, cách thức tham gia cuộc thi và vận động 100% giáo viên, nhân viên đều tham gia cuộc thi với sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao. Đồng thời, các giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm rà soát và phổ biến cuộc thi này đến các học sinh đủ 14 tuổi trở lên trong nhà trường để các em tích cực tham gia cuộc thi với thái độ nghiêm túc.

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã triển khai kế hoạch tổ chức tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến cho học sinh cấp THCS từ năm học 2017-2018. Chính điều này đã trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết, để từ đó các em là những tuyên truyền viên tích cực giới thiệu và hướng dẫn cho cha mẹ, người thân và nhân dân trong quận tham gia các dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, các học sinh lớp 8 đã tích cực tham gia hỗ trợ công tác tuyển sinh trực tuyến tại nhà trường và các tổ dân phố.

Cô giáo tâm huyết với cuộc thi tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử - Ảnh 2
Trường THCS Nguyễn Lân (quận Thanh Xuân) thường xuyên tổ chức các chuyên đề tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh
Trường THCS Nguyễn Lân (quận Thanh Xuân) thường xuyên tổ chức các chuyên đề tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh

Sau khi nhà trường thông báo kế hoạch triển khai cuộc thi , toàn bộ 42/42 giáo viên trong trường đã tích cực tham gia, đạt tỷ lệ 100%; số lượng học sinh từ đủ 14 tuổi tham gia là 85 học sinh.

Đánh giá về hiệu quả của cuộc thi, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Lân Nguyễn Khánh Huyền cho hay, đối với các thầy cô giáo, việc tìm hiểu về các quy định pháp luật vô cùng quan trọng. Cuộc thi này đã đem lại ý nghĩa và lợi ích thiết thực đối với mỗi một giáo viên, nhân viên và các học sinh trong trường.

Việc tổ chức, triển khai cuộc thi đã tạo ra một môi trường thuận lợi để phổ biến pháp luật của nhà nước; khiến những quy định của pháp luật trở nên gần gũi hơn, đặc biệt là đối với các em học sinh. Đó chính là nền tảng quan trọng để giúp các học sinh hình thành những kỹ năng sống cần thiết và có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội.

Đối với các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các cuộc thi dành cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch triển khai kịp thời, cụ thể, rõ ràng đặc biệt là tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc tham gia  các cuộc thi; từ đó tạo đồng thuận để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tích cực tham gia.

“Vì vậy, sau khi nhà trường tổ chức kế hoạch triển khai các cuộc thi, các thầy cô giáo trong nhà trường đã chủ động hoàn thành nhiệm vụ được giao và hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi với trách nhiệm cao nhất” - Nguyễn Khánh Huyền chia sẻ.

 

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” do UBND TP Hà Nội tổ chức được phát động, bắt đầu thi từ ngày 1/8/2023 và kết thúc vào 24 giờ ngày 1/9/2023.

Cuộc thi có 1.512.991 người dự thi chính thức, trong đó: Khối sở, ban, ngành TP có 58.462 người dự thi; Khối quận, huyện, thị xã có 1.454.529 người dự thi. Bài dự thi của người từ đủ 18 tuổi trở lên là 1.356.173 bài; bài dự thi của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi là 156.818 bài.