Sáng tạo những bài giảng phù hợp với học sinh phố cổ Hà Nội
Sau nhiều buổi hẹn, chúng tôi mới có cơ hội gặp cô giáo Phạm Thị Thùy Trang, giáo viên bộ môn Giáo dục Thể chất, trường THCS Thanh Quan vào một buổi chiều tan lớp. Cô tâm sự, xuất phát từ trăn trở làm thế nào để học sinh phố cổ đa phần đều sinh sống trong không gian sống chật hẹp có thể thực hành bài giảng môn thể dục của cô giáo một cách thuận lợi nhất cho quá trình học online trong thời kỳ giãn cách, nên cô Trang tìm tòi, sáng tạo các bài giảng phù hợp với hoàn cảnh của học sinh.
Cô Trang kể: “Có lần, trong tiết học Giáo dục Thể chất online, chứng kiến chỗ học, chỗ chơi của học sinh chỉ gói gọn trên cái giường mà “đứng thẳng lên là bị vướng trần nhà”. Hình ảnh ấy cứ thôi thúc tôi ngày đêm không ngừng tìm tòi sáng tạo chuẩn bị các động tác đơn giản, hay bài nhảy phù hợp với không gian để học sinh tập ở nhà, tránh tình trạng “tắt cam, trốn học”.
Cô Trang đưa dẫn chứng: Để đảm bảo nội dung nhảy cao nhảy xa của giáo trình, cô đã thay thế bằng bài tập nhảy bậc hè kết hợp nhịp thở để hơi thở được đều hơn sẽ rất có ích thời buổi dịch bệnh Covid-19 hay tập đổ chân để rèn luyện sức khoẻ đôi chân bù lại cho những giờ không được chạy nhảy ở sân trường.
Ngoài việc bù đắp hoạt động để cơ thể cân bằng hơn, các động tác thể dục do cô hướng dẫn không chỉ rèn luyện thể lực cho các con mà qua đây còn dạy các con về tình cảm và trách nhiệm trong việc rèn luyện sức khoẻ hàng ngày.
Với phương pháp dạy và học này, giáo viên bộ môn tuy vất vả hơn nhưng bù lại tính tương tác cao vượt trội nên học sinh cũng tỏ ra rất hào hứng. Bài giảng là một chuỗi hoạt động giúp cả cô và trò vừa có thể giải quyết nhu cầu vận động vừa giúp các học sinh hoàn thành các bài tập.
BGH trường THCS Thanh Quan rất ủng hộ sáng tạo của cô bởi Ban giám hiệu rất quan tâm đến giáo dục thể chất, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, đảm bảo sức khoẻ cho học sinh là ưu tiên hàng đầu nên bộ môn Giáo dục thể chất do cô Trang giảng dạy càng được quan tâm động viên.
“Không chỉ trong phạm vi nhà trường mà các trường khác rất ủng hộ sáng kiến dạy và học của cô Trang trong các bài tập cũng như qua một số clip hướng dẫn. Vì thế các trường khác cũng hưởng ứng nên tinh thần thể thao được lan toả trên toàn quận, đặc biệt với các trường học” – Hiệu phó nhà trường chia sẻ.
“Khi nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng tôi rất vui bởi các bài tập trong mùa dịch có nhiều tác dụng như luyện hơi thở để phổi khoẻ mạnh còn trái tim có nhịp đập đều đặn, đồng thời đốt cháy nhiều calo hơn.
Sau hơn 1 năm, khi cuộc sống bình thường trở lại, học sinh đến tới trường, các bạn vẫn rất hào hứng với bài tập cũ do cô biên soạn trong mùa dịch. Vì thế tôi lại tiếp tục tạo ra nhiều thách thức trên các bài giảng cũ để học sinh có cơ hội thử sức.
Có những hoạt động tôi còn bấm cả giờ để luyện cho học sinh vận động theo nhịp, tạo thêm môi trường giúp luôn học sinh cố gắng tập luyện, đảm bảo sức khoẻ hậu Covid-19", cô Trang chia sẻ.
“Con muốn đi hiến máu để làm người hùng giống cô!”
Không chỉ say mê trong sự nghiệp trồng người, cô giáo Thùy Trang còn say mê hiến máu cứu người.
Cô nhớ lại thời điểm năm 2014, Phòng giáo dục quận Hoàn Kiếm và Hội chữ thập đỏ tổ chức hiến máu toàn quận Hoàn Kiếm, tất cả thành viên trong chi đoàn đều được động viên đi hiến. Nhờ dấu mốc này mà tôi thấy được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người nên tiếp tục duy trì.
“Vận động người hiến máu cùng mình quan trọng hơn là bản thân mình hiến máu. Bởi bản thân chỉ hiến tối đa được 17 lần/năm, còn nếu vận động được người quen tham gia thì trong cùng một thời gian, số máu hiến được nhân lên. Cô Phạm Thị Thùy Trang trường THCS Thanh Quan (Hoàn Kiếm)
Để tiếp tục trao đi “giọt hồng yêu thương”, thời gian đầu cô Trang đã chủ động tìm nơi nhận máu để hiến, từ các trường đại học lớn đến các trung tâm hay bệnh viện. Mãi đến khi biết Bệnh viện Huyết học Trung ương là nơi tiếp nhận máu thường xuyên thì cô Trang bắt đầu hành trình hiến tiểu cầu, bình quân 21 ngày 1 lần.
“Cứ vào ngày chủ nhật, đều đặn 3 tuần/lần, tôi lại đến Viện huyết học Trung ương để hiến máu, nhưng cũng có những lần lượng tiểu cầu không đạt thì tôi rất buồn vì không sát sao với sức khoẻ hoặc không kiểm soát chế độ dinh dưỡng... Rút kinh nghiệm, trong các cuộc liên hoan tôi luôn từ chối những món ăn nhiều đạm, để đảm bảo sức khoẻ và lượng tiểu cầu – cô Trang cười hiền từ và hài hước “đây cũng là động lực để giảm cân, giữ dáng!”.
Không chỉ tự mình hiến máu, cô Trang còn vận động người thân tham gia hiến máu cứu người. Cô kể lại, thời gian đầu cô không dám để lộ việc đi hiến máu, tuy nhiên sau một thời gian thấy sức khoẻ vẫn ổn định, tinh thần phấn khởi hẳn lên nên đã chia sẻ với gia đình.
"Các con tôi cũng rất hào hứng vì sau mỗi lần mẹ đi hiến máu về đều có thêm một chú gấu bông làm kỷ niệm. Có những bài giảng, cô giáo lớp con đã lấy hình ảnh hiến máu cứu người của mẹ để dạy con về lòng nhân ái. Đó như một món quà tinh thần lớn lao để cô tiếp tục thông điệp hiến máu cứ người lan toả tới người thân và đồng nghiệp", Cô Trang tự hào chia sẻ.
Ở trường Thanh Quan nơi cô đang công tác, nhắc đến hiến máu là cô trò và nhà trường đều nhớ đến cô Trang. Nhờ thế phong trào hiến máu trong nhà trường ngày càng nhân rộng để đến nay, điểm hiến máu tình nguyện ở Phố Lương Ngọc Quyến cũng trở thành điểm đến quen thuộc của giáo viên trong trường mà mỗi lần đến lịch các cô "tự rủ nhau đi”. Còn cô Trang, mỗi lần gặp lại bắc sỹ ở điểm nhận máu Lương Ngọc Quyến lại tay bắt mặt mừng như người một nhà.
Sau bao năm miệt mài, tâm huyết, thầy và trò trường THCS Thanh Quan không chỉ nhớ về hình ảnh cô Thùy Trang tâm huyết với sức khoẻ học sinh thời Covid-19 mà chính hành trình hiến máu cứu người của cô tiếp tục được chính giáo viên trong trường đưa vào bài giảng khi dạy học sinh về lòng nhân ái. Để rồi giờ đây, mỗi lần gặp học sinh, các con lại niềm nở gọi “cô Trang ơi! Con muốn đi hiến máu để làm người hùng giống cô!”
"Trong hành trình suốt 8 năm qua, kỷ niệm thật nhiều nhưng kỷ niệm đáng nhớ và thôi thúc tôi cố gắng hơn là sau khi gặp các cháu bệnh nhân ung thư tại phòng hiến máu. Cháu bé ở miền Trung ra trông rất thương, nhìn các cháu tim tôi như thắt lại khi chứng kiến cháu phải nằm chờ bố đổi máu. Nên hôm đó, chú gấu bông mà các con tôi đang chờ mẹ mang về tôi sau mỗi lần đi hiến máu thì tôi cũng tặng cháu vì nghĩ trẻ con nào cũng thích gấu bông. Chính vì thế, điều mong muốn lớn nhất của tôi là được một lần “hiến máu sống” vì muốn thử cảm giác máu của mình truyền trực tiếp cho người cần, được trực tiếp nhìn sự sống được hồi sinh.
Với những nỗ lực, tâm huyết, cô giáo Phạm Thị Thùy Trang, trường THCS Thanh Quan (Hoàn Kiếm) đã đạt nhiều thành tích, trong đó, nổi bật là:
Giải xuất sắc Hội thi sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm năm học 2006-2007; Sở giáo dục và đào tạo cấp giấy chứng nhận có sáng kiến kinh nghiệm cấp TP năm học 2011-2012; đoạt giải Nhì Hội thi giáo viên giỏi quận Hoàn Kiếm năm học 2018-2019; Giải Nhất môn Bóng bàn “Hội khỏe công nhân viên chức, lao động, lực lượng vũ trang quận Hoàn Kiếm” năm 2019; Giải Nhì đôi nữ “Giải Cầu lông cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo quận Hoàn Kiếm” năm học 2020-2021; Huy chương Đồng Hội khỏe công nhân viên chức lao động Thủ đô 2022; Huy chương Đồng môn Bóng bàn Hội khỏe công nhân viên chức lao động Thủ đô năm 2022. Và nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua các cấp.