“Mình mới có một đứa con, năm nay 5 tuổi. Nhà cách trường 320km nên chỉ về nhà dịp lễ, Tết. Mỗi lần nghe con hỏi ‘sao mẹ cứ đi mãi, không về với con?’ là lại ứa nước mắt. Nhớ con, mình chỉ biết dồn hết tình thương ấy vào những học trò nhỏ của mình,” cô giáo Lò Thị Chiển, trường Mầm non Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, nói mà như khóc.
Kể lại ngày đầu tiên cầm quyết định phân công công tác tại trường Mầm non Nậm Khăn, cô Lò Thị Chiển vẫn nhớ cảm giác bối rối không biết nên đi hay đừng. Nhà ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, nhưng trường lại ở huyện Mường Chà (nay là huyện Nậm Pồ), tỉnh Điện Biên, cách những 320 cây số.
Cô Chiển rất vui khi là một trong 64 gương mặt giáo viên vùng khó tiêu biểu được tuyên dương tại Hà Nội năm nay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
|
“Từ nhỏ, mình đã ước mơ làm cô giáo nhưng lúc đó đã lập gia đình, có con nhỏ. Câu hỏi day dứt nhất lúc đó là có nên bỏ gia đình của mình để đi theo ước mơ không? Nhưng được sự ủng hộ, động viên của gia đình chồng, mình đã quyết định đến Nặm Khăn,” cô Chiển chia sẻ.
Ngày đầu tiên đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ, dạy ở một điểm lẻ xa trung tâm, Chiển không khỏi thất vọng vì điều kiện quá khó khăn. Đi bộ gần 4 tiếng trên quãng đường lầy lội mới đến nơi, nhưng trước mặt là một điểm trường với lớp học là một nhà tạm xiêu vẹo, không điện, không nước, không sóng điện thoại, trời thì tối, cô Chiển phải vào nhà dân xin ngủ nhờ.
Ấn tượng của lần đầu đứng lớp là bàn ghế ọp ẹp, lác đác học sinh, mặt lấm lem bùn đất. Cô nói tiếng Kinh, học trò người Mông nhìn nhau ngơ ngác.
Điểm trường có 31 học sinh do Chiển và một cô giáo khác đảm nhận. Một ngày của cô giáo Chiển bắt đầu từ 5 giờ sáng bởi từ 6 giờ kém phụ huynh đã gửi con để đi làm nương. Buổi trưa, sau giờ học, các cô nấu cơm cho học trò ăn. Buổi chiều, phụ huynh đến đón con rất muộn, có khi hơn 6 giờ tối.
Nhưng sau khi trả hết trẻ, các cô vẫn chưa được nghỉ mà lội bộ đến từng nhà, vận động các phụ huynh cho con đi học. “Đồng bào phải đi làm nương nên chỉ có thể đến gặp họ vào buổi tối, nói chuyện, ăn cơm cùng họ, thuyết phục họ. Những ngày mưa phải đi bộ cả tiếng đồng hồ, đến tận nhà đón từng học sinh đến lớp,” cô Chiển chia sẻ.
Cuối tuần, các cô lại tranh thủ đến điểm trường trung tâm để làm sổ sách, đi mua thực phẩm cho cả cô và trò cho tuần tiếp theo.
Ở một điểm trường vùng sâu, không có sóng điện thoại, cách duy nhất để Chiển và cô giáo đồng nghiệp có thể liên lạc với gia đình là treo điện thoại lên cây cao 3, 4 mét hứng sóng rớt và nói chuyện bằng tai nghe.
Các cô phải làm một chiếc chòi nhỏ trên cây để che cho điện thoại không bị hỏng bởi nắng, mưa. Nhưng sóng chập chờn, lúc có, lúc không. Nhiều khi các cô phải bắc thang lên cây ngồi nghe mà vẫn không có sóng.
Ở Nặm Khăn đã 4 năm, cô Chiển bảo mình cũng đã quen với đất, với người, với trường lớp, với học trò, với cả những khó khăn vất vả nơi đây.
“Cả năm chỉ về được với con vài ngày, nên nhiều khi nhớ con, chỉ biết nằm khóc cả đêm. Nhất là những khi con đau, ốm, sóng điện thoại không có, muốn gọi xem tình hình con thế nào cũng không được, muốn về ôm con vào lòng một cái thôi cũng quá xa vời. Nhớ con, thương con, tất cả những tình cảm ấy mình lại dồn lại cho những học trò nhỏ, mong chăm sóc cho các em được tốt hơn,” cô Chiển xúc động nói.
Chăm sóc trẻ như chính con mình nên trong những năm công tác, cô Chiển luôn là giáo viên dạy giỏi của trường, là một gương mặt tiêu biểu của ngành giáo dục huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
Hỏi về mơ ước của mình, cô Chiển chỉ mong trường Nậm Khăn sẽ có điện, có nước, có sóng điện thoại và đường đi lại tiện hơn.
Rồi chùng giọng, cô Chiển nghẹn ngào bảo: “Em mới có một đứa con, con còn nhỏ, mới 5 tuổi. Em cũng mơ ước được trở về vì thấy mình chưa tròn trách nhiệm của người mẹ, người vợ, người con dâu. Nhưng em cũng đam mê nghề nghiệp, mà muốn chọn cả hai thì thật khó…” .