Liên quan đến công tác giao biên chế công chức, viên chức năm 2020, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều nay (20/9), ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ này khẳng định: Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát cụ thể số biên chế giáo dục, y tế của các địa phương để bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có viên chức y tế” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Vũ Đăng Minh cho biết, về vấn đề biên chế công chức, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1066/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 phê duyệt biên chế công chức của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành các quyết định giao biên chế công chức năm 2020 đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, về số lượng người làm việc (biên chế viên chức) trong các đơn vị sự nghiệp công lập, theo ông Minh, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Thủ thướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có mức tăng dân số cơ học cao và 5 tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát cụ thể số biên chế giáo dục, y tế của các địa phương để bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có viên chức y tế” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Song song với đó, tiến hành thẩm định số lượng người làm việc (biên chế viên chức) và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định.
Đáng chú ý, trả lời các câu hỏi xung quanh công tác tuyển viên chức giáo viên ở Hà Nội và một số địa phương hiện nay, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Trương Hải Long nhấn mạnh: Việc ban hành Nghị định 161 để sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 29 về tuyển dụng giáo viên đều căn cứ vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến sắp xếp bộ máy, đơn vị sự nghiệp... Trước đây tồn tại tình trạng nhiều giáo viên hợp đồng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu xử lý dứt điểm; theo Nghị quyết 39/2014 và Kết luận 17 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm quản lý sử dụng biên chế (không được ký hợp đồng với những người làm chuyên môn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nếu đã sẳ dụng hết biên chế này). Để khắc phục dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng này, mới đây Bộ Chính trị đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, cho chủ trương với các trường hợp giáo viên làm hợp đồng theo đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp trong biên chế sự nghiệp trước ngày 31/12/2015 thì cho phép địa phương đó có thể thực hiện tuyển dụng đặc cách. Một số địa phương đã chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xin thí điểm cho tuyển dụng trước với những giáo viên đã được ký hợp đồng mà đang làm công tác giảng dạy trong các đơn vị sự nghiệp vẫn nằm trong chỉ tiêu phạm vi biên chế được giao trước 31/12/2015.
“Theo phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức, hình thức tuyển dụng, giải pháp khắc phục tình trạng giáo viên hợp đồng được giao cho UBND các tỉnh, TP quyết định. Các địa phương tùy tình hình điều kiện, thực tế quản lý sử dụng viên chức giáo viên sẽ chủ động thực hiện theo quy định, chủ trương của Bộ Chính trị và Thủ tướng; nếu có vướng mắc, các địa phương trao đổi với Bộ thì Bộ sẽ sẵn sàng tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền, kịp thời báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết”, ông Trương Hải Long khẳng định.
Chủ trì tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh: Trước tình hình biên chế, ký hợp đồng chuyên môn chưa đúng quy định pháp luật tại các đơn vị nhất là khối giáo viên, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ liên quan báo cáo Ban Cán sự Đảng của Chính phủ trình Bộ Chính trị, từ đó Bộ Chính trị đã có văn bản 9028, Thủ tướng đã có văn bản 480 chỉ đạo vấn đề này. “Tinh thần chung là những người đang làm hợp đồng lao động tại các ĐVSN, các trường chưa tự chủ mà đã ký hợp đồng lao động từ ngày 31/12/2015 trở về trước có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì xem xét giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh rà soát theo quy định về bố trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, định mức biên chế… để xem xét tuyển vào bằng đặc cách (không qua thi) theo Nghị định 29 và Nghị định 161. Để tránh hiểu lầm trong thực hiện việc này, Vụ Công chức Viên chức cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương”, Thứ trưởng nêu rõ.